Khi nào thì cái chết bắt đầu?
Cơ thể con người được cấu tạo từ hàng tỉ tỉ tế bào phân chia hàng ngày để đảm bảo cho sự phát triển. Các bộ phận trong cơ thể có một phương pháp rất hữu hiệu để tiêu diệt những tế bào có nguy cơ gây nguy hiểm như là vi rút hoặc tế bào ung thư, phương pháp này chính là lập trình làm chết tế bào. Các tế bào cũ được thay bằng tế bào mới giống hệt tế bào cũ.
Tuy nhiên sự phân chia tế bào như vậy bị chậm lại và ngừng hẳn ở một thời điểm nào đó.
Quá trình lão hóa thường chấm dứt khi một số bộ phận trong cơ thể không còn hoạt động: đó là hệ tim mạch, hai lá phổi và bộ não. Ban đầu, các bộ phận cơ thể vẫn tiếp tục sống được trong tình trạng thiếu ô xi và các dưỡng chất. Nhưng dần dần, khi sự phân chia tế bào ngừng hẳn thì các tế bào chết đi. Nếu có quá nhiều tế bào chết đi thì các bộ phận không hoạt động nữa.
Phản ứng sớm nhất xảy ra là ở não, các tế bào não chết sau từ 3 – 5 phút. Tim vẫn có thể còn đập đến nửa giờ cho đến 1 giờ sau. Ngay khi máu ngừng tuần hoàn, máu đông lại và tạo thành các “điểm chết”. Các điểm này là dấu hiệu để các bác sĩ pháp y dựa vào đó có thể xác định nguyên nhân và địa điểm của cái chết.
Sau 2 giờ đồng hồ, cơ thể cứng lại do không sản xuất adenosine triphosphate (ATP). ATP là nguồn năng lượng thiết yếu cho tế bào, không có ATP, các cơ bắp sẽ cứng lại. Sau vài ngày, tình trạng co cứng giảm bớt. Và đến lúc này thì ống tiêu hóa mới chết, các vi khuẩn trong ống tiêu hóa bắt đầu làm phân hủy, thối rữa cơ thể. Toàn bộ quá trình phân hủy cơ thể sau khi chết phải mất đến 30 năm.
Đó là cái chết về mặt sinh học mà phàm là con người, ai rồi cũng sẽ phải trải qua. Chúng ta cũng như vạn vật cây cỏ muông thú trên trái đất này, đều có quá trình sinh diệt, chẳng ai có thể đi thoát vòng sinh tử.
Ai cũng vậy, hồi trẻ, sức khoẻ dồi dào, yêu đời, tối ngày chỉ biết có vui chơi mà thôi, chuyện chết chóc là chuyện của mấy ông già bà cả chớ có bao giờ mình bận tâm suy nghĩ đến đâu. Lớn lên thì phải lo chuyện cơm gạo, chuyện gia đình, chuyện con cái suốt ngày suốt tháng nên đâu còn thời giờ gì mà nghĩ đến vấn đề chừng nào mình đứt bóng theo ông theo bà…
Khi tuổi đời bắt đầu hơi cao, khoảng từ 55 tuổi trở lên thì bệnh tật cái nầy cái nọ bắt đầu lòi ra. Lúc đó, chúng ta mới ý thức rằng cuộc đời rất phù du, thân xác con người ta không thể nào trường tồn vĩnh viễn được, không thể nào cải tử hoàn sanh được. Tóm lại đó là lẽ vô thường!
Có ngày mình cũng phải ra đi như mọi người mà thôi. Đi lúc nào thì chưa biết được, nhưng càng trễ càng tốt. Chết đến không báo trước. Có thể là bất cứ lúc nào, do tai nạn bất ngờ hoặc vì bạo bệnh bất tử.
