Quay về với xu hướng dân gian
Mùa Trung thu trong vài năm trở lại đây, người dân quay trở về với những món đồ chơi truyền thống. Tại phố Hàng Mã ở Hà Nội, từ đầu tháng 7 (Âm lịch), các món đồ chơi đã được bày bán nhộn nhịp. Năm nay, nổi bật với các món hàng như đèn lồng cá chép, đèn ông sao, trống chỏi, chuồn chuồn tre, đầu lân sư tử,... Mặt nạ cũng là một món đồ chơi hấp dẫn Trung thu năm nay. Như mặt nạ giấy bồi với màu sắc rực rỡ, mô phỏng hình ảnh các nhân vật dân gian quen thuộc với người dân Việt Nam như Chí Phèo, Thị Nở, 12 con giáp, chú Tễu… đang được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng, với mức giá từ 35.000 đến 80.000 đồng mỗi chiếc tùy theo kích cỡ, chất liệu, hoa văn trang trí. Các món đồ này hiện nay đang được mọi người mua về rất nhiều.
Các món đồ chơi truyền thống hiện tại cũng đã có những nét đổi mới trong cách trang trí, gắn thêm đèn và nhạc bên trong theo kiểu hiện đại. Với giá cả phải chăng, từ 5.000 đồng đến vài trăm nghìn đồng mỗi món, những đồ chơi này dễ dàng tiếp cận với mọi gia đình.
Năm nay, một thú chơi nữa được nhiều người hưởng ứng. Đó là dùng cành hồng trang trí trong nhà. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình, mà các cành hồng sẽ có giá khác nhau. Có những cành hồng được nhập từ Tây Bắc giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Kích thước cành hồng cũng ảnh hưởng đến giá tiền. Các cành ngắn, nhỏ có giá khoảng 100 - 200 nghìn, còn những cành dài từ 2 - 3m có giá lên đến 3 - 4 triệu đồng.
Nhiều gia đình cho biết, hồng đại diện cho mùa Trung thu. Có một cành hồng trĩu quả, thêm đèn ông sao, hộp bánh trung thu đã thấy không khí lễ hội vui tươi “ùa” đến trong nhà. Vì vậy, mà có không ít người dân ngay từ cuối tháng 7 (Âm lịch) đã mua một cành về để chơi nguyên trong một tháng Trung thu.
Đa dạng các hoạt động văn hóa truyền thống
Mỗi năm, cứ cận kề dịp Trung thu, ở khắp các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, hình ảnh ánh đèn lung linh, các món đồ chơi dân dã, đội múa lân sư tử lại rộn ràng khắp phố phường. Năm nay, dù còn gần 2 tuần nữa, người dân mới được phá cỗ Trung thu, nhưng hàng loạt hoạt động mang đậm văn hóa truyền thống Việt Nam đã thu hút mọi người đến tham dự.
Tại khu Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bắt đầu từ ngày 31/8 đến hết 17/9 đang diễn ra triển lãm “Tinh hoa vọng nguyệt”. Đây là nơi những câu chuyện về Trung thu được tái hiện qua ngôn ngữ của nghệ thuật và thủ công truyền thống. Triển lãm có sự góp sức của những người trẻ tuổi, mang đến những tác phẩm được lấy ý tưởng từ trăng, sao. Các món đồ được làm bằng thủ công như đèn ông sao, tranh sơn mài, đồ gốm,... Lễ hội như một cây cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mang đến một lễ hội Trung thu không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để sống lại những kỷ niệm đẹp, đồng thời lan tỏa thông điệp về sự bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong thời đại mới.
Còn tại Huế, để chuẩn bị cho người dân vui Tết Trung thu, vào ngày 2/9, tin từ UBND thành phố Huế cho biết, nhân dịp Tết Trung thu năm 2024, thành phố Huế sẽ tổ chức Lễ hội Quảng diễn Lân - Sư - Rồng và rước đèn trên các tuyến đường trung tâm của thành phố trong 2 ngày 6 và 7/9 sắp tới.
Tại thành phố Tuyên Quang, được mệnh danh là địa điểm “chơi” Trung thu sớm nhất cả nước. Ngay từ tháng 7 (Âm lịch), nơi đây đã rục rịch chuẩn bị lễ hội với những chiếc đèn lồng khổng lồ. Trong dịp 2/9 vừa qua, “Lễ hội Thành Tuyên” với nhiều hoạt động hấp dẫn đã thu hút hàng nghìn lượt khách đổ về. Tại đây, mọi người vừa khám phá văn hóa địa phương, vừa ngắm nhìn, chụp ảnh với những chiếc đèn Trung thu lộng lẫy hình cá chép, Thánh Gióng, rồng vàng,... Không gian mang đậm văn hóa truyền thống chuẩn bị cho dịp Trung thu của tỉnh Tuyên Quang đã đem lại mùa lễ hội sôi động, nhộn nhịp cho du khách và người dân nơi đây.