Cái tên Vũ Tuân (tên thật là Hồ Đắc Dũng, SN 1958) có lẽ còn khá xa lạ với nhiều người, nhưng cái tên ấy lại không hề xa lạ với những người đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam năm xưa.
Nặng lòng với đất nước quê hương
Năm 1977, khi đất nước vẫn còn nghèo khó, cả dân tộc đang phải đối chọi với nhiều khó khăn thì Vũ Tuân đã xung phong tham gia vào lực lượng TNXP đi làm kinh tế cho đất nước, rồi tham gia vào lực lượng Tổng đội 3 biên giới sau đó một năm.
Ông kể lại: “Lúc ấy, tưởng là tham gia nghĩa vụ trong lực lượng TNXP đi phục vụ tổ quốc là sẽ có ngày về nhất định, nhưng rồi khi tổ quốc cần chúng tôi lại sẵn sàng ở lại. Lúc đó, tuổi còn trẻ mà phải từ giã gia đình khiến tôi thấm thía rất nhiều. Nhưng không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu tổ quốc. Chính vì vậy năm 1978, khi chiến trường biên giới Tây Nam bùng nổ khốc liệt, tất cả anh em chúng tôi đã không ngần ngại lao vào chiến trận chuyển thương, tải đạn với khẩu hiệu: “Tất cả vì tuyến đầu tổ quốc. Khi tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng”.
Cứ thế, cuộc hành trình của Vũ Tuân kéo dài suốt hàng chục năm trời, vượt qua bao gian khổ, sống triền miên trong đói khát. Mãi đến năm 1995, ông mới quyết định trở về quê hương với bao tình yêu thương riêng tư mà lúc ra đi ông đã tạm “gởi” lại quê nhà.
Về lại quê nhà khi tuổi đã xế chiều, chỉ quanh quẩn lo việc cho gia đình nhưng lúc nào trong ông cũng bừng cháy ngọn lửa cống hiến cho tổ quốc. “Bao năm phục vụ cho Tổ quốc, giờ ở nhà quanh quẩn khiến tôi quyết phải làm gì đó cho thế hệ trẻ hôm nay, còn chút sức già cũng phải góp cho đất nước”, người nhạc sĩ tâm sự.
Từ dạo ấy, ông bắt đầu lao vào nghiên cứu lịch sử. Trong suốt thời gian mười lăm năm nghiên cứu, ông đã trải qua rất nhiều cảm xúc về sử thi nước Việt. Cảm kích trước tinh thần kiên cường của cha ông đi trước, nhiều lần Vũ Tuân đã viết ra thành thơ rồi đọc đi đọc lại nhiều lần cho bạn bè chiến hữu năm xưa cùng nghe. Ông nói: “Cảm xúc về cha ông ta ngày trước, viết thành thơ thôi thì không truyền hết tình cảm trong tôi, thế là tôi bắt đầu phổ thành nhạc. Cứ thế những tác phẩm cứ lần lượt ra đời”.
Đến nay, nhạc sĩ Vũ Tuân đã có trên 25 tác phẩm, trong đó đáng chú ý là các tác phẩm về quê hương đất nước như: Khúc ca bi sử; Câu hò xứ Nghệ; Bão biển… Đặc biệt mới đây, ông đã sáng tác hai ca khúc dành riêng để nói về Trường Sa, Hoàng Sa.
Trong buổi trò chuyện cùng nhạc sĩ Vũ Tuân, ông cứ trầm ngâm rồi buông câu hát vừa sáng tác dựa trên nền lịch sử do ông nghiên cứu. “Tổ quốc ta, có sông có núi. Đất nước nối liền, hình cong chữ S...”. Rồi ông nói. “Ông cha ta từ ngày xưa viết lịch sử là mục đích để con cháu sau này hiểu biết về tổ quốc, nhưng lứa tuổi học sinh thế hệ bây giờ trong sách vở còn quá mơ hồ về chủ quyền đất nước trong sử Việt...”.
Những ngày tháng giữa năm 2014 này, Biển Đông đang dậy sóng khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan và tàu chiến xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Vũ Tuân một lần nữa cảm nhận được không khí nhiệt huyết, hào hùng của khẩu hiệu năm xưa: “Khi Tổ Quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng”.
Bài thơ: “Khúc đồng dao Hoàng Sa-Trường Sa” đã được Vũ Tuân mang ra phổ nhạc, nhiều người đồng đội, chiến hữu của ông liên tục truyền nhau và lan tỏa bởi sức mạnh kỳ diệu của nó. Người nhạc sĩ còn mong muốn khúc đồng dao sẽ in sâu vào tâm trí của các em thiếu nhi, mong muốn thế hệ trẻ hôm nay sẽ thuộc lòng như bài học ở lớp.
Quả thực, những ai khi đã nghe qua bài hát thì có thể cảm nhận ngay bản nhạc mang tính chất giáo dục về chủ quyền, lịch sử nước Việt rất cao, bài hát đơn giản, ngắn gọn, nhưng đầy đủ và hào hùng sự thiêng liêng của Tổ Quốc. “Bài hát phác họa một bức tranh về đất nước để từ đó giúp thế hệ trẻ hình dung được vắt tắt lịch sử nước Việt, sau đó mới là sự yêu nước, yêu chủ quyền đất nước”, ông khẳng định như thế khi nói về hoàn cảnh ra đời của “Khúc đồng dao “Hoàng Sa-Trường Sa”.
