Monsanto – tội đồ của môi trường toàn cầu (Kỳ 5):
Việc thuốc diệt muỗi DDT bị cấm sử dụng vào năm 1972 không hề khiến Monsanto xem xét lại việc sản xuất các loại hóa chất độc hại, ngược lại tiếp tục cho “ra lò” thuốc diệt cỏ RoundUp với những chiêu thức che đậy tinh vi hơn.
Vào đầu những năm 1970, Monsanto thành lập bộ phận Hóa chất Nông nghiệp với trọng tâm là thuốc diệt cỏ, từ đó phát triển một loại thuốc diệt cỏ mới có tên RoundUp với thành phần chính là muối glyphosate.
Do khả năng tiêu diệt cỏ dại chỉ sau một đêm, người nông dân khắp nơi nhanh chóng chấp nhận sản phẩm mới này của Monsanto. Việc sử dụng RoundUp càng gia tăng nhanh chóng khi Monsanto giới thiệu các loại cây trồng "Roundup Ready" có khả năng kháng chất glyphosate trong thuốc diệt cỏ RoundUp, cho phép người nông dân tưới đẫm toàn bộ diện tích cần diệt cỏ mà không làm chết cây trồng.
Nguy cơ sau dấu chứng nhận an toàn
Glyphosate đã nhận được đăng ký của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) vào năm 1974. Đáng chú ý, đây là thời điểm diễn ra tình trạng tham nhũng tràn lan trong ngành công nghiệp hoá chất. Trong giai đoạn trước và sau năm 1974, nhiều phòng thí nghiệm đã xây dựng các nghiên cứu an toàn về thuốc trừ sâu và các hóa chất khác.
Sự gian lận trong quá trình cấp phép an toàn cho phép các phòng thí nghiệm này hưởng lợi từ quy trình đăng ký của chính phủ. Dù chưa có bằng chứng xác thực, song việc RoundUp lấy được giấy chứng nhận an toàn trong thời điểm này đã đặt ra nhiều dấu hỏi.
Giống như DDT, RoundUp nhanh chóng trở thành một sản phẩm nổi tiếng khắp toàn cầu. Các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như các nhà khoa học của các trường đại học đều tuyên bố rằng RoundUp "an toàn".
Nông dân, người làm vườn và người trông nom bãi cỏ vô cùng yên tâm và sử dụng loại sản phẩm này của Monsanto một cách rộng rãi. Mặc dù không nguy hiểm như chất độc màu da cam, song đã có những ghi nhận về các vấn đề phát sinh liên quan đến sử dụng thuốc trừ sâu có thành phần là glyphosate.
Thuốc trừ sâu glyphosate có tiềm năng tạo ra "siêu cỏ dại", giống như cách mà kháng sinh gây ra "siêu mầm bệnh", đó là thuốc trừ sâu giết chết tất cả các loại cỏ, trừ những cá thể mạnh nhất. Những cá thể này sẽ tiếp tục phát triển và thích nghi, tạo thành "siêu cỏ dại”.
Cứ như vậy, thuốc diệt cỏ sẽ trở nên rất kém hiệu quả nếu không tăng thêm sức mạnh – nghĩa là độc hại hơn.
Các nghiên cứu cho thấy RoundUp gây ra nhiều khiếm khuyết di truyền trên chuột. |
Ngoài khả năng tạo ra “siêu cỏ dại”, một số nghiên cứu còn cho thấy thuốc diệt cỏ có thành phần glyphosate có thể gây hại cho tế bào thai, ngay cả với công thức rất pha loãng. Nguy cơ tiềm ẩn glyphosate gây ra cho bào thai đặc biệt đáng lo ngại khi người ta xem xét việc sử dụng rộng rãi loại thuốc này với nồng độ cần thiết để diệt cỏ một cách hiệu quả.
Ngoài việc gây hại cho một số loại tế bào trong cơ thể con người, các chất phụ gia trong thuốc diệt cỏ glyphosate (ví dụ các thành phần "không hoạt động" của Roundup) đã được chứng minh là có khả năng tích lũy và gây ra một số khiếm khuyết về di truyền đối với chuột thí nghiệm.
Mặc dù phụ gia trong thuốc diệt cỏ phải được sử dụng với liều lượng lớn mới có thể gây ra thiệt hại như vậy, nhưng những thí nghiệm trên chuột khiến nhiều người lo ngại về những ảnh hưởng mà RoundUp gây ra cho con người.
Những tiếng nói phản đối
Khá nhiều người cảm thấy bất an khi chứng kiến một loại thuốc độc hại khác lại tiếp tục chu du vòng quanh thế giới giống như DDT trước đó, trong đó có Don Huber, một Đại tá nghỉ hưu – người từng làm việc trong lĩnh vực vũ khí sinh học phục vụ chiến tranh. Trong tất cả những điều ông hiểu về vũ khí sinh học, bệnh tật và cây trồng, ông đặc biệt quan tâm đến ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ đối với các hệ thống sinh học trong nông nghiệp.
