Nhiều người đang nghĩ rằng, có chút hơi men trong người sẽ dễ giao tiếp, nói chuyện và thân tình với nhau hơn. Để rồi, từ đó bia rượu, nhậu nhẹt trở thành một thứ “nghệ thuật sống, lối ứng xử hay phương tiện thể hiện tình cảm”.
Từ bao giờ rượu, bia lại quan trọng đến thế
Chị Nguyễn Thị Biển (Cầu Giấy, Hà Nội) kể về câu chuyện rượu bia của chồng là anh Đạt. Anh là tuýp người không biết uống rượu, chỉ uống chút thôi là mặt mũi chân tay đỏ như con gà cắt tiết. Từ lúc quen đến khi lấy nhau, chị cũng thấy anh ít uống. Bỗng một ngày sau buổi gặp bạn bè, anh về trong hơi men, mặt đỏ phừng phừng: “Vợ ạ, có khi anh phải tập uống rượu. Không biết uống bạn bè nó chê mình đàn bà, không tôn trọng nó”.
Vài ngày sau, anh lại về trong cơn say. Anh nhập nhèm nói chị khi không còn tỉnh táo: “Cũng vì bữa nhậu hôm nay mà có khi được việc nên uống hơi nhiều”. Thế rồi, nằm bẹp dí một ngày chẳng kịp thay quần áo, nôn thốc vì trúng gió. Chị lại ngậm ngùi đi dọn “bãi chiến trường” của chồng.
Từ khi anh tập uống rượu, những chuyện thế này lại quen với chị. Lòng thầm nghĩ chồng mình từ người không bia rượu, sao giờ lại say xỉn đến thế.
Có tí chén chú, chén anh cả nể, kèm chút hơi men sĩ diện, con người mất tự chủ hẳn. Chị chỉ muốn thà cứ gọi là “thằng đàn bà”, còn hơn bê tha nhậu nhẹt. Cuộc sống ở đằng sau tay lái, sau cửa quán nhậu là cửa nhà. Nhưng nào mấy cánh đàn ông hiểu được!
Tôi về quê cũng hay được mời rượu, dường như nhiều khi thói quen trở thành một tư duy giao tiếp. Bạn bè thân thiết từ thưở cùng nhau tắm sông, giờ mỗi đứa mỗi phương, gặp nhau không giấu được niềm hoan hỉ. Mỗi lý do là một chén rượu. Mua xe mới không khao tao: phạt một chén!..Có người yêu giấu bạn: Phạt tiếp một chén..Cứ thế hàng chục chén với đủ các lý do dày vò nhau thay vì hàn huyên chuyện cũ. Khi cảm thấy chếnh choáng, từ chối. Nhưng, bạn bè còn lâu mới chịu. “Mày làm thế là mày khinh tao”, “Bạn bè mà từ nhau chén rồi”…Ừ thôi thì không coi thường, nể thì uống…
Hiện trường vụ tai nạn tại hầm Kim Liên, Hà Nội khiến 2 phụ nữ tử vong do tài xế say xỉn khi lái xe |
Từ bao giờ, rượu bia lại trở thành thước đo đánh giá một người là đàn ông hay không, thân hay sơ hay trở thành công cụ phục vụ công việc đến thế. Mới vào công ty, bạn không biết uống rượu, bạn ở thế yếu. Đi chỗ này, chỗ khác, bạn không uống rượu, bị đánh giá khó nói chuyện.
Từ những chuẩn mực đạo đức, rượu bia lại là thang đo đánh giá con người, các mối quan hệ xã hội và công việc. Trước đây, người ta coi rượu hàng cấm, cấm buôn bán, sản xuất, giờ đây rượu là thước đo xã hội. Cánh mày râu thi nhau trên bàn rượu, ai uống nhiều người ấy là đàn ông, uống cho say mới là hết mình với bạn và, họ hàng, anh em. Nhưng có mấy ai nghĩ, máu mủ tình thâm, không chúc nhau cái tốt lại đi chúc cái hơi men giết người ấy.
Cuộc sống thời hiện đại, người ta coi trọng rượu, bia hơn những cuộc gặp gỡ, thân tình thông thường. Đi xin việc, ra mắt công ty cũng phải nhậu, nghỉ việc phải nhậu chia tay mới thỏa. Kiếm được hợp đồng: nhậu mừng, tăng lương: nhậu khao, tai nạn: nhậu giải xui…Trong tất cả cuộc vui đó, có thể thiếu tất cả trừ rượu. Tôi có cảm giác như mọi người coi công việc là phụ, kiếm cớ dắt nhau lên bàn ăn là chính.
Những người hay nhậu cho hay, có tí men bàn công việc mới thuận, thương thảo mới dễ. Chẳng vậy chúng ngày càng xa rời các cuộc bàn luận nơi phòng họp và chuyển dần sang bàn nhậu. Phải chăng cách duy nhất chốt nhanh cái hợp đồng này không còn cách nào tuyệt vời hơn là lôi đối tác đi “nhậu” để trong lúc chén chú, chén anh hăng máu dễ kí cho đối tác làm ăn.
