Nở rộ các trang review phim
Hiện nay, trên các ứng dụng Youtube, Facebook, Tik tok, khó thống kê hết các kênh chuyên review phim. Có kênh chuyên về review điện ảnh Việt Nam như Review phim Việt, có kênh nội dung tổng hợp như Review phim, cũng có các kênh chia thể loại như Review phim Hàn Quốc, Review phim Hoa ngữ, Review phim Thái…
Các kênh review phim này có số lượng xem khá cao, đặc biệt, có những kênh nổi tiếng với hàng triệu lượt theo dõi, vài trăm ngàn cho mỗi clip. Đi cùng lượt xem cao ngất ngưởng này cũng là doanh thu không hề nhỏ do tiền từ ứng dụng, từ quảng cáo chi trả.
Trên thực tế, “review” thường được dùng cho hoạt động giới thiệu, bình luận, phân tích một dịch vụ, sản phẩm nào đó. Trước đây khi chưa phải thời “thịnh vượng” của loại hình review phim qua video, các kênh review phim được ưa chuộng thường là trang Facebook, website…
Để trở thành một trang review phim uy tín, nhiều người theo dõi, tương tác, người thực hiện review cần có kiến thức tốt về điện ảnh, cần có khả năng cảm thụ, phân tích cũng như viết bình luận về phim. Tuy nhiên, với trào lưu thích xem video hiện nay, việc review phim đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Kênh thực hiện review chỉ cần cắt, ghép những tấm ảnh, đoạn clip phim có sẵn trong các quảng cáo, trailer… để ghép thành video sao cho khớp với lời bình.
Phần bình phim cũng không đòi hỏi sâu về kiến thức điện ảnh, cảm thụ… mà chỉ đơn giản là thuật lại nội dung phim từ đầu chí cuối, kèm theo vài cảm xúc cá nhân. Giới kiếm tiền online gọi đây là reup (đăng tải lại) kiểu mới, hay nói cách khác là kiếm tiền bằng cách “biến của người thành của mình”.
Hiền K., chủ sở hữu 2 kênh Youtube chuyên review phim Mỹ và phim Hàn Quốc chia sẻ, với lượng người theo dõi trên 1 triệu/ trang, các clip trung bình trên 100 ngàn lượt xem, có clip đột biến do độ “hot” của bộ phim ăn khách, lên đến hàng chục triệu lượt xem, trang này có tháng thu nhập đến trên 300 triệu đồng.
Giới làm vlog chia sẻ, kênh review phim là một trong những cách “dễ ăn, dễ kiếm tiền” hàng đầu trong các thể loại làm clip. Không cần kiến thức sâu rộng, không cần máy móc thiết bị đắt tiền, kịch bản hay diễn viên dựng cảnh, cũng không cần độ nổi tiếng của vlogger. Chỉ cần thủ thuật cắt ghép hình ảnh và video, cộng với lời bình đã có thể trở thành công thức của một clip “triệu view”. Đó là lý do khiến thời gian qua, các kênh review phim mọc ra liên tục như nấm sau mưa.
Văn hóa xem phim lệch lạc
Hiện có không ít kênh review phim đã trở thành “cái gai” trong mắt những nhà làm phim lẫn người yêu điện ảnh chân chính. Có nhiều lý do cho điều này. Thứ nhất, review phim được coi là cách ăn cắp chất xám một cách tinh vi.
Youtube là ứng dụng quy định nghiêm ngặt nhất về bản quyền, tuy nhiên, giới kiếm tiền online vẫn có nhiều cách lách luật, như dùng âm thanh không bản quyền để chèn vào, dựa vào hình ảnh và video cũ để tạo nên video mới…
Cạnh đó, hai ứng dụng phổ biến nhất hiện nay về video, sau Youtube là Facebook và Tik tok thì hiện đang trong cuộc chạy đua với Youtube trong việc thu hút nhà sản xuất video nên chính sách bản quyền còn lỏng lẻo hơn nhiều, tạo điều kiện cho những nhà sáng tạo nội dung “rởm” kiếm tiền từ vi phạm bản quyền.
Nỗi bức xúc của giới làm phim đến từ việc rất nhiều kênh review phim có cách thức review “thiếu văn minh”, đó là tường thuật bộ phim từ đầu đến cuối, tiết lộ cả những đoạn bí mật, cú “twist” bất ngờ và cả kết cục phim. Điều này khiến các bộ phim bớt đi phần gay cấn, và một bộ phận khán giả chỉ việc lên coi hết review là nắm rõ nội dung phim và không cần đến rạp nữa.
Mặt khác, việc review giản lược tóm gọn nội dung đã lược bỏ đi rất nhiều yếu tố hay của phim. Đối với những bộ phim mà sự xuất sắc không nằm ở phần nội dung hấp dẫn hay gay cấn mà ở những yếu tố nghệ thuật khác, thì cách review vô cảm đã phần nào khiến những khán giả tò mò muốn tham khảo review trước khi đi xem phim hiểu lầm về chất lượng phim và “từ chối” đến rạp.
Cách review “công thức” này cũng tạo ra một bộ phận khán giả lười biếng, chỉ nằm nhà xem hết review này đến review khác để giải trí, không thưởng thức tác phẩm điện ảnh một cách nghiêm túc với trọn vẹn giá trị thực sự của tác phẩm.
Cứ như thế, các kênh review kiếm tiền dựa trên việc ăn cắp chất xám tinh vi và ứng xử thiếu văn minh đối với tác phẩm điện ảnh vẫn tồn tại và ngày một mở ra nhiều hơn, rầm rộ kiếm tiền. Tất nhiên, cạnh đó vẫn có những kênh review chất lượng về nội dung và hình thức, đi sâu vào giá trị của tác phẩm điện ảnh, làm nhiệm vụ giúp người xem tham khảo chất lượng phim để lựa chọn, hoặc phân tích thêm những gì người xem chưa nắm bắt hết.
Đáng buồn là những kênh review phim chân chính như thế chiếm tỉ lệ quá ít ỏi so với những kênh “ăn xổi ở thì”, làm rầu lòng giới làm phim lẫn người yêu điện ảnh.