Giống như Morton Biskind từng cảnh báo về DDT vào năm 1953, Huber năm 2011 đã đề cập tới sự nguy hiểm của loại thuốc giệt cỏ chứa glyphosate. Dù cách nhau 58 năm, nhưng cả hai trường hợp đều nhận kết quả khá giống nhau là những cơ quan liên quan vẫn không hề có động thái nào nhằm tìm hiểu và ngăn cản việc sử dụng các loại hóa chất độc hại của Monsanto.
Và bất chấp lời cảnh báo của Huber và nhiều nhà khoa học khác, sản phẩm RoundUp vẫn được Monsanto sản xuất và kinh doanh như bình thường.
Mặc dù glyphosate đã được chấp thuận bởi các cơ quan quản lý trên toàn thế giới và được sử dụng rộng rãi, vẫn còn những quan ngại về những ảnh hưởng của nó đối với con người và môi trường. RoundUp đã được tìm thấy trong các mẫu nước ngầm, cũng như đất đai, và thậm chí cả ở suối và không khí khắp vùng Trung Tây Hoa Kỳ, và ngày càng có nhiều trong thức ăn.
Nó đã được liên kết với tỷ lệ tử vong của con bướm, và sự gia tăng của những siêu hạt giống. Các nghiên cứu trên chuột đã cho thấy những ảnh hưởng tiêu cực về sức khoẻ từ các khối u, chức năng của cơ thể bị biến đổi, và vô sinh, đến ung thư và tử vong sớm.
Bởi vậy, một loạt các quốc gia Châu Âu đang xem xét cấm hoàn toàn việc sử dụng loại chất này trong nông nghiệp, bắt đầu từ Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Hà lan. Hồi năm ngoái, cuộc bỏ phiếu thông qua việc tái cấp phép cho các loại chất diệt cỏ có thành phần glyphosate đến năm 2030 trong phạm vi Liên minh châu Âu cũng đã bị hoãn lại do làn sóng phản đối dữ dội từ chính phủ các nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực.
“Bậc thầy” về vận động hành lang
Trong lịch sử hơn 100 năm phát triển, Monsanto nổi tiếng là có nhiều “mánh lới” để vẫn có thể bán sản phẩm độc hại của mình, bất chấp những làn sóng phản đối và tranh cãi. Và các “mánh lới” này tiếp tục được Monsanto áp dụng để lấy được tấm “giấy thông hành” cho RoundUp.
Áp-phích tẩy chay RoundUp của Monsanto |
Thứ nhất là Monsanto sẵn sàng “đàn áp” các chứng cứ khoa học. Một số email bị rò rỉ của Monsanto cho thấy, công ty này thường xuyên làm việc với các nhân viên bên trong các cơ quan chính phủ Mỹ để can thiệp vào quá trình công bố các kết quả nghiên cứu với công chúng.
Một trong số các nhân vật đó là Jess Rowland, cựu Giám đốc Bộ phận Y tế thuộc Chương trình Thuốc Trừ sâu và Diệt cỏ của EPA. Jess Rowland từng gửi email cho Monsanto, trong đó cam kết rằng ông sẽ cố gắng hủy bỏ một kết quả nghiên cứu về glyphosate khi nghiên cứu này chỉ ra mối liên hệ giữa glyphosate với bệnh ung thư.
Cùng với việc ngăn chặn kết quả các nghiên cứu khoa học nghiêm túc, Monsanto còn sẵn sàng tiến hành những nghiên cứu giả mạo, trong đó Monsanto sẽ tác động để làm sai lệch tính độc lập của những nghiên cứu này. Monsanto sẵn sàng chi những khoản tiền khủng cho một số nhà khoa học – những người sẵn sàng chỉnh sửa kết quả nghiên cứu theo hướng có lợi cho Monsanto.
Khi một nhóm nhà khoa học thành lập Nhóm Tư vấn Khoa học (SAP) để thảo luận về tác hại của glyphosate, Monsanto đã tìm cách tác động để ngăn chặn cuộc họp của SAP – dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm ngoái.
Cuối cùng, cuộc họp đã bị hoãn chỉ vài ngày trước khi bắt đầu. Tổ chức đứng ra vận động cho để ngăn cản hoạt động của SAP là CropLife America – hiệp hội đại diện cho Monsanto và một số công ty sản xuất thuốc trừ sâu và diệt cỏ khác.
Monsanto thực hiện thành công những “mánh lới” này bởi họ là “bậc thầy” trong vận động hành lang. Theo các số liệu ước tính, Monsanto đã chi tới 6,3 triệu USD để vận động hành lang riêng trong năm 2011.
Nhờ vậy, dù có nhiều bằng chứng chứng minh tính độc hại của RoundUp cũng như những thiệt hại mà RoundUp gây ra với môi trường, loại thuốc diệt cỏ này vẫn được bày bán một cách ngang nhiên. Nhưng đã có nhiều người nhận ra, việc một doanh nghiệp cố gắng bán sản phẩm độc hại vì lợi nhuận là vô cùng phi đạo đức.
Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều nơi gán cho Monsanto biệt danh “Ác quỷ”!