Tuổi càng về già thì con người ta càng hay suy tư nhiều về cái chết. Vào lớp tuổi nầy, quanh ta, người thân cũng như bạn bè, lác đác đã có người ra đi rồi. Tóc thì bạc phơ rồi, răng cỏ thì cái còn cái mất, ăn uống phải đeo răng giả rất là phiền phức, còn nếu lỡ nhìn vào kiếng thì thấy mình lụ khụ, lưng khòm, da thì nhăn nheo đầy đồi mồi mất hết thẩm mỹ, tiếng nói thì bắt đầu hơi run rẩy, hay nói đi nói lại khiến con cháu bực mình, cái gì cũng yếu hết, bắt đầu hay quên trước nhớ sau, nay đau chỗ nầy mai đau chỗ kia…
Cái chết không phải là sự kết thúc
Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đưa ra lý giải nguồn gốc của những lễ, Tết, phong tục phổ biến trong quan niệm tâm linh của người Việt. Trong đó có đề cập tới lễ xá tội vong nhân vào tháng Bảy âm lịch.
Theo tín ngưỡng của người Việt Nam, con người có hai nhóm linh hồn: ba hồn, bảy vía (hay bảy phách). Đàn bà có nhiều hơn đàn ông hai phách. Những linh hồn này ở trong thân thể. Hình như con người tiếp nhận những linh hồn vào ngày sinh ra đời hay ngày thụ thai.
Hồn là chỉ các linh hồn tinh thần, còn vía là chỉ những linh hồn vật chất. Hồn thiêng hơn vía, vì thế khi người nào còn sống, thì do tôn trọng, mọi người tránh nói đến hồn của người đó.
Vía có thể gây hại. Vía có những tính chất khác nhau tùy theo người có vía: có những người có vía tốt lành; những người khác có vía xấu và dữ. Vía tốt đem lại điều phúc: Mọi người tìm cách gặp vía tốt. Vía xấu có ảnh hưởng tai hại: trong mọi công việc, người ta cố gắng tránh xa vía xấu.
Cái chết là do hồn vía bỏ đi. Những hồn vía rời khỏi thân thể lúc con người trút hơi thở cuối cùng. Chúng được những hồn do thần linh phái đến mang đi, và từ đấy, tiếp tục sống không phụ thuộc vào thân thể.
Chỉ có tình yêu là còn ngự trị trên cuộc sống này. Ảnh minh họa |
Nhưng trong thế giới huyền bí, có những hồn bị bỏ rơi phải lưu lạc, hay chẳng có thân thích và bạn bè. Đấy là hồn của những người bất hạnh, chết vì tai nạn hoặc nghèo khổ trên các nẻo đường, mà xác không được mai táng, và chẳng có ai trông nom.
Những hồn này lang thang theo sau các đám mây đen, những màn mưa phùn lâm thâm, hay nằm trên các cành cây. Đấy còn là hồn của những người chết đuối ở sông ngòi, ở biển, lởn vởn những nơi họ đã chết, để đợi có kẻ khác chết thay.
Để làm nguôi ngoai tất cả những linh hồn khốn khổ đó, thỉnh thoảng, nhất là vào ngày mồng một và ngày rằm, người ta cúng hương và giấy vàng giấy bạc.
Nhưng cái chết không phải là một sự kết thúc hẳn: nó chỉ là điểm cuối của một thời kỳ nằm trong chuỗi dài vô tận của những kiếp luân hồi đạo Phật. Sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chỉ là một chặng của vòng quay muôn thuở sự sinh ra đời, sự sống với chuỗi dài sướng, khổ, sự trở lại cuộc đời trên mặt đất sau một thời gian hoặc ngắn, hoặc dài trong những đáy sâu thẳm tối tăm.
Đó là cái chết trong giáo lý nhà Phật. Còn phần đông chúng ta nghĩ về cái chết như thế nào? Các tác giả Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan chia sẻ trong bài viết: “Chết có thật đáng sợ không?”
Con người ai ai cũng muốn sống sao cho sướng mà đến lúc chết thì mọi người cũng hằng ao ước được chết sao cho lẹ, cho sướng. Đây là bình thường, là lẽ thường tình mà thôi. Đa số đều nói họ không sợ chết nhưng chỉ sợ bệnh tật dây dưa làm đau đớn thể xác lẫn tâm hồn, làm mất cả nhân cách cũng như làm khổ não và phiền toái cho gia đình. Chết sướng là gì?
