Nở rộ “truyền hình Youtube”
Có sức hút và được sử dụng phổ biến trên thế giới mạng, bên cạnh mạng xã hội facebook thì phải kể đến sự phát triển của Youtube. Từ kênh chuyên dùng đăng tải video clip, chủ yếu là giải trí, giờ đây Youtube đã phát triển nhanh đến chóng mặt, với nhiều chức năng hơn là một mạng xã hội chuyên dùng để giải trí. Đặc biệt, từ sau chính sách trả tiền cho người dùng theo lượt xem (view) và quảng cáo, Youtube ngày càng thu hút lượng tham gia khổng lồ, cũng như tạo được sự tương tác mạnh mẽ từ người sử dụng.
Trong vòng một năm trở lại đây, làn sóng phim chiếu Youtube trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhiều nhà sản xuất đã tập trung vào thị hiếu của cư dân mạng để làm ra những clip chuyên phát hành trên Youtube. Nhiều kênh được lập trên Youtube đã trở thành món ăn quen thuộc với người xem, tương tự như thói quen xem truyền hình hàng ngày trước đây. Các kênh hài trên Youtube như: Ghiền mì gõ, DamTV, Kem, Trắng TV... trở thành những kênh phim hài có lượt xem “khủng”, lượt người hâm mộ (fan) hùng hậu. Theo xu thế, nhiều nghệ sĩ cũng lập riêng cho mình kênh Youtube để phục vụ quảng bá hình ảnh hoặc các sản phẩm nghệ thuật.
Bên cạnh đó là nhiều kênh khác như kênh dành cho tuổi teen, kênh chuyên về phim sitcom, hoặc những kênh chuyên sản xuất các video clip dạng chơi khăm, chế nhại, kênh dạy ngoại ngữ, kĩ năng... Trong nhiều gia đình hiện nay, có thể không có truyền hình truyền thống, nhưng không thể thiếu Youtube. Người ta tìm kiếm sự giải trí trên Youtube, tìm kiếm công thức nấu ăn, dùng clip thiếu nhi trên Youtube để dỗ con, thậm chí dạy con bằng các clip học ngoại ngữ từ Youtube...
Youtube cũng đã tạo ra một lực lượng hùng hậu những người nổi tiếng. Đó là những “hot vblogger”, những người có tài ăn nói, có nhiều ý tưởng hay hoặc kiến thức, năng khiếu trong một lĩnh vực nào đó. Những vblogger chuyên về làm đẹp, chuyên ẩm thực, về ngôn ngữ hay hoá trang... đã góp phần làm cho “thế giới Youtube” trở nên đa dạng, hấp dẫn, đồng thời chính họ cũng nhận được lợi nhuận trực tiếp từ Youtube cũng như danh tiếng trong đời thực.
Youtube đã dường như trở thành một “hệ thống truyền hình” đặc sắc, nơi mà người xem có thể tìm kiếm bất cứ thể loại giải trí nào. Nhưng dù sao, một kênh “truyền hình” mà không có sự kiểm soát chặt chẽ về nội dung thì bên cạnh những điều hay, bổ ích bao giờ cũng đi kèm những hệ luỵ.
Vừa xem vừa... lo
Có một thời điểm, các bậc phụ huynh lo sốt vó khi phát hiện nhiều chương trình mang danh nghĩa dành cho thiếu nhi, núp bóng dưới những hình ảnh búp bê barbie, người nhện, Bạch Tuyết... lại có nội dung rất người lớn, phản cảm. Sau khi dư luận lên tiếng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào cuộc, các chương trình thiếu nhi nói trên đã bị hạn chế tại Việt Nam, kể từ đó, các bậc cha mẹ cũng bắt đầu chú ý, kiểm soát chặt chẽ hơn nội dung trẻ xem trên Youtube.
Nhưng đó là phần trẻ nhỏ, còn đối với thanh, thiếu niên thì khó mà kiểm soát khi Youtube là một cái “kho” giải trí mênh mông và thú vị với các em. Tràn lan trên Youtube hiện nay là các kênh của những “hot boy”, “hot girl” nổi lên với lượt xem khủng. Trong đó, không ít nổi tiếng nhờ những hành vi phản cảm như ăn nói bạt mạng, tục tĩu, chửi thề như... hát.
Thậm chí, có những chương trình lôi kéo hàng loạt thiếu niên tham gia như các trò thách đố phản cảm du nhập từ nước ngoài, hoặc “chơi dại”, nguy hiểm. Một thiếu niên tên Nguyễn Thành Nam đã trở thành “hot vblogger”, có kênh riêng hàng triệu bạn trẻ theo dõi cũng nhờ những trò nghịch dại như thế: cho bạn uống thuốc ngủ thả xuống ao, lừa mọi người có bom trên đường... Một “hot boy” khác có tên Pew Pew thì nổi tiếng nhờ kênh Youtube chuyên... chửi, với đủ cách đủ kiểu chửi từ ngoa ngoắt đến tục bậy và các phát ngôn dung tục về tình cảm nam nữ...
Có một lý do khác khiến một số video ca nhạc, phim ảnh hoặc chương trình thực tế chọn phát hành trên Youtube, đó không chỉ là do lợi nhuận có thể kiếm được từ Youtube. Thực tế, quan trọng là vì sự kiểm soát về mặt nội dung trên Youtube khá dễ dãi. Nhiều bộ phim hài dung tục, phản cảm chắc chắn không thể phát hành trên truyền hình hay ra rạp, nhưng lại được lượt xem lớn trên Youtube. Tương tự, thời gian qua, một show hẹn hò dành cho giới trẻ đã khiến dư luận bị sốc vì nội dung quá thiếu thuần phong mỹ tục, không khác gì phim cấp 3, lại thu hút đông đảo người xem trên Youtube, mà chắc chắn sẽ bị từ chối ở bất kì kênh truyền hình nào.
Youtube cũng có chính sách quản lý riêng của mình đối với video đăng tải, nhưng hầu hết đó là chính sách về bản quyền cũng như video có nội dung đồi truỵ, quá bạo lực. Ngoài ra thì... thả cửa. Chính vì thế, Youtube hiện đang là một ngôi nhà rộng cửa cho mọi loại hình clip có thể tung hoành, từ hữu ích tới độc hại. Sự kiểm soát, rút cục chỉ là ở chính người xem phải tự chọn lọc kênh, chọn lọc nội dung cho mình mà thôi.