Sa lưới sau 10 năm trốn nã

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Cuối tuần qua, Phòng An ninh điều tra (PA92) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt được hai đối tượng cắt trộm cáp ngầm sau nhiều năm lẩn trốn truy nã.

Hai đối tượng nằm trong hai vụ án khác nhau nhưng có cùng tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia theo điều 231 Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể, tối 23/2, PA92 Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp với Công an xã Phong Phú, huyện Bình Chánh (TP HCM) đã bắt một thợ hồ tên Trần Văn Chiến (SN 1967, quê thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng).

Năm 2006, Chiến được bà Nguyễn Thị Sầm (ngụ phường 5, thành phố Vũng Tàu) thuê làm thuyền trưởng tàu cá BV 9307 TS để đi cắt cáp ngầm ngoài biển vì Chiến biết vị trí có cáp. Chiến cùng các thuyền viên đã đi hai chuyến cắt cáp mang về cho chủ. Chuyến đầu tiên vào đầu năm 2007, Chiến là tài công tàu BV 9307 TS cùng với một tài công khác được bà Sầm thuê điều khiển tàu BV 8687 TS ra biển cắt cáp. Thủ đoạn của các đối tượng là thả neo xuống dưới biển, dò đến khi đụng trúng dây cáp thì dùng dụng cụ kéo lên, cắt. Chuyến này hai tàu đã cắt được khoảng 100 tấn cáp ngầm.

Sau khi đi về, hai tàu neo đậu ở khu vực cảng Sao Mai, Bến Đá, thành phố Vũng Tàu thì bị Phòng Cảnh sát giao thông Đường thủy Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiểm tra phát hiện, bắt giữ. Bà Sầm sau đó đã bị xử lý hành chính. 

Tuy nhiên, sau đó, Chiến tiếp tục đi biển cắt cáp theo sự chỉ đạo của bà Sầm. Khi Chiến đang cắt (được khoảng 30 tấn) thì bị một tàu nước ngoài chụp hình, lo sợ nên Chiến đã dừng lại rồi quay tàu bỏ chạy. Chiến báo cáo cho bà Sầm và được bà này chỉ đạo đổ bỏ toàn bộ số cáp đã cắt được xuống biển rồi cho tàu quay về bờ. 

Do tiếc số cáp đã cắt, Chiến liên lạc với thuyền trưởng một tàu cá khác cũng đang cho tàu cắt cáp ngầm gần khu vực đó với ý định sang nhượng toàn bộ số cáp ngầm trên, nếu bán được sẽ chia nhau. Sau đó, hai tàu cùng di chuyển đến khu vực đảo Phú Quý, sang lại số cáp rồi cho tàu quay về, neo đậu tại cảng Sao Mai, đi xuồng nhỏ vào bờ. Lo sợ bị tù tội, Chiến đã bỏ trốn ngay khi vào tới đất liền. Chiến có thông báo việc này cho bà Sầm.

Sau đó Phòng An ninh điều tra (PA92) Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt giam, xử lý một số đối tượng có liên quan khác về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Ngày 21/6/2007, PA92 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Chiến. Do Chiến đã bỏ trốn nên Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát lệnh truy nã. 

Nói về Chiến trong quá trình trốn nã, thời gian đầu, Chiến liên tục di chuyển chỗ ở, không liên lạc với gia đình ở Sóc Trăng và vợ con ở thành phố Vũng Tàu. Chiến không đăng ký tạm trú, ít giao du và được tiếng là hiền lành ở nơi ở mới để tránh bị theo dõi. 

PA92 đã phải tạm đình chỉ điều tra với Chiến khi hết thời hạn. Nhiều năm liền các trinh sát theo dõi, về địa phương quê Chiến nhưng đều không có thông tin. Gần đây, qua một số nguồn tin và biện pháp nghiệp vụ, PA92 đã phát hiện ra Chiến. Trước đó, ngày 12/1, PA92 cũng đã bắt giữ Hồ Văn Được (SN 1969, quê huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là đối tượng bị truy nã về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Theo đó, đêm 22/12/2003, Được cùng với bốn đối tượng khác đi cắt trộm dây điện thoại tại khu vực gần Nhà máy điện Phú Mỹ (Nhà máy thép VINA KYOEI) bỏ vào năm bao đựng gạo loại 50kg sau đó đem về cất giấu.

Qua ngày hôm sau cả nhóm tước dây rồi mang tới vựa phế liệu bán với giá 10.000 đồng/kg. Tổng cộng 140 kg các đối tượng bán được 1,4 triệu đồng, chia nhau tiêu xài. Sau đó, do biết bị Công an huyện Tân Thành điều tra nên Được bỏ trốn trong khi các đối tượng khác bị bắt giữ, xử lý.

Vụ việc sau đó được PA92 thụ lý, khởi tố và truy nã Được. Riêng Được bỏ trốn lên xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương thuê nhà trọ ở, làm thuê nhiều nghề cho đến khi bị bắt. Hiện PA92 đã phục hồi điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hai tháng đối với Được để hoàn tất các thủ tục đưa bị can ra truy tố trước pháp luật. 

Đọc thêm