Ngày hội vùng cao
Chúng tôi có mặt tại chợ Bắc Hà vào một ngày giáp Tết. Phiên chợ khá đông, cùng với đồng bào dân tộc còn có khá nhiều khách du lịch trong nước và khách nước ngoài. Người mua, kẻ bán đông vui như trảy hội, lời ca câu hát rộn ràng…
Khu thổ cẩm ở chợ Bắc Hà nằm ngay cạnh Ban quản lý chợ, rực rỡ sắc màu. Chị Giàng Thị Mỵ - chủ sạp hàng thổ cẩm tỉ mỉ giới thiệu với chúng tôi bộ trang phục truyền thống của đồng bào H'Mông gồm: váy, áo, yếm, bó chân, khăn… Nhẩm tính sơ sơ, để sắm một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ H'Mông có giá lên tới 6 - 7 triệu đồng, chưa kể các phụ kiện như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai bạc.
Chị Mỵ cho biết, với người phụ nữ H'Mông, bộ trang phục truyền thống là món đồ quý giá, gắn bó cả đời nên họ sẵn sàng đầu tư số tiền kha khá để mua sắm. Và chỉ những dịp Tết, lễ, chợ phiên họ mới diện trang phục này; còn lại cất kỹ trong hòm. Váy áo truyền thống là vẻ đẹp, là niềm tự hào của phụ nữ H'Mông.
Chõ xôi ngũ sắc của bà cụ thu hút mọi ánh nhìn của cả khách và người bản địa. |
Ở phiên chợ này, chúng tôi gặp nhiều gia đình với đủ bố, mẹ và các con đi chợ với tâm thế đi chơi hội. Điều đặc biệt là những người phụ nữ và các bé gái đều đến chợ trong trang phục truyền thống rực rỡ. Điều này tô thêm nhiều sắc màu văn hóa cho phiên chợ Bắc Hà, khiến cho du khách không khỏi ngạc nhiên, thích thú, mê say...
Tinh hoa văn hóa Bắc Hà
Ở thị trấn Bắc Hà, chợ phiên chính là nơi gặp gỡ trao đổi, giới thiệu các loại đặc sản vùng cao và cũng là nơi để mọi người cùng mang xuống phố những thứ tinh hoa nhất của núi rừng…
Một thanh niên kiếm được vài giò lan rừng cũng chờ phiên chợ mang xuống bán. Có đứa trẻ hái vài nắm rau riêng, líu ríu theo mẹ mang xuống chợ Bắc Hà. Rồi cả bà cụ đã 80 tuổi cũng không ngại ngần dậy từ 3h sáng, đồ những chõ xôi ngũ sắc để mang xuống chợ, trở thành điểm thu hút những ánh nhìn thích thú của mỗi một người khách ngang qua… Dường như bao nhiêu sắc màu của vùng cao Bắc Hà đều tụ hội trong những lần đơm xôi của bà…
A Sáng, một người đàn ông Trung Quốc làm rể Việt Nam được 12 năm cũng chọn chợ phiên để quảng bá cho sản phẩm của mình. A Sáng có một trang trại trồng tam thất và một quán ăn kết hợp giữa nông sản đặc sản vùng cao Bắc Hà với những thứ gia vị đặc sắc của người Trung Quốc, nằm cách chợ vài trăm mét.
Quán của A Sáng trưng bày đủ các loại sản phẩm chế biến từ củ tam thất nhưng ông cũng vẫn phải vào chợ, kiếm một khoảng trống bày bán những củ tam thất 7 năm tuổi - loại quý nhất được trồng lâu năm.
“Chợ phiên là nơi quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất, chẳng thua gì internet đâu” – A Sáng nói vui.
Ông Giàng Seo Sẩu đã có 40 năm kinh nghiệm nấu rượu ngô cũng hì hụi gùi rượu xuống chợ để bán và còn trình diễn nấu rượu ngay tại chợ. Mỗi tuần, ông mang theo 60 kg ngô để luộc và nấu rượu tại chợ, để du khách được thưởng thức và tận mắt xem quy trình sản xuất rượu truyền thống, để hiểu và quý trọng hơn thứ đặc sản chỉ có ở Bắc Hà. “Cứ nếm thoải mái, ưng cái bụng thì mua, không thì thôi, mình không lấy tiền nếm thử đâu” – ông Sẩu hào hiệp nói.
Ông Giàng Seo Sẩu trình diễn nấu rượu ngay tại chợ Bắc Hà. |
Mỗi phiên chợ như vậy có thể không mang lại hiệu quả lớn trong doanh thu, doanh số nhưng với ông, điều quan trọng nhất là có thể giới thiệu các loại đặc sản truyền thống của quê hương…
Người Bắc Hà yêu và tự hào về các phiên chợ truyền thống không khác gì ngày Tết cổ truyền dân tộc. Họ đưa xuống chợ những thứ tinh hoa nhất của Bắc Hà. Ở đây có thể thưởng thức đủ các loại đặc sản của Bắc Hà, từ thắng cố, phở đỏ, mèn mén… đến ngắm nghía những loại nấm, những loại rau gia vị chỉ có thể nhìn thấy ở vùng cao…
Đặc biệt, nơi đây chúng tôi còn gặp những người phụ nữ H'Mông đi 30 cây số chỉ để đến phiên chợ hát cho bà con, du khách nghe những bài hát dân ca truyền thống của người H'Mông. Từng lời ca thấm đẫm tình yêu với những giá trị truyền thống của người Bắc Hà. Họ đang góp phần bảo tồn, giữ gìn phiên chợ - một ngày hội, ngày Tết của đồng bào mình trường tồn với thời gian…
Ông Phạm Xuân Bình, Trưởng Ban quản lý chợ Bắc Hà cho biết, đồng bào miền núi coi mỗi phiên chợ như một ngày hội, ngày Tết. Sau một tuần làm việc vất vả, họ tự thưởng cho mình được xuống buổi chợ phiên. Có khi chẳng mua bán gì mà là để giao lưu, gặp gỡ. Họ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, trình diễn những bài hát, điệu múa truyền thống giàu bản sắc văn hóa, thể hiện sự trân quý với bạn bè, du khách và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.