100 đồng bào của 15 dân tộc giới thiệu “Sắc màu thổ cẩm”
Chương trình “Sắc màu thổ cẩm” trong tháng 7/2023 giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, cùng các hoạt động trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Khách tham quan khi tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có cơ hội khám phá nghệ thuật dệt thổ cẩm của các dân tộc và một số nghi lễ, lễ hội được tái hiện trong chương trình hoạt động “Sắc màu thổ cẩm”.
Chương trình “Sắc màu thổ cẩm” bao gồm các hoạt động gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày, từ màu sắc, mùi vị, những sản phẩm do chính chủ thể văn hóa làm ra. Tham gia chuỗi hoạt động có gần 100 đồng bào của 15 dân tộc (Nùng, Tày, Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer), 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng).
Trình diễn nghề dệt thổ cẩm của các làng dân tộc với chủ đề “Màu thời gian” là điểm nhấn của chương trình sẽ góp phần bảo tồn nghề truyền thống - kho tàng văn hóa dân gian quý giá của đồng bào dân tộc. Đồng thời, chương trình trải nghiệm văn hóa truyền thống gắn với các không gian của đồng bào dân tộc sẽ mang đến cho du khách nhiều nét đặc sắc. Tại đây, đồng bào và du khách cùng trải nghiệm giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu của các dân tộc.
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách tham quan đến với Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam.
Du khách đến tham quan trải nghiệm Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh. (Ảnh minh họa) |
Thổ cẩm - nét độc đáo của du lịch, thời trang Việt
Nằm trong tuyến du lịch Vườn Quốc gia Pù Mát, người dân bản Xiềng (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) đã khôi phục và đưa nghề dệt thổ cẩm thành sản phẩm du lịch độc đáo. Sản phẩm thổ cẩm làng Xiềng rất đa dạng như: Khăn quàng, váy, áo, bìa sổ, túi thêu... với những nét họa tiết, hoa văn phong phú mang giá trị nghệ thuật cao, phản ánh sự khéo léo của những người dân nơi đây. Việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở làng Xiềng ngoài tăng thêm thu nhập còn góp phần gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Nghề dệt thổ cẩm tại các bản làng Tày xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai) đang được đồng bào nơi đây gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ. Ngày 9/9/2021, UBND tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định số 3281/QĐ-UBND công nhận xã Nghĩa Đô là điểm du lịch. Thổ cẩm truyền thống góp phần quan trọng trong chương trình phát triển du lịch cộng đồng Nghĩa Đô hiện nay. Sản phẩm thổ cẩm là món quà lưu niệm có giá trị vật chất và tinh thần cho du khách mọi miền mỗi khi dừng chân chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất này.
Đến thăm làng Mỹ Nghiệp (xã Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận), du khách không chỉ được dịp tận mắt chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm đa dạng màu sắc mà còn được xem, nghe kể về văn hóa đồng bào Chăm, những câu chuyện về nghề dệt. Trong đó, nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt được đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận năm 2021 ban hành kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có bảo tồn phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch. Địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển làng nghề truyền thống.
Các thành viên trong “Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông (Gia Lai) thành lập, rất phấn khởi khi đón hàng trăm lượt du khách đến tham quan trải nghiệm. Tuy mới được thành lập (từ tháng 6/2022), nhưng Tổ liên kết đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của du khách về nghề truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Gia Rai. Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm quy trình tạo ra tấm vải thổ cẩm rực rỡ sắc màu tại câu lạc bộ, tổ liên kết dệt thổ cẩm. Bên khung cửi vang tiếng dệt, các nghệ nhân dệt thổ cẩm thân thiện, vui vẻ, tự hào giới thiệu cho khách những tấm thổ cẩm độc đáo, màu sắc tinh tế, bắt mắt.
Chị Rơ Châm Hyi, “Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng”, chia sẻ với truyền thông: “Trước đây, chúng tôi chỉ dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình. Từ khi có Tổ liên kết, chúng tôi đón được nhiều du khách đến tham quan, được đưa sản phẩm dệt thổ cẩm ra các địa phương khác, có thêm thu nhập cho gia đình. Chị em phụ nữ ở đây rất vui khi là thành viên và sẵn sàng tham gia gìn giữ, xây dựng tổ liên kết ngày càng phát triển hơn”.
