Phước bị truy tố về tội “trộm cắp tài sản”, còn Ly bị truy tố về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Phân bua trước tòa
Bị cáo Ly (được tại ngoại) đến tòa cùng người chồng “hờ”. Người phụ nữ dáng gầy đét, khuôn mặt xanh xao. Mái tóc vàng hoe được cột túm lại lỏng lẽo sau gáy. Trời lạnh lẽo nhưng cô vẫn chọn một chiếc váy ngắn quá đầu gồi để mặc đến tòa. Chiếc váy ôm sát càng khiến dáng cô thêm ốm yếu, liêu xiêu trong một sáng mưa gió.
Vụ án xảy ra vào một tối giữa tháng 9/2018. Lúc đó đã 8 giờ 30 tối, người chồng “hờ” của Ly chở Ly và Phước trên một chiếc xe máy đến khách sạn trên đường Phạm Thị Liên để thuê phòng nghỉ. Lúc đến khách sạn, chồng “hờ” của Ly đứng bên ngoài khách sạn, còn Ly và Phước vào bên trong thuê phòng cho ba người.
Trong lúc lễ tân lên tầng 2 kiểm tra phòng, Phước nhìn thấy chìa khóa xe máy để trên thành cửa sổ và chiếc xe (có giá trị 42 triệu đồng) đang để ngoài sân. Nảy sinh ý định chiếm đoạt, Phước lấy chìa khóa tra vào xe rồi tẩu thoát sau đó nhờ Ly mang xe đi cầm được 10 triệu đồng. Phước đưa cho Ly 3,5 triệu đồng từ tiền cầm xe, số tiền còn lại, Phước tiêu xài cá nhân hết.
Tại tòa, Ly chống chế, bảo không biết xe đó là do Phước ăn trộm. “Khi đến khách sạn, cả ba người đi trên một chiếc xe. Lúc trở ra, bị cáo Phước có thêm một chiếc xe, sao bị cáo không biết được. Bị cáo có biết lấy tài sản của người khác là phạm pháp không?”. “Dạ bị cáo không biết. Bị cáo mới học lớp 6 thì nghỉ học, sau đó lấy chồng sớm