Đó là chết già, chết êm thắm, không đau đớn thể xác lẫn tâm hồn, vậy chết trong giấc ngủ là khỏe nhất, kế đến là chết vì bệnh tim mạch, đứng tim, đứt gân máu và phải chết cho thật mau thật lẹ, không lê lết cả tháng trời, không xụi bại, bán thân bất toại, á khẩu, không ỉa trây đái dầm, không bị mất trí nhớ và không bị lú lẫn điên khùng nầy nọ,…
Giờ phút lâm chung cần có sự hiện diện đầy đủ của vợ con hay chồng con mình để tiễn đưa mình cho khỏi tủi thân (?) Có người thì còn lo xa hơn, nghĩ tới hậu sự nên bắt đầu lo tu, bắt đầu ăn chay, niệm kinh, lo thiền, lo cầu nguyện, siêng đi chùa, đi nhà thờ thường xuyên, cúng dường tam bảo, phóng sanh, bố thí công đức, bố thí tài vật, làm từ thiện gieo duyên lành để được phước, được hồng ân hầu khi chết thì hy vọng sẽ được rước về cõi Phật hoặc về thiên đàng với Chúa…
Chết vẫn còn là một việc cấm kỵ, một điều quá bí ẩn đối với tất cả mọi người. Từ trước tới giờ vẫn chưa có người quá vãng nào trở lại dương thế để kể lại cho bà con ta nghe với. Chuyện cận tử, thân trung ấm, lúc vừa mới chết thì hồn bay lơ lửng đâu đó, rồi vào đường hầm thấy toàn ánh sáng chóa lòa, gặp lại bà con đã chết từ lâu, kêu réo nhau la ới ới, chuyện đầu thai lại, chuyện tái sinh, chuyện ma quỷ, và còn nhiều thứ lắm lắm… có thật hay không có thật chẳng có ai biết được hết. Tin hay không là chuyện riêng của mỗi người.
Có cả trăm câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu giải đáp nào hết về sự chết. Mọi người cứ tưởng tượng thế nầy thế nọ cho nên thiên hạ vẫn còn lo và vẫn còn sợ chết. Người đời thường nghĩ rằng hễ chết là hết, là trống không, là rơi vào vực thẩm tối thui, là hư vô, tĩnh lặng.
Chết rồi thì mình sẽ đi về đâu sau đó, rồi mình sẽ ra sao? Bởi vậy nên ai ai cũng đều sợ chết lắm. Ai cũng phải có ngày chết hết. Đây là một sự thật. Chạy đâu cũng không khỏi. Đây là điều chắc chắn 100%, thật rõ ràng và là lẽ công bằng của trời đất.
Cái giường nào đắt giá nhất trên đời?
Nhà đồng sáng lập hãng Apple, ông Steve Job, nổi tiếng không chỉ vì sự nghiệp công nghệ huyền thoại và sáng tạo, mà còn bởi những lời cuối cùng trước khi ông ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư, khiến thế giới thật sự chấn động và phải suy ngẫm lại.
Đầu năm 2009, Steve Jobs được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Bác sĩ nói với ông rằng phải tiến hành ngay một cuộc phẫu thuật ghép gan để cứu mạng ông. Bệnh viện ngay lập tức đăng ký chờ gan tại Trung tâm ghép gan California. Tuy nhiên, bệnh viện phát hiện ra rằng có rất nhiều bệnh nhân ghép gan và phải mất ít nhất 10 tháng để đến lượt Jobs.
Để cứu mạng sống của Jobs càng sớm càng tốt, bệnh viện đã ngay lập tức đăng ký chờ gan ở các tiểu bang khác nhau. Có người đã đi gặp ông Dürr, Giám đốc bệnh viện và hy vọng rằng ông Dürr sẽ dùng đặc quyền viện trưởng để Jobs được xếp vào nhóm được cấy ghép trước.
Viện trưởng, ông Dürr nghe xong, cau mày, và khuôn mặt rất ngạc nhiên. Ông dang hai tay, nhún vai và nói: “Tôi nào có đặc quyền gì để cho Jobs chen ngang? Nếu Jobs được cấy ghép trước, còn những bệnh nhân khác thì sao? Tất cả sinh mệnh đều bình đẳng như nhau”.
