Căn nhà này được Chủ tịch xã Tà Nung nói là “chòi nhỏ”. |
Bao chiếm đất rừng, xây nhà trái phép
Lấy trụ sở UBND xã Tà Nung làm trung tâm, nhóm PV nhiều ngày tỏa đi các khu vực xung quanh bán kính từ 3-7km, gặp các “cò” đất để mục sở thị “cơn sốt” đất.
“Anh thích loại giá nào, từ 300-400 triệu/sào (1.000m2) cũng có, 700-800 triệu cũng có, vài tỷ cũng có”, một “cò” đất dẫn chúng tôi bằng chiếc xe máy trơ khung “độ” động cơ có thể vượt qua các dốc cao hơn mái nhà một cách dễ dàng; giới thiệu.
Sự khác nhau về giá, theo các “cò” đất, ngoài tính pháp lý thì vị trí rất quan trọng. Dẫn chúng tôi vào khu đất um tùm cây bụi nằm giáp rừng thông cách khu du lịch thung lũng hoa Tà Nung hơn 500m, thuộc thôn 6, một “cò” đất giới thiệu chủ đất đang có nhu cầu bán với giá 700 triệu đồng/sào.
Lợi thế của khu đất này là người mua được “khuyến mãi” gần sào đất chưa được đưa ra khỏi rừng nhưng đã “sạch bóng cây thông”, mua xong có thể trồng cà phê lấn chiếm dần, “view” thoáng, có suối.
Từ thôn 6, “cò” đất băng rừng theo đường mòn xuyên qua các thôn khác rồi vòng ra ngay khu trung tâm xã, dọc tuyến đường là hàng loạt mảnh đất từ đất trồng cà phê, trồng chuối nằm giáp rừng được giới thiệu “đang có nhu cầu bán”. Đa phần là mua bán bằng giấy tờ tay.
Theo giới thiệu của các “cò” đất, ở bán kính cách trung tâm xã trên dưới 3km, mỗi sào đất nông nghiệp được bán từ 700 triệu - 1 tỷ đồng; thậm chí ở khu vực gần đường liên xã, liên thôn, giá lên tới vài tỷ đồng/sào. Nhiều diện tích đất lâm nghiệp cũng được… rao bán với giá vài trăm triệu/sào với hứa hẹn “sẽ được đưa ra khỏi đất rừng trong nay mai, giá khi đó tăng gấp đôi, gấp ba”.
“Cơn sốt” đất đã khiến nhiều diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Tà Nung đang bị lấn chiếm, rừng thông thưa dần. Không khó để nhận ra những khu đất trồng cà phê giáp rừng thông, cà phê trồng xen dưới gốc thông, còn những cây thông bị cưa dần, chết khô. Nhiều vị trí đất “lọt thỏm” giữa rừng thông được đóng cọc bê tông, rào dây thép “đánh dấu chủ quyền”.
Đặc biệt, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã dấu hiệu được “phù phép” dựng nhà, mở đường, chia thành khu, lô. Cách trung tâm xã chừng 3km, men theo đường đất hướng vào tiểu khu 158, giáp địa phận phường 5, nhận thấy một số công trình nhà ở dấu hiệu xây dựng trái phép. Nổi bật như căn nhà gỗ được giới thiệu của “một cán bộ công an” ngay mặt đường, rộng khoảng 40m2, kèm kè đá, hàng rào sắt, tạo cảnh sân vườn. Giữa khu đất còn có đường bê tông rộng kéo dài lên giáp rừng thông chỉ còn lưa thưa vài cây.
Những rẫy cà phê có dấu hiệu lấn dần vào đất rừng. |
Chủ tịch UBND xã nói gì?
Công trình dấu hiệu vi phạm như vậy, nhưng theo cách lý giải của Chủ tịch UBND xã Tà Nung, lại rất đơn giản. Vị này cho rằng “cũng nghe nói công trình trên là của một cán bộ công an, tôi cũng biết người này nhưng không rõ giấy tờ đất đứng tên ai, sẽ kiểm tra và thông tin lại sau”.
Vị Chủ tịch xã cho rằng, “căn nhà trên tồn tại từ lâu trên đất nông nghiệp, trước đây chỉ là chòi nhỏ, sau gỗ mục nát nên chủ nhà mua tôn về bắn, dựng khung sắt thay thế. Còn đường bê tông thì chủ đất có xin bằng miệng nhằm phục vụ sản xuất thuận lợi hơn nên xã “tạo điều kiện””.
