Mai vàng khoe sắc
Từ giữa tháng Chạp, dọc hai bên đường Phạm Văn Đồng, một trong những đại lộ đẹp nhất TP HCM, các nhà vườn đã tập kết hàng ngàn chậu mai để chuẩn bị bán Tết. Người qua lại ngắm những bông mai vàng nở sớm, bỗng thấy trỗi lên những tình cảm yêu thương với trời đất, khi ngày Tết đang đến rất gần.
Anh Phương Bình (46 tuổi), nhân viên có thâm niên của một vườn mai, được chủ vườn tin tưởng cử ra trông coi và trực tiếp bán cây. Vườn nơi anh Bình làm việc có trên 3.000 gốc mai. Công việc thường ngày của anh là tưới nước, tỉa tạo tán, bón phân cho cây.
Anh Bình cho biết: “Mai còn chưa lẫy lá nhưng mỗi ngày đã bán được vài chậu, có khi hàng chục chậu. Khách mua mai sớm chủ yếu là công ty, doanh nghiệp hoặc đặt hàng để chuyển ra Bắc. Khách chọn những gốc mai tầm trung với giá từ 10 - 30 triệu đồng/chậu.
Đối với các công ty, họ thường yêu cầu mai nở vào tầm ngày 23 - 25 âm lịch (thay vì ngày 29 - 30 như những người mua về nhà) để làm tiệc tất niên. Còn mai chuyển ra Bắc, do thời tiết lạnh nên với những khách này, phải chọn những cây có nút nụ lớn và thời gian lẫy lá sớm hơn thông thường khoảng một tuần”.
Còn anh Châu (46 tuổi), người sở hữu vườn mai hơn ngàn gốc ở cầu Gò Dưa (quận Thủ Đức) cũng đã chuyển cây ra đường Phạm Văn Đồng từ đầu tháng Chạp. Anh thoăn thoắt tháo những sợi dây kẽm dùng để định dáng mai.
Việc tạo dáng được thực hiện từ khi cành mai mới mọc, còn nhỏ như cái tăm. Nhìn qua tưởng quấn kẽm khá đơn giản, song đây là một trong những công đoạn đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Chỉ những người thợ lành nghề mới có thể nhìn tán cây bay theo hướng nào để điều chính thế cho phù hợp. Người “ngoại đạo” sẽ làm gãy cành hoặc làm hỏng thế, làm mất giá trị cây.
Là người có mấy chục năm “ăn ngủ dưới gốc mai”, anh Châu chia sẻ: “Làm mai mỗi năm mỗi khác. Như năm ngoái, giáp Tết, bỗng dưng Sài Gòn lạnh hơn hẳn mọi năm. Nhiều nhà vườn dù đã dùng đủ mọi biện pháp nhưng mai không nở kịp, coi như công lao cả năm đổ sông đổ biển”.
Anh Châu cho hay, trong mười năm trở lại đây, năm nay, thời tiết thất thường bậc nhất. Cơn bão hồi cuối tháng 11/2018 làm nhiều vườn mai bị ngập nặng khiến cây chết hoặc không thể nở hoa đúng Tết.
Mọi năm mùa mưa chỉ đến cuối tháng 11 dương là kết thúc nhưng năm nay sang tháng 12, thậm chí đầu tháng 1 vẫn còn mưa, nên nhiều vườn mai nhỏ hoặc chuyên mai ghép mai đầu tháng chạp hoa đã nở rộ.
Trả lời câu hỏi, mong chờ điều gì nhất vào dịp Tết, những người gắn đời mình vườn mai cười hiền: “Cả năm trồng mai, chúng tôi chỉ trông chờ vào vài ngày này. Tôi tin từ giờ đến Tết, thời tiết thuận lợi, mai nở đẹp, khách ưng ý, thế mới bỏ công bao nhiêu tháng chăm sóc”.
Rực rỡ đường hoa Xuân
Còn ở trung tâm, đường hoa Nguyễn Huệ, địa điểm du xuân quen thuộc của người dân ở thành phố mang tên Bác đã dần nên dáng, nên hình.
Là một hoạt động thường niên, mỗi năm đường hoa sẽ có một chủ đề, ý tưởng mới. Tết Kỷ Hợi 2019, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chủ đề: “TP HCM khát vọng vươn xa”. Với không gian dài gần 1km, đường hoa sẽ có đại cảnh, tiểu cảnh được sắp đặt đầy tính nghệ thuật đan xen với công nghệ. Bố cục được chia ra làm ba phần đoạn chính: Thành phố nghĩa tình giàu bản sắc, Thành phố thông minh (Thành phố của tương lai) và Đô thị sáng tạo.
Năm nay, ngay phân đoạn đầu tiên của Đường hoa 2019 “TP nghĩa tình giàu bản sắc”, mọi người có dịp nhìn thấy một phần kênh đào nổi tiếng ngày xưa được tái hiện ngay chính nơi nó đã từng hiện diện.