Steve Jobs |
Steve Jobs, người đã thổi hồn vào những chiếc điện thoại iPhone, máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad và máy tính Macbook, đưa chúng trở thành những món hàng công nghệ được săn đón nhất thế giới. Sau khi đọc những dòng tâm sự cuối cùng dưới đây của ông chúng ta sẽ học được bài học quý báu hơn nữa:
“Tôi đã đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác, cuộc đời tôi là một biểu tượng của thành công. Tuy vậy phía sau của công việc tôi có rất ít niềm vui.
Tài sản của tôi cuối cùng cũng bình hoá với tôi. Trong lúc này trên giường bệnh viện, hồi tưởng về cuộc đời, những lời khen ngợi, tự cao, tự hào về tài sản nhưng tôi cảm thấy thật vô nghĩa trước tử thần, cái chết.
Trong bóng tối, khi nhìn ánh đèn màu xanh và tiếng ồn ào của máy dưỡng khí, tôi cảm nghiệm được những hơi thở của tử thần rất gần kề. Bây giờ tôi mới hiểu thấu, nếu một lần bạn đã có tiền đủ cho cuộc đời của bạn, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác không liên quan đến tiền bạc. Nên tìm một điều gì quan trọng hơn.
Ví dụ như là lịch sử tình yêu nhân loại, nghệ thuật, ước mơ tuổi thơ… Đừng làm nô lệ cho vật chất, giàu sang, vì nó sẽ biến bạn thành một người yếu ớt như tôi.
Thượng Đế tạo dựng chúng ta để cảm nghiệm được tin yêu trong tim, chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời nhưng không thể đem theo tôi được. Tôi có thể mang theo được những kỉ niệm của yêu thương.
Đây mới chính là sự giàu sang sẽ có thể đồng hành với bạn, là sức mạnh, ánh sáng soi sáng cho bạn tiến tới. Tình yêu có thể đi hàng ngàn cây số và chính vì thế cuộc đời không có giới hạn. Đi, tiến đến nơi mà bạn muốn, cố gắng lên để đạt được những mục đích. Tất cả là ở trong tim và trong lòng bàn tay của bạn.
Cái giường nào đắt giá nhất trên đời? Đó là giường bệnh viện, vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, nhưng không thể dùng tiền để thuê người mang bệnh cho bạn. Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống.
Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện khi bức màn sự sống kéo xuống. Làm ơn hãy nâng niu và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu, gìn giữ sức khỏe cho bạn và chăm sóc đồng bào của bạn.”
Thanks for all you have done and RIP Steve Jobs.
Amazon 3.12.15
Quay trở lại với câu hỏi: Chết có thật đáng sợ hay không? Nguyễn Thượng Chánh & Nguyễn Ngọc Lan đưa ra suy nghĩ. Trên cõi đời nầy, chỗ duy nhất, nơi mà con người thật sự được hoàn toàn bình an, không còn thù hận nhau nữa, không bao giờ biết hơn thua, phân biệt đố kỵ với nhau nữa, đó là chỗ nghĩa địa an giấc ngàn thu.
Cuộc đời thật vô thường, vậy phải biết trân quý sự sống. Thù hận, tranh đua, phân biệt, cố chấp, ganh tị, suy bì, hơn thua nhau từng tiếng, từng lời, từng chút một rồi cuối cùng cũng phải chết mà thôi. Đến lúc đó thì ăn năn hối cải, than khóc, kể lể, luyến tiếc làm chi cho mất công, muộn màng rồi bạn ơi. Tại sao hồi còn sống không biết sống cho hòa thuận, thương yêu nhau, giao hảo nhau trong tình người, biết tha thứ nhau?
Nghĩ cho cùng cái chết chỉ là một giai đoạn của cái sống. Có chết đi thì mới có được một cái sống mới khác tiếp nối theo được. Vậy hãy trân quý cuộc sống ngày hôm nay. Không nên để tâm trạng sợ chết trở thành một nỗi ám ảnh thường xuyên làm ô nhiễm cuộc sống của chúng ta. Hãy quên sự chết đi để mà sống. Chừng nào chết thì chết. Chết thì dễ, là việc đương nhiên rồi. Sống sao cho đáng sống mới là việc khó.
Chúng ta, sau bài học quý giá mà Steve Jobs để lại, hãy cùng chiêm nghiệm lời cảm ơn cuộc đời…
Sáng hôm nay thức giấc, bỗng dưng tôi muốn nói: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày mới để yêu thương”…