Bằng sự khám phá, tìm tòi và sáng tạo của các nhà thiết kế Việt, thời trang thổ cẩm, họa tiết thổ cẩm như một cơn bão “oanh tạc” catwalk Việt và mau chóng “đốn tim” giới mộ điệu trong và ngoài nước.
Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân thêu và nhà thiết kế Việt đã góp phần mang thời trang Việt Nam chinh phục thế giới. Mỗi lần các bộ sưu tập, sản phẩm lưu niệm thổ cẩm “đi đánh xứ người”, những nhà thiết kế, nghệ nhân cũng được người dân tại các nơi từ châu Âu đến châu Mỹ nhận diện ra ngay nguồn gốc “Con Lạc - cháu Rồng”.
Cuối năm 2021, trong khuôn khổ chương trình Triển lãm Thế giới Expo 2020 Dubai, UAE, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Đắk Nông… phối hợp thực hiện chương trình thời trang thổ cẩm mang tên “Dòng chảy bất tận” diễn ra vào Ngày Quốc gia Việt Nam. “Dòng chảy bất tận” có sự góp mặt của khoảng 50 hoa hậu, á hậu, hoa khôi, người mẫu, diễn viên và hơn 100 nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên trình diễn dàn nhạc cụ dân tộc..., khắc họa bức tranh toàn cảnh về một Việt Nam rực rỡ sắc màu với những đặc trưng văn hóa trải dài từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, các sản phẩm vải thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được biến tấu thành các bộ sưu tập thời trang ứng dụng độc đáo nhằm thổi một làn gió mới vào trang phục dân tộc Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, chương trình góp phần phát huy giá trị văn hóa của nghề dệt thổ cẩm truyền thống; giới thiệu, quảng bá đến du khách về các sản phẩm ứng dụng của các đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam; hỗ trợ các sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm tham gia thị trường quốc tế, hướng tới xây dựng thương hiệu quốc gia trong ngành văn hóa - may mặc từ thổ cẩm; giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam…
Lễ hội Thổ cẩm Việt Nam 2020 với chủ đề "Xứ sở của những âm điệu" diễn ra tại Đắk Nông nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống. Lễ hội có sự tham dự của 15 tỉnh, thành trong cả nước. Lễ hội thu hút hơn 500 nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đặc sắc thời trang thổ cẩm. (Ảnh minh họa) |
Tại Tuần lễ thời trang Việt Nam Thu - Đông 2019, các NTK Genviet khiến mọi người ngây ngất khi được chiêm ngưỡng tinh hoa độc đáo của nền văn hóa thổ cẩm dân tộc trong bộ sưu tập 30 mẫu thiết kế mang tên “Nguồn”.
Trước đó, những bộ sưu tập độc đáo của 11 nhà thiết kế Việt Nam đã dệt nên “khúc ca” liên hoàn giữa lụa, thổ cẩm và hoa bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt). Đặc biệt đây là lần đầu tiên các nhà thiết kế nổi tiếng đưa thổ cẩm Nam Tây Nguyên lên sàn diễn thời trang.
Còn nhớ, ngày 18/4/2013, giới truyền thông trong nước và quốc tế đã xôn xao khi cô bé Viviene - con gái của cặp đôi quyền lực Hollywood Jolie - Pitt diện một chiếc áo thổ cẩm cực đẹp mang hơi hướng hoa văn thổ cẩm của phụ nữ miền Bắc Việt Nam, vốn là quê hương của anh trai cô bé - Pax Thiên.
Các nghệ nhân mong muốn, thổ cẩm sẽ được ứng dụng hơn trong nhiều lĩnh vực từ thời trang đến đồ hoạ và cả trang trí nội thất… Và tất nhiên không thể không kể đến vai trò của thổ cẩm như một mặt hàng lưu niệm đậm chất dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong du lịch và kinh tế Việt Nam. Bảo tồn và phát triển thổ cẩm không chỉ là đầu tư và giới thiệu sản phẩm truyền thống này ra thế giới, mà còn tạo điều kiện cho ngành thổ cẩm Việt Nam được giao lưu học hỏi với ngành thổ cẩm của các quốc gia khác, nhằm vươn tới những tiến bộ mới trong kỹ thuật và những tiềm năng mới trong sáng tạo.