Những ngày qua, ngôi nhà của cháu ông luôn chật kín người vì nghe tin ông trở về sau 39 năm biệt tích, và đã có giấy báo tử gửi về 25 năm trước. Ai cũng ngỡ ngàng nhìn ông Bình để xem có khác cái thủa ông mới lên 18 đi bộ đội, và rồi ai cũng vỡ òa khi những điểm trên khuôn mặt ông vẫn còn như xưa, có chăng tuổi già đã làm ông nhăn nhó. Đặc biệt, giọng nói vẫn “đặc sệt” xứ Nghệ dù đã 25 năm lưu lạc nơi xa.
Trước đó, gia đình ông Bình đã nhận được giấy báo tử số 53/CSVT của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh ký ngày 9/3/1993 xác nhận ông Phạm Văn Bình với cấp bậc hạ sĩ, chức vụ chiến sĩ, đơn vị Đoàn 8 - Quân khu 9, nhập ngũ tháng 9-1977, hy sinh ngày 21/2/1979 tại chiến trường Campuchia trong trường hợp chiến đấu mất tin, được xác nhận là liệt sĩ.
Gia đình đã lập ban thờ và di ảnh là tấm ảnh duy nhất ông chụp lúc nhập ngũ để hương khói cho ông. Các chế độ đối với gia đình người có công cách mạng đều được địa phương hỗ trợ đầy đủ.
Bàn thờ và di ảnh của ông được lập lên sau khi nhận giấy báo tử. |
Anh Phạm Trung Hiếu - cháu ông Bình chia sẻ, trước kia lúc còn sống bố anh (anh trai ông Bình) thường xuyên nhắc con cháu tìm thông tin về chú, gia đình cũng tổ chức nhiều lần đi tìm mộ để đưa chú về quê hương nhưng cũng không có kết quả. Nghĩ chú đã mất nên lập ban thờ để hương khói cho chú…
Bố mẹ đẻ, anh em ruột thịt của ông Bình đều đã mất, chỉ còn lại con và cháu chắt của người thân ông.
Bỗng một ngày, gia đình nhận được tin của một người bạn làm ăn sinh sống tại Campuchia đăng tin tìm người thân cho một người thất lạc không rõ địa chỉ đang sinh sống bên đó. Chị Phạm Thị Lợi (36 tuổi, cháu ruột ông Bình) cho biết, “Giữa tháng 10/2018, có một anh tên là Nguyễn Nhật Dũng, ở xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) đăng lên trang Facebook tìm kiếm người thân cho chú tôi. Anh này đăng ảnh của chú và số điện thoại để liên lạc.
Tôi gọi theo số điện thoại thì biết đó là anh Dũng đang làm công ty cao su bên đó, chú tôi đang làm công nhân của nông trường cao su. Sau khi kiểm tra các thông tin của chú thì xác định đó là chú của mình nên gia đình đã làm thủ tục gấp rút để sang đó nhận chú và đưa chú về. Tôi cùng với anh trai bay sang đến nơi gặp chú thì chú Bình nhận ra cháu mình ngay. Cả chú cháu ôm nhau khóc sung sướng…”.
Theo chị Lợi thì ông Bình đã có gia đình nhỏ ở tại Campuchia, có một con gái 10 tuổi. Gia đình ông Bình cho biết, sẽ đón vợ con ông Bình về Việt Nam sau khi sức khỏe ông ổn định và các giấy tờ thủ tục hoàn tất. Hiện sức khỏe của ông Bình khá yếu, đi lại chậm, trí nhớ lúc nhớ lúc không do bị tổn thương.
Người thân vây quanh ông. |
Ông Bình cho biết, năm 1977, ông lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 18, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 (đóng tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Sau đó, đơn vị được chuyển vào đóng tại khu vực biên giới thuộc huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Cuối năm 1977, ông tham gia chiến dịch chiến đấu tại Campuchia và được phân vào đơn vị thông tin thuộc Đoàn 8, Quân Khu 9, đóng tại tỉnh Kampong Thom, Campuchia.
Trong một lần đi lấy thông tin liên lạc cho đơn vị, ông bị địch bắn bị thương. Sau đó, ông được người dân huyện Baray (tỉnh Kampong Thom- Campuchia) phát hiện nằm bất tỉnh ngoài đồng nên đưa về chăm sóc, điều trị. Tỉnh dậy ông chỉ biết mình đang ở một bản nhỏ ở Campuchia, sức khỏe yếu và trí nhớ bị ảnh hưởng nên không nhớ đơn vị mình đóng ở đâu.
Giữa năm 2018, trong lúc đi làm thuê trong nông trường cao su thì gặp được một người Việt Nam (sau này là anh Dũng) tại Campuchia, ông nói mình là bộ đội bị thương nhưng bị thất lạc hết giấy tờ tùy thân nên không thể về quê. Người này nói sẽ giúp ông, sau đó đăng tin tìm người thân trên facebook
Theo ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, ông Phạm Văn Bình là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Campuchia theo giấy báo tử của gia đình. Tên của ông cũng được ghi trên danh sách các liệt sĩ tại đài tưởng niệm liệt sĩ của xã.
“Đây là trường hợp hy hữu, sau khi nắm được thông tin chính quyền địa phương đến thăm hỏi động viên. Sau này chúng tôi sẽ đề nghị lên cấp huyện và cấp tỉnh cho kiểm tra lại sức khỏe và giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ cho ông Bình theo quy định của nhà nước. Xã sẽ vận động quyên góp và kêu gọi quyên góp, ủng hộ từ các đơn vị, nhà hảo tâm để xây dựng cho ông Bình một ngôi nhà để ông ở cùng với gia đình…”, ông Nguyễn Anh Ngọc nói.
Cuộc trùng phùng đầy bất ngờ của ông Bình và người thân sau 39 năm lưu lạc và được hương khói đều đặn đã khiến nhiều người thân xúc động rơi nước mắt.
Ông Bình đang được các cháu chăm sóc, sau khi ổn định sức khỏe và các giấy tờ thủ tục dự định ông sẽ đón người vợ Campuchia cùng con gái về quê sinh sống…