Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” 2019 đã được khởi động tại Khu Di tích lịch sử đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ vào ngày 6/10/2019. Lễ tổng kết Hành trình tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 10/12/2019, trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024.
Còn đó những xúc động, tự hào
Hành trình đã đi được qua 9 điểm cấp Trung ương với nhiều trải nghiệm, nhiều câu chuyện ý nghĩa về tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc của giới trẻ Việt Nam, đặc biệt về cách nhìn nhận cuộc sống, cảm thông, chia sẻ, lối sống suy nghĩ hết sức thiết thực của thanh niên Việt Nam thời đại hiện nay.
Hành trình được tổ chức tại tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, nơi thiêng liêng địa đầu của Tổ quốc, hơn 100 nghìn hội viên, thanh niên Hà Giang luôn cảm thấy hãnh diện, tự hào khi được là người con dân đất Việt. Nói đến Hà Giang là nói đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, là những khó khăn, vất vả của đồng bào các dân tộc “Sống trên đá chết nằm trong đá”...
Đây cũng là mảnh đất phên giậu của Tổ quốc, được bồi dưỡng và trưởng thành cùng với sự quan tâm chăm lo của gia đình và toàn xã hội, đang nuôi dưỡng trong mình nguồn sinh lực dồi dào, khát khao công việc và sáng tạo lớn lao.
Ông Thèn Văn Quân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Giang cho biết, trong những năm qua, các cuộc vận động, phong trào của Hội đã gắn chặt với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, thanh niên; cổ vũ thanh niên hăng hái tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Cũng trong Hành trình đầy ý nghĩa này, Đoàn Hành trình đã thăm, dâng hương Nghĩa trang Vị Xuyên, nơi yên nghỉ của hơn 1.700 liệt sỹ, trong đó chủ yếu là các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Vị Xuyên giai đoạn 1979 - 1989 và các liệt sỹ thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên trở ra.
Đồng thời người trẻ được tìm hiểu về quá trình xây dựng cột mốc và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới phía Bắc, thăm, tặng quà Trạm công tác Biên phòng, tặng quà cho hộ nghèo và các em học sinh; tham quan Tượng đài Thanh niên, làng văn hóa du lịch Pả Vi...
Tại Điện Biên, ông Đặng Thành Huy, Bí Thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh cho biết: “Thanh niên Điện Biên là những người yêu nước; biết coi trọng bản sắc, văn hóa, truyền thống của dân tộc, thương yêu đồng bào; là những người “có lý tưởng; có học vấn; có sức khỏe; có việc làm và có hạnh phúc”, ông Huy nhấn mạnh.
Tại chương trình, các cán bộ, hội viên, thanh niên tham gia ghi hình hát Quốc ca, Hội ca, đồng diễn và xếp cờ Tổ quốc của hội viên, thanh niên tỉnh Điện Biên và trao ngọn đuốc Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” cho đơn vị tỉnh Hà Giang; tặng 10 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi.
Ngay sau buổi lễ, thanh niên tiêu biểu đã tham gia đồng diễn và xếp hình chữ Tổ quốc; tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên; tuyên truyền cho bà con nhân dân tại Chợ Mường Thanh phòng, chống rác thải nhựa, túi ni lông và tham gia vệ sinh môi trường các tuyến phố văn minh...; các hoạt động an sinh xã hội tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé; giao lưu văn nghệ và tặng quà cho Đồn Biên phòng A Pa Chải, thực hiện nghi lễ chào cờ tại cột mốc số 0 đồn Biên phòng A Pa Chải...
Bên cạnh đó, Ban tổ chức Hành trình hỗ trợ triển khai xây dựng 02 điểm trường tại Tiểu học Bản Huổi Lếch, xã Huổi Lếch, Tiểu học và Mầm non Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé với tổng trị giá 700 triệu đồng; trao quà cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi tỉnh Điện Biên; khởi công công trình thanh niên tại xã Thanh Minh; trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trao 400kg gạo tại các đồn biên phòng cho hộ nghèo; trao quà nâng bước em tới trường; thăm tặng quà cho trẻ em tại làng trẻ SOS...