Những chiếc thuyền chở đầy hoa trái nương theo những con sóng cách điệu bằng tre nứa, xuôi dòng cập bến. Khi màn đêm buông xuống, những cuộn sóng nhân tạo được thắp sáng như ánh trăng rọi sáng dòng kênh ngày nào, bầu bạn cùng thuyền chở hương xuân.
Nét đặc sắc nữa của đường hoa là cổng chào đường hoa có ba cụm riêng biệt với tổng cộng 15 linh vật trong đủ sắc thái cảm xúc thể hiện sự đủ đầy, phồn vinh, vui vẻ, yêu đời và hóm hỉnh. Cổng đường hoa ở vị trí trung tâm là đại gia đình nhà các chú heo cùng nhau đi chơi Tết, mua sắm Tết ở chợ Bến Thành.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, nơi tràn sắc xuân, địa điểm chụp hình thú vị của giới trẻ. |
Hiện những chú heo linh vật của năm nay với nhiều sắc thái cảm xúc thể hiện sự đầy đủ, phồn vinh, lạc quan đã đang được gấp rút hoàn thành, đưa về. Hàng vạn chậu hoa ở khắp các nhà vườn từ TP Sa Đéc (Đồng Tháp) và các vườn trồng hoa ở Hóc Môn, Củ Chi, quận 12… cũng đã được chuyển tới. Như mọi năm, đường hoa sẽ mở cửa phục vụ người dân từ ngày 28 tháng Chạp đến ngày mùng 4 tháng Giêng.
Ông Minh Phương, người từng nhiều năm tham gia thực hiện đường hoa cho biết, một số du khách nước ngoài đã ngạc nhiên về nghệ thuật làm đường hoa, họ chụp hình và bắt tay các nghệ sỹ đang thực hiện và khen ngợi liên tục.
“Là nghệ sỹ, niềm vui lớn nhất là được khách tham quan đánh giá, công nhận tác phẩm của mình”, ông Minh Phương bộc bạch. Cứ năm hết tết đến, hầu như ai cũng tò mò chờ đợi xem đường hoa năm nay có gì đặc biệt, có bằng hay hơn gì đường hoa năm ngoái… Đó là một sự tin tưởng, đồng thời là một áp lực lớn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của các nghệ sỹ.
Từ trước đến nay, Nguyễn Huệ vốn là một trong những con đường đẹp nhất thành phố. Còn đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành một thương hiệu, một biểu trưng cho văn hoá của TP HCM. Ngoài hoa được tạo hình đa dạng bằng nghệ thuật sắp đặt, cả phong cảnh, sinh hoạt, đời sống đời thường cũng được thể hiện trên đường hoa.
Mỗi dịp lễ Tết, người dân lại nô nức đổ về đường hoa chơi Xuân, để thấy lòng yên bình và thảnh thơi, kỳ vọng năm mới những niềm hy vọng tốt lành. Một nghệ sỹ đang chăm sóc đường hoa chia sẻ: “Nhiều năm qua, có những lúc đường hoa Nguyễn Huệ quá tải, người chen chật kín. Nhưng hầu hết khách tham quan đều có ý thức, hoa được gìn giữ cho đến ngày bế mạc”. Đó cũng là một nét đẹp khác của đường hoa Nguyễn Huệ, một nét đẹp của tất cả mọi người...
Hoa tươi sẽ không quá tăng giá
Tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10), chợ hoa lớn bậc nhất của TP HCM, không khí cũng đã rất sôi động. Anh Tính (28 tuổi) chủ một sạp hoa cho biết, hơn một tuần nay lượng hoa về chợ đã tăng hơn hẳn so với ngày thường. Về sớm là các loại hoa bán chậu như lan, mai hoặc hoa khô như nụ tầm xuân về chợ.
Những loại hoa cắt cành đặc trưng của ngày Tết như lay ơn, ly, cát tường… thì về trễ hơn. Về giá hoa, chủ sạp này đánh giá: Mọi năm chỉ qua tháng 12 âm là giá đã tăng nhẹ, năm nay đến giờ này vẫn bán giá cũ. Tết này lượng hoa khá dồi dào và giá cả sẽ không tăng quá cao.
Trên bến Phú Định (quận 8), những ngày này, thuyền ghe chở trái cây của các thương lái ở từ miền Tây đổ về đã tấp nập. Anh Tây (40 tuổi), chủ ghe chở chuối từ Vĩnh Long lên cho biết: “Tôi đặt hàng một vườn bưởi ở Vĩnh Long cách đây hai tháng để bán Tết. Đi bằng ghe nên đi một ngày với về đến nhà vì thế thường tôi chỉ bán đến sáng 30 Tết để kịp về nhà trước đêm giao thừa”.