Liêm chính - cấp bách và cốt lõi trong đào tạo con người
Vừa qua, Đoàn khảo sát số 1 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính do Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT.
Báo cáo về thực trạng và giải pháp công tác giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên của Ban Cán sự Đảng, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014 (Chỉ thị 10), Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ GD&ĐT phổ biến, quán triệt và triển khai Chỉ thị 10 tới các đơn vị thuộc, trực thuộc và các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị 10, việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo là chủ trương đúng đắn, được xã hội đồng tình và nhận được hưởng ứng tích cực từ phía các cơ sở giáo dục, đào tạo và giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên.
Nội dung phòng, chống tham nhũng đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các đối tượng người học vì ý nghĩa, tầm quan trọng đối với quốc gia, dân tộc và tính chất thời sự, góp phần trang bị cho người học kiến thức cơ bản về phòng, chống tham nhũng, nâng cao ý thức của người học trong thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng. Từ đó hình thành và phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng.
Qua quá trình đưa phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, đến nay 100% cơ sở giáo dục thuộc khối THPT đã được tổ chức giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng và hầu hết học sinh cấp THPT đã được tiếp cận, học tập nội dung này. Đối với các học viện, đại học, trường đại học, trường trung cấp sư phạm, việc giảng dạy phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực và đang từng bước đi vào nề nếp theo hướng giáo dục đạo đức và lối sống liêm chính.
Các thành viên Đoàn khảo sát đánh giá cao những việc ngành Giáo dục đã triển khai trong công tác giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên, không chỉ thông qua thiết kế chương trình, tiết học, bài giảng, lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động giáo dục, mà còn trở thành một tinh thần giáo dục.
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng ghi nhận từng kết quả cụ thể của ngành Giáo dục trong triển khai Chỉ thị 10. Ông Võ Văn Dũng cũng nhấn mạnh sự cấp bách, cần thiết của công tác giáo dục liêm chính trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng, Nhà nước đang trong giai đoạn kiên quyết, mạnh mẽ phòng, chống tham nhũng.
Cho rằng, ngành Giáo dục đã đi trước một bước trong công tác giáo dục liêm chính, ông Võ Văn Dũng gợi mở, thống nhất giáo dục liêm chính là một nội dung trong giáo dục đạo đức và cần được tích hợp hài hòa. Bộ GD&ĐT cần chủ động nghiên cứu để cơ cấu lại chương trình phù hợp với các cấp học, đặc biệt là đại học - tiếp tục áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp. Quan tâm đào tạo, tuyển dụng đủ số lượng, chất lượng giáo viên, giảng viên; đề xuất, kiến nghị có cơ chế khuyến khích giáo viên, giảng viên...
Ông Võ Văn Dũng cho biết: Đoàn sẽ đánh giá, tiếp thu tư liệu, tình hình từ ngành Giáo dục để đưa vào Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính. Trong đó, sẽ dành nội dung xứng đáng về giáo dục liêm chính cho học sinh, sinh viên. “Hy vọng giáo dục liêm chính sẽ được chú trọng đúng mức hơn, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, văn hoá liêm chính và xây dựng nhân cách tốt đẹp cho thế hệ tương lai của đất nước”, ông Võ Văn Dũng chia sẻ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ các quan điểm, định hướng về giáo dục liêm chính. Trong đó khẳng định, giáo dục liêm chính không chỉ là vấn đề cấp bách mà còn hơn thế, bởi đây là giá trị cốt lõi trong giáo dục con người. Giáo dục liêm chính không phải tích hợp hay đưa thêm vào mà là nhiệm vụ tự thân, là mục tiêu lớn, tinh thần lớn của giáo dục. Điều đó không chỉ thể hiện bằng số tiết, bài giảng, giáo trình mà phải toát ra từ một chương trình giáo dục. Muốn giáo dục liêm chính cần có nền giáo dục liêm chính.
Trong bối cảnh việc thực hiện giáo dục liêm chính có nhiều thách thức như hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, quan trọng nhất của giáo dục liêm chính là giáo dục tích cực, lấy giáo dục tích cực làm dòng chủ đạo. Ngoài ra, cần gia tăng giáo dục pháp luật, thực hiện pháp luật, nghiêm minh của thực thi pháp luật.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục liêm chính. Vai trò của nhà giáo trong giáo dục liêm chính. Và sự cần thiết có giáo trình, môn học, chuyên ngành Liêm chính học trong các trường chính trị...
Cần đẩy mạnh giáo dục liêm chính trong khối trường ĐH. (Ảnh minh họa - VNU) |
Và xây dựng hệ giá trị truyền thống hiện đại
Cùng với đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024 - 2025, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Năm học 2023 - 2024, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng văn hóa cho học sinh, sinh viên tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, sinh viên bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử. Toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường với các nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế.
Việc giáo dục, định hướng, nắm bắt về tư tưởng chính trị của học sinh, sinh viên, đặc biệt trên môi trường mạng được các nhà trường quan tâm triển khai bằng nhiều giải pháp. Các cơ sở GD&ĐT chủ động tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, cán bộ, nhà giáo với học sinh, sinh viên, phối hợp chặt chẽ với gia đình, xã hội để nắm bắt, xử lý kịp thời những vấn đề khó khăn, bức xúc.
Trong năm học qua, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã thực hiện đổi mới nội dung chương trình, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá môn học, các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa theo hướng giảm áp lực cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
Đối với công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT tiếp tục chú trọng thực hiện các chế độ chính sách đối với học sinh, sinh viên. Triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống bạo lực xâm hại, phòng, chống bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Cùng với đó là công tác giáo dục an toàn giao thông; công tác tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Thực tế tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Đào Thị Hường cho biết: 100% các trường học đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học và trên không gian mạng, 100% các trường phổ thông thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh. Năm học 2023 - 2024, đã có hơn 30 nghìn học sinh được phát hiện, tư vấn, hỗ trợ những khó khăn về tư tưởng, tâm lý. Trong đó 54 em thuộc diện có nguy cơ bỏ học đã được hỗ trợ kịp thời để tiếp tục theo học.
Ở bậc ĐH, là một trường đại học đào tạo đa ngành nghề, đại diện Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: Nhà trường luôn tích cực, chủ động trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Mỗi năm, nhà trường tổ chức hơn 800 sự kiện với nhiều nhóm sự kiện khác nhau bao gồm diễn đàn/hội thảo/tọa đàm/workshop đa dạng các lĩnh vực từ học thuật, kỹ năng, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Ngoài ra, trường cũng tổ chức hơn 100 chương trình, sự kiện văn hóa văn nghệ, lễ hội truyền thống, thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia và lan tỏa những ý nghĩa về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, mục tiêu, nhiệm vụ, công tác tư tưởng, công tác chính trị, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống là gốc là nền tảng, là cơ sở để xây dựng nên “ngôi nhà” giáo dục với những chương trình, kế hoạch và những đổi mới. Thứ trưởng lưu ý, cần xây dựng nên giá trị và hệ giá trị. Học sinh và sinh viên phải được tiếp cận với những giá trị vừa truyền thống, vừa hiện đại để có những giá trị đạo đức chuẩn mực nhưng vẫn tiếp cận được với những năng lực hiện đại của công dân toàn cầu.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác xã hội, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường. Trong đó, cần lưu ý về công tác nhân sự; công tác phối hợp giữa các bên gia đình, nhà trường và xã hội…