Tuy nhiên, số lượng du khách quốc tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng của các nhà hát. Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo trong cuộc họp vào ngày 9/2/2017 tại Hà Nội với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tăng cường gắn kết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với du lịch: “Cần sớm xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn thường xuyên, các sản phẩm du lịch văn hóa phong phú để thu hút du khách, phải làm đến khi thành công mới thôi”.
Khi các nhà hát “câu” du khách ngoại
Hà Nội là địa phương tập trung nhiều nhà hát lớn nhất cả nước, là nơi gìn giữ và phát triển các loại hình văn hoá dân gian truyền thống như chèo, tuồng, cải lương, ca trù, quan họ, rối nước... Hiện nay con số người nước ngoài đến sống, học tập, làm việc và du lịch ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng ngày càng gia tăng. Vậy tại sao chúng ta không tranh thủ cơ hội này để giới thiệu những nét văn hóa cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống đến với họ?
Trước câu hỏi đó, một số nhà hát chèo, cải lương, hài kịch…đã tìm hướng đi mới để thu hút không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả quốc tế. Ngành Du lịch có thêm những điểm đến thực sự hấp dẫn du khách nước ngoài, đồng thời qua đó các loại hình văn hóa truyền thống dân tộc cũng được giới thiệu, bảo tồn và phát triển tốt hơn.
Nhà hát Cải lương Hà Nội đã có thử nghiệm ở mỗi tiết mục của chương trình nghệ thuật sẽ có bản dịch tiếng Anh dành cho khán giả nước ngoài… thông qua tai nghe. Tránh tình trạng gây mệt mỏi cho khán giả ngoại quốc khi phải “đeo bám” nội dung dài, Nhà hát Cải lương Hà Nội rút bớt thời lượng trong 7 tiết mục ngắn.
Ngoài cải lương, Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh. Để phục vụ khách du lịch, Nhà hát chèo đã đổi mới các chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp như xây dựng các sân khấu nhỏ chuyên biểu diễn các trích đoạn đặc sắc trong những vở chèo truyền thống, xen lẫn ca hát dân gian.
Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội - NSƯT Trịnh Thúy Mùi lý giải, việc chia các sân khấu nhỏ rất hợp với du khách về thời gian cũng như thị hiếu của du khách nước ngoài. Nếu như các sân khấu lớn với 500 chỗ thì sân khấu nhỏ có thể biểu diễn cho đoàn khách khoảng 20 người.
Không nằm ngoài cuộc “câu” du khách quốc tế, Nhà hát Tuổi trẻ đã cố công dàn dựng và tổ chức biểu diễn ba tiểu phẩm hài kịch trong Đời cười là: “Qua sông”, “Chơi trò diễn ba diễn má”, “Phòng trút giận”, các nghệ sĩ diễn bằng tiếng Anh. Nhà hát cũng từng giới thiệu ba tiểu phẩm kịch hình thể mới được dàn dựng và thể hiện bằng tiếng Anh, đó là: “Lá rụng”, “Giấc mơ hạnh phúc”, “Ông già cõng vợ”.
“Phải làm cho tới khi thành công”!
Tuy nhiên, số lượng du khách quốc tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng của các nhà hát. “Cần sớm xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn thường xuyên, các sản phẩm du lịch văn hóa phong phú để thu hút du khách. Phải làm đến khi thành công mới thôi”- Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo trong cuộc họp vào ngày 9/2/2017 tại Hà Nội với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tăng cường gắn kết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với du lịch.
Để du khách quốc tế dễ cảm thụ nghệ thuật, các nhà hát không nên “ôm đồm” biến cải lương, chèo, hài thành tạp kỹ, hãy chọn cái gì tinh túy nhất của các loại hình nghệ thuật đó để giới thiệu cho khán giả trong và ngoài nước. Và quan trọng hơn hết là các nhà hát cần chú trọng hơn phần lời dịch. Bởi lời dịch là “linh hồn” của các vở diễn. Ngôn ngữ, ý tứ của Việt Nam vốn rất đa dạng, phong phú, nhiều khi còn có ý bóng, ý ngầm.
Trong khi đó, với tiếng Anh họ chỉ hiểu theo một chiều nên nếu không tìm được nghĩa tương đương sẽ khiến du khách hiểu sang một nghĩa khác.. Chính vì vậy, phải lựa chọn người dịch thật sự am hiểu về nghệ thuật cải lương, chèo, tuồng, hài và thông thạo tiếng Anh mới có thể chuyển tải đúng ngữ điệu, giúp khán giả hiểu được kịch tính và nội dung của chương trình…
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng nguồn lực, các chuyên gia trong ngành để thực hiện ý tưởng này và hết tháng 2/2017 phải xây dựng xong đề án về các chương trình nghệ thuật biểu diễn trong Nhà hát Lớn, những nội dung về sản phẩm văn hóa du lịch này, đề án thu hút khách du lịch và kêu gọi các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng chương trình này; tháng 3/2017 tổ chức marketing, quảng bá truyền thông cho chương trình, sản phẩm mới; mời doanh nghiệp và báo chí đến khảo sát, lấy ý kiến về sản phẩm; tháng 4/2017 đưa vào khai thác ngay.