Thực tế “nóng”
PGS.TS Phạm Văn Lực, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, hơn chục năm trở lại đây, đá cổ, đá quý bị khai thác diễn ra rất phổ biến đã khiến nhiều mẫu vật địa chất đang dần dần cạn kiệt, thậm chí có nhiều loại khó tìm thấy ngoài thiên nhiên, dù là hóa thạch có hàng triệu năm.
Cụ thể, tại các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Yên Bái, Nghệ An, nhiều “đá tặc” còn ngang nhiên sử dụng thiết bị cơ giới hạng nặng mở đường vào tận rừng phòng hộ để khai thác và vận chuyển hàng nghìn tấn đá ra ngoài mà ít bị các cơ quan chức năng của địa phương xử lý.
Thực tế, nhiều địa bàn, mỏ khai thác đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp khiến tình hình an ninh trật tự ở địa phương trở nên phức tạp. Điển hình, nhiều gia đình bỏ bê nương rẫy cũng như công việc khác để săn lùng đá quý. Thậm chí, một số học sinh cũng bỏ học đi đào đá kiếm tiền.
Trước tình hình đó nhiều nhóm chuyên án hình sự đã được thiết lập để điều tra đường dây buôn bán trái phép đá quý, điều tra những băng nhóm tội phạm âm thầm tiêu diệt nhau, điều tra những ông trùm đá quí với các thủ đoạn phù phép biến tài nguyên quốc gia vào túi riêng.
Thông điệp trên màn ảnh
Bộ phim truyền hình “Ruby máu” nói về chủ đề thiên nhiên kết hợp yếu tố buôn bán đá quý trái phép. Ở “Ruby máu”, khán giả thấy cuộc chiến ngầm khốc liệt trong giới tội phạm buôn bán đá quý với những nhân vật được khắc họa tính cách rất đặc biệt. Khai thác đề tài hình sự quen thuộc với khán giả Việt, nhưng “Ruby máu” mang đến màu sắc khác biệt so với các phim cùng thể loại. Những tình huống và cảnh quay được đầu tư chỉn chu, có phần phức tạp hơn so với thể loại truyền hình dài tập.
Bên cạnh rất nhiều những chương trình truyền hình mang tính báo chí, thu hút người xem như: Hành trình phá án, Nhận diện tội phạm, Giải mã tâm lý tội phạm… việc đầu tư sản xuất những bộ phim như “Ruby máu” có thể xem là một bước tiến mới của nhà đài để đưa đến cho công chúng những món ăn tinh thần phong phú, giúp công chúng hiểu hơn về những cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm mà rất nhiều chiến sĩ công an đang ngày đêm đối mặt để giữ được bình yên cuộc sống.
Với kinh nghiệm từng làm nhiều phim hành động, hình sự, quan điểm của đạo diễn Đặng Quang Minh là hạn chế tối đa những cảnh phản cảm, tập trung vào những đòn đánh đẹp, mang tính giải trí cho khán giả.
Vừa khai thác cuộc chiến chống tội phạm của lực lượng cảnh sát nhân dân đồng thời khắc họa cuộc chiến ngầm khốc liệt trong giới tội phạm buôn bán đá quý, bộ phim gửi gắm thông điệp: “Ruby máu” chính là màu của đá hòa lẫn với máu của những con người muốn làm giàu nhanh chóng, bất chấp cả tính mạng của mình. Đó là sự đau xót của “mẹ thiên nhiên” khi những đứa con sống trên trái đất không biết giữ gìn môi trường sống, chỉ biết tìm cách vắt kiệt bầu sữa tự nhiên để tồn tại.
Đạo diễn Đặng Minh Quang tâm sự: “Ngoài những pha võ thuật, điều tra và sự kịch tính, tôi tâm đắc nhất là phim chứa thông điệp về bảo vệ tài nguyên môi trường. Người tham gia phá án đã góp phần bảo vệ những quả đồi xanh và khoáng sản quý cho thế hệ tương lai.