Tiếp tục đi sâu thêm chừng 500m, không khỏi bất ngờ bởi giữa đồi núi lại có những đường bê tông rộng hơn 5m, hai bên đường còn có những hàng rào gỗ. Đường bê tông dài khoảng 2km chạy vòng theo các quả đồi. Quan sát từ trên cao dễ dàng nhận thấy những con đường bê tông chia những quả đồi thành các khu riêng; trên đó nhiều diện tích được trồng cây tùng, dựng hàng rào gỗ, đào ao nhằm tạo cảnh quan như các khu du lịch.
Tại hiện trường, PV ghi nhận có rất nhiều vật liệu xây dựng như gạch, cát, đá, tôn cũ, gỗ, sắt… được tập kết sẵn. Một người dân địa phương cho biết, những vật liệu này được tập kết để chờ cơ hội dựng nhà trái phép.
Chủ tịch xã Tà Nung cho biết, khu đất PV phản ánh gọi là “khu Tâm gà”, giáp tiểu khu 158, địa phận phường 5, TP Đà Lạt, của 5 hộ dân. Quy mô và dấu hiệu cải tạo, xây dựng trái phép rõ nét, nhưng Chủ tịch xã vẫn có cách giải thích đơn giản rằng: “Những đường bê tông đó chỉ có vài trăm m2, là đường dân sinh, trước đây các hộ dân có làm đơn xin xã đổ đường bê tông để thuận lợi sản xuất, nhưng thẩm quyền thuộc về TP Đà Lạt. Trong quá trình gửi đơn lên TP thì các hộ đã làm đường”.
Vị Chủ tịch xã thừa nhận trên khu đất có dấu hiệu chia thành các khu nhưng không thể kết luận phân lô bán nền hay kinh doanh bất động sản ở đây. Còn việc tập kết vật liệu xây dựng, vị này nói “những hộ dân này dự định làm nhà, xã biết nên đã ngăn chặn, nếu có việc xây dựng sẽ “giải toả nóng””.
Trước câu hỏi về tình trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trên địa bàn xã đang được rao bán, Chủ tịch xã cho rằng “có nắm được thông tin qua phản ánh của người dân và đã cho cán bộ đóng vai tìm hiểu; nổi cộm từ năm 2021 ở khu vực giáp phường 5, xã Lát (Lạc Dương) có một số đối tượng chuyên đi mua gom đất. Xã đã yêu cầu các địa phương tuyên truyền, vận động bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không bán đất ở, đất rẫy”.
Cũng trên địa bàn xã Tà Nung, ngay giữa lõi rừng phòng hộ, nhiều ha đất sản xuất nông nghiệp đang bị cải tạo đất kiểu “quy hoạch”, đục khoét vào đất rừng, thông nằm trơ trọi. PLVN sẽ phản ánh trong số báo sau.
Ở khu vực có tên “Orange Hill in Tanung” tại thôn 3, xã Tà Nung, PV cũng ghi nhận có nhiều công trình nhà bằng khung sắt, mái tôn, kính, quán cà phê… Địa điểm này được quảng cáo là nơi check-in có view sống ảo “chất”. Cũng vẫn cách giải thích cũ, Chủ tịch xã Tà Nung cho rằng “không có hoạt động xây dựng ở Orange Hill mà họ chỉ dựng vài tấm kính phản quang để làm du lịch. Trước đây chủ đất trồng cà phê, sau đó chuyển sang trồng hoa trong nhà lồng, sau này cải tạo như hiện tại”. Khi được hỏi những hoạt động tạo cảnh quan trên có đúng luật không, vị Chủ tịch xã nói “không đúng” và hứa sẽ kiểm tra lại…
Không chỉ tại “điểm du lịch” Orange Hill xảy ra hoạt động vi phạm xây dựng như trên mà nhiều khu du lịch tự phong khác trên địa bàn xã Tà Nung cũng vô tư gắn biển, xây dựng trái phép (PLVN sẽ có bài phản ánh riêng vấn đề này).
Một điểm đáng ngờ, ở những vị trí đất có đổ đường, san gạt, tạo cảnh quan nói trên; vin vào lý do “mở đường phục vụ sản xuất nông nghiệp”; nhưng theo quan sát, cà phê và các cây trồng khác ở những khu vực này còi cọc, năng suất không cao. Bởi vậy, việc đầu tư hàng trăm triệu đồng để mở đường phục vụ sản xuất là khó thuyết phục.