Có tí rượu thôi, nhưng đường về nhà xa lắm
Vài lần đi qua mấy con đường tai nạn thủ đô, tôi lại thấy rùng mình. Không phải sợ hãi có người đã tử vong ở đó. Mà ngay phía gần thôi là quán nhậu, người ta vẫn hô hào: “1,2,3 uống”, “Không say không về”, “Anh chén, chú chén”...Khoảng cách giữa “bàn nhậu” và mặt đường chỉ trong khoảng cách ngắn. Có thể sau những cuộc vui của ai đó với 6,7 chai bia, là nỗi đau của 6,7 gia đình.
Hai tháng trước có chị lao công đi xe điện bị tông tử vong, chị bỏ lại cậu con trai lớp 9 trong căn nhà ọp ẹp giữa thủ đô. Rồi ít lâu, người Hà Nội lại xôn xao có hai phụ nữ bị tông tử vong tại hầm Kim Liên, tài xế uống 6 chai bia trước đó và lái xe trong trạng thái say xỉn. Và ở đâu đó, có vài người mãi mãi rời xa người thân của họ vì những con “ma men cầm vô – lăng”. Đọc những dòng tin tai nạn, vừa rùng mình, xót xa, sao bây giờ người ta “tệ” thế!
Rượu đấy, cứ hô to:“Cạn ly! không say không về”. Để rồi hàng chục vụ tai nạn diễn ra, cứ vài hôm xã hội hoang mang vì có tài xế say xỉn tông người. Ra đường lòng thấp thỏm lo sợ, liệu mình có vô tình là nạn nhân xe điên nào không.
Nhưng sau cuộc vui ấy, có thể một người vợ mất chồng, những đứa con mất cha, cha mẹ mất đi một đứa con bao năm khổ cực nuôi dưỡng. Chị lao công ở Hà Nội có thể sẽ trở về nhà, nhìn thấy con, ăn cơm cùng con nếu không bị xe đâm. Chị nhân viên nhà hát kịch vẫn còn cơ hội cống hiến cho nghề, âm thầm bền bỉ như những gì chị làm bao nhiêu năm. Cô con gái sẽ không phải nấc nghẹn vì nỗi đau mất mẹ, gia đình không phải mất đi một cánh tay kinh tế. Cô giáo Quỳnh sẽ vẫn được đứng lớp, được luyện chữ cho học trò nếu không bị tài xê say xỉn đâm tử nạn tại hầm Kim Liên đêm hôm ấy. Còn biết bao vụ việc đau lòng như thế diễn ra trên khắp mọi nơi xung quanh cuộc sống chúng ta.
Cái chén chú, chén anh được xem nồng nhiệt, lại là nỗi đau đớn của biết bao con người. Mỗi buổi tối đi qua con phố Hà Nội như Xã Đàn, Nguyên Hồng, Giáp Bát…cảnh người người ăn nhậu nhộn nhịp. Và khi ngà ngà say tiếng chửi bởi, cười đùa, hú hét hỗn tạp làm không gian ấy thêm phần đáng sợ.
Tôi từng biết câu chuyện đau lòng về rượu, cậu thanh niên gần xóm mới cưới vợ và có con đầu lòng. Trong một lần nhậu say, không may bị tai nạn và tử vong. Người vợ trẻ ôm con chờ chồng cả đêm, chạy khắp thị trấn tìm không thấy. Chỉ sáng hôm sau, một người bắt ốc phát hiện thi thể anh tím tái vì tai nạn xe. Thế là kết thúc cuộc đời, chưa kịp yêu thương bù đắp cho vợ, báo hiếu bố mẹ, và ôm đứa con nhỏ.
Người con trai nữ công nhân môi trường chết lặng bên thi thể mẹ sau vụ tai nạn tại đường Láng, Hà Nội |
Đó chỉ là một chuyện mà tôi biết, là người nhà, là chú họ tôi. Còn có bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm, bao nhiêu sinh mệnh ra đi do rượu, tôi không muốn đọc những con số thống kê trên báo chí. Hàng ngày lên mạng xã hội, hàng chục vụ tai nạn, trong số đó có nhiều vụ do tài xế sử dụng chất cồn. Chúng thực sự đáng sợ, tôi không dám nhìn hay đọc hết.
Có thể, giờ đây người ta có thể coi rượu như thước đo tình cảm: uống nhiều nhiệt với bạn, tôn trọng anh em, nể nang mà uống cho say. Nhưng ít ai hiểu được, rượu thì dễ uống, nhưng đường về nhà thì còn xa lắm.
Ta nâng chén vì bạn bè, vì các mối quan hệ, vì lợi ích, vì cơ hội, vì sự nghiệp của ta. Nhưng có bao giờ ta nâng chén cho những người nằm xuống?
Hãy uống có chừng mực, có điểm dừng để những câu chuyện đau lòng vì rượu bia sẽ không còn là nỗi ám ảnh. Bản lĩnh của một người không nằm ở việc bạn uống bao nhiêu chén mà ở cách bạn yêu thương, chăm lo và phát triển cuộc sống.
Tôi không phê phán việc mọi người uống rượu, nhưng trong mỗi cuộc vui, đừng quên ở nhà còn gia đình. Nhớ để biết lúc nào ta biết từ chối trên bàn rượu, để an toàn sau tay lái.
Sau mỗi cuộc vui là trách nhiệm, sau tay lái là cả một gia đình!