Đoàn Hành trình thăm Vùng 3 Hải quân và Nhà trưng bày Hoàng Sa |
Tại TP Đà Nẵng, có trên 278.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30, chiếm khoảng 30,4% dân số thành phố. Chính vì vậy, thông qua Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Tỉnh Đoàn hy vọng giúp tuổi trẻ càng thêm yêu Tổ quốc và hơn nữa sẽ lan tỏa tích cực nhất niềm tự hào về giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc, xây dựng hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới và tinh thần tình nguyện của thanh niên trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Cũng tại Hành trình, Đoàn đại biểu đã được đi thăm Vùng 3 Hải quân, Nhà trưng bày Hoàng Sa là nơi trọng yếu của Hải quân Việt Nam và lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng về biển đảo, là một gạch nối gắn kết thiêng liêng không gian văn hóa biển với chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, là nơi để mỗi người dân Đà Nẵng nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đến để học tập, nghiên cứu và cảm nhận về Hoàng Sa theo cách riêng của mình...
Và những dấu ấn
Ngoài Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” là nhiều chương trình khác đầy nhân văn và khát vọng tuổi trẻ như: Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” bắt đầu từ năm 2016 với nhiều hoạt động hiệu quả như: Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (2018, 2019) với sự tham gia của 200 thanh niên, sinh viên có dự án, mô hình, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sự hưởng ứng của hàng vạn thanh niên tại các địa phương.
Đồng thời kết nối, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư từ các quỹ, các nhà đầu tư, tham gia góp phần triển khai thực hiện chương trình quốc gia khởi nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động. Các mô hình hiệu quả như câu lạc bộ “Thanh niên khởi nghiệp”, câu lạc bộ “Chủ trang trại trẻ”, câu lạc bộ “Nhà nông trẻ”. Hội các cấp đã tổ chức 74.555 hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ được hơn 2,4 triệu thanh niên khởi nghiệp.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam tổ chức thường niên từ năm 2015 nhằm tri ân, chia sẻ với các thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có nhiều cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Sau 5 năm, Chương trình đã tuyên dương 277 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; thầy giáo, cô giáo thuộc huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo; các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác giảng dạy, giúp đỡ học sinh đến trường; các thầy giáo, cô giáo dạy học sinh khuyết tật; giáo viên dạy học sinh dân tộc thiểu số trên cả nước.
Hành trình “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” được tổ chức đồng loạt trên cả nước vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5 hằng năm. Qua hành trình, đã có 2.632.314 người dân được khám bệnh, phát thuốc miễn phí; mổ mắt miễn phí cho 7.350 người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tập huấn sơ cấp cứu cơ bản cho 76.145 giáo viên các trường mầm non, tiểu học; tổ chức ngày hội rửa tay bằng xà phòng cho hơn 1.500.000 trẻ em phòng chống bệnh tay - chân - miệng; thu hút sự tham gia của hơn 35.000 thầy thuốc trẻ và hàng vạn thanh niên tình nguyện.
Chương trình “Tháng Ba biên giới” với nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức như thăm hỏi, tri ân các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các đồn biên phòng, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo; tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, thăm hỏi, giúp đỡ và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
Giải thưởng “Sao Vàng Đất Việt” do Hội LHTN Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức để xét trao cho các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam đề cao các giá trị thương hiệu Việt Nam, tôn vinh lòng tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức cho thanh niên, giới doanh nhân trẻ nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, cũng như trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương trình “Nhà bán trú cho em” và “Trường đẹp cho em” với 773 “Nhà bán trú cho em”, “Trường đẹp cho em” đã được xây dựng, trị giá hơn 400 tỷ đồng...