Hàng xuất nhiều nhưng không mang thương hiệu Việt
Sản lượng gạo Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt ở thị trường châu Âu. Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Âu, hầu hết gạo Việt Nam đều mang thương hiệu của nhà nhập khẩu chứ không mang thương hiệu của thị trường xuất khẩu. Điều đáng lo ngại là doanh nghiệp (DN) Việt đang cho rằng việc này là hoàn toàn bình thường. Do đó, câu chuyện gạo ST25 bị đăng ký sở hữu thương hiệu như đã từng xảy ra tại Mỹ, Úc sẽ có thể tiếp tục xảy ở thị trường châu Âu khi các nhà nhập khẩu của châu Âu nhận ra được sự nổi tiếng của loại gạo này.
Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp cho biết, việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ở thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu đang không được quan tâm đúng mức. Các bộ, ngành thì có ý định “thoái thác” trách nhiệm khi cho rằng, Chính phủ không thể can thiệp được trong việc này? Nhưng chuyện về gạo Hom Mali của Thái Lan đã cho thấy tầm nhìn khác nhau của các cơ quan nhà nước trong việc đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của quốc gia mình.
“Khi loại gạo này đoạt giải nhất thế giới năm 2020, lập tức được Chính phủ Thái Lan tập trung xây dựng thành sản phẩm thương hiệu quốc gia. Như thế, gạo Hom Mali được bảo hộ thương hiệu tại những thị trường lớn và đương nhiên không bị tranh chấp. Nhưng ở Việt Nam thì không, các DN hoàn toàn tự bơi trong khả năng của mình. Trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia, có lẽ sản phẩm gạo ST25 sẽ là một bài học đắt giá” , ông Thủy nói.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam xuất khẩu rất nhiều sản phẩm ra nước ngoài nhưng số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt rất ít, nhất là các mặt hàng nông sản như gạo, cà phê… Do vậy, tất cả các ngành hàng của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông sản khi xuất khẩu rất cần phải được bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài, cũng như xây dựng được hệ thống phân phối độc quyền. Nếu DN không đầu tư cho quy trình này sẽ rất dễ dẫn tới việc mất thương hiệu hoặc bị vi phạm nhãn hiệu hàng hóa.
Trao đổi với PLVN, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Vinasamex chia sẻ, nhiều DN Việt Nam chưa có nhận thức cao về việc bảo hộ tài sản trí tuệ vô hình của mình mà mới chỉ tập trung vào khâu phát triển chất lượng sản phẩm. Nhưng việc chờ khi doanh thu đủ lớn tại các thị trường xuất khẩu mới đăng ký thương hiệu là rất rủi ro.
Đừng để doanh nghiệp “tự bơi”
Theo nhiều chuyên gia, các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ cần thúc đẩy song song 2 việc: vừa phát triển sản phẩm, bán hàng để tăng doanh thu, vừa chủ động tìm hiểu đăng ký thương hiệu tại nước ngoài. Bởi đã không ít DN nổi tiếng tại thị trường Việt Nam bị các đối thủ, DN tại nước ngoài đăng ký sở hữu nhãn hiệu ở nước ngoài. Lúc này, DN mới vội vàng tìm cách chứng minh là nhãn hiệu nổi tiếng và đã có sự vi phạm nhãn hiệu thì gần như đã muộn.
“Thông thường, hầu hết thương hiệu chỉ có tên tuổi ở thị trường Việt Nam chứ chưa phải thương hiệu nổi tiếng toàn cầu nên việc chứng minh thương hiệu của mình là nhãn hiệu nổi tiếng để được loại trừ theo Luật Sở hữu trí tuệ là rất khó và nguy cơ mất trắng thương hiệu tại các thị trường nước ngoài là rất cao. Do đó, trước khi nhắm đến thị trường nào thì DN cần tìm hiểu và am hiểu luật pháp của thị trường đó để tránh những điều đáng tiếc trong quá trình bảo hộ thương hiệu”, bà Huyền nói.
Với 2 thị trường trọng điểm là châu Âu và Mỹ (doanh thu xuất khẩu ở 2 thị trường này tăng đều trên 30%/năm, kể cả năm 2020, bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và giá cước vận tải biển tăng cao gấp nhiều lần), Vinasamex đã thực hiện đăng ký sở hữu thương hiệu ở thị trường Mỹ. Trong tương lai, Vinasamex sẽ đăng ký thêm ở châu Âu. Bởi ngay từ đầu, lãnh đạo Vinasamex đã xác định rõ, DN cần đăng ký bảo hộ thương hiệu khi vào bất kỳ thị trường nào, tránh những rủi ro không đáng có.
Bà Huyền cũng cho biết, con đường ngắn nhất để DN nhỏ và vừa đăng ký nhãn hiệu thành công ở thị trường trọng điểm chính là ngắm vào thị trường ngách. Theo đó, thay vì hợp tác ngay với nhiều đơn vị, tổ chức trên thế giới về bảo hộ quyền thương hiệu, Vinasamex đã đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử Amazon. Qua đó thúc đẩy quá trình đăng ký bảo hộ quyền thương hiệu tại thị trường ở Mỹ. “Các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam tiềm lực tài chính còn nhỏ có thể đi theo hướng này để đẩy nhanh quá trình đăng ký bảo hộ quyền thương hiệu và chi phí thấp hơn”, bà Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, không nên để các DN “tự bơi” trong việc đăng ký sở hữu thương hiệu ở thị trường trọng điểm quốc tế, nhất là với các sản phẩm nổi tiếng, mang lại tầm ảnh hưởng cho Việt Nam ở thế giới. Do đó, Bộ Công Thương nên điều tiết một phần kinh phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các DN đã có sản phẩm, có thị trường, hệ thống phân phối tại nước ngoài làm ăn lâu dài xây dựng thương hiệu của mình ở thị trường quốc tế.