Nhạc sĩ Vũ Tuân |
Những ngày vừa qua, chứng kiến những người lính trẻ sẵn sàng ra đi làm nhiệm vụ cho Tổ quốc đã khiến Vũ Tuân nhớ lại những ngày tháng năm xưa của mình, thế là bản nhạc thứ hai “Tổ quốc là trên hết” ra đời. Bản nhạc ông xin viết tặng những người lính đang ngày đêm bám biển xa. “Ta có nhiều tình yêu trên đất liền, nhưng tình yêu Tổ Quốc vẫn là thiêng liêng cao cả nhất. Tổ Quốc có được bình yên, thì tình riêng mới đạt được hạnh phúc. Đó là những gì tôi tôi mong muốn nhắn gửi cho các chiến sĩ đang thực thi chấp pháp trên biển Đông...”, ông thổ lộ.
Uống một ngụm cà phê, ông nói tiếp: “Sống ở đời, ai cũng có tình yêu cha mẹ, tình yêu đôi lứa. Tuy có yêu, có nhớ, nhưng tình yêu Tổ Quốc vẫn là trên hết, khi Tổ Quốc cần thì chúng ta luôn sẵn sàng hiến dâng. Hoàng Sa-Trường Sa là một phần không thể tách rời khỏi Việt Nam, tình yêu Tổ Quốc lúc nào cũng thường trực trong lòng mỗi con dân đất Việt. Các chiến sĩ biển đảo hãy yên lòng nơi sóng gió, nơi đất liền toàn dân luôn cùng sát cánh bên các anh. Đó là những gì trong lòng tôi muốn nhắn gửi đến người lính đảo xa”.
Bài hát “Tổ Quốc là trên hết” gửi gắm ân tình của người lính biển về đất liền cho người vợ, gia đình và những người ở hậu phương trong lúc biển Đông biến động từng giờ. “Với tôi chỉ có một điều mong ước rằng những điều mình viết ra sẽ được chia sẻ rộng khắp trên dải đất Việt Nam, sẽ góp được một điều gì đó giúp thổi bùng lên tinh thần yêu nước của người Việt”. Nói xong, nhạc sĩ Vũ Tuân cùng chiến hữu của mình cùng hát vang câu hát: “Tổ Quốc ta/ Có sông có núi/ Đất nước nối liền - hình cong chữ S/ Lịch sử ông cha - ghi lại rành rành/ Quần đảo Hoàng Sa-quần đảo Trường Sa/ Là của người Việt ta...”.
Một trong những người luôn sát cánh cùng nhạc sĩ Vũ Tuân, chia sẻ với ông những tâm tư suy nghĩ về tình hình biển Đông là thiếu tướng Hồ Việt Lắm, nguyên chỉ huy trưởng Cục an ninh biên giới Tây Nam. Ông Lắm chia sẻ: “Tôi từng tham gia vào nhiều chuyên án chống lại âm mưu của thế lực ngoại xâm. Chính vì vậy khi xảy ra vụ giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền đất nước, tôi không hề bất ngờ về hành động và bước đi này của những cá nhân có tư tưởng bá quyền, nước lớn ở Trung Quốc. Chúng tôi đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho dân tộc nhưng ngay cả bây giờ, bất cứ khi nào tổ quốc cần thì chúng tôi cũng sẵn sàng lên đường, sẵn sàng cống hiến”.
Khúc đồng dao Hoàng Sa-Trường Sa
Tổ Quốc ta
Có sông có núi
Đất nước nối liền - hình cong chữ S
Lịch sử ông cha - ghi lại rành rành
Quần đảo Hoàng Sa - quần đảo Trường Sa
Là của người Việt ta.
Tổ Quốc ta
Có văn có sách
Có chiếu Vua truyền - hằng năm phải tính
Khao thề thế lính - đo đạc hải đồ
Giữ gìn Hoàng Sa - giữ gìn Trường Sa
Là của người Việt ta.
Lời bài hát: “Tổ Quốc là trên hết”
Anh gởi lại tình yêu - nơi đất liền em giữ,
Vì biển quê hương - đang dậy sóng từng ngày.
Vì tình yêu - thiêng liêng là Tổ Quốc,
Lớn hơn tình - yêu mình dành cho nhau.
Anh gởi lại miền quê - nơi tháng ngày yên ả,
Mẹ già thương con - vẫn đợi trông từng giờ.
Vì tình yêu thiêng liêng là Tổ Quốc,
Lớn hơn tình - Me lặn lội nuôi con...
Tổ Quốc tôi - mấy ngàn năm giữ nước,
Lớp lớp ông cha - chẳng ngại phút hy sinh.
Khi nằm gai - nếm mật rèn ý chí,
Bão giông về - ta đùa với phong ba...
Anh gởi lại niềm tin - cho tháng ngày xa cách.
Giữ vẹn lòng son - ta hẹn lúc tương phùng.
Vì tình yêu - đôi ta là mãi mãi,
Sống trong tình yêu Tổ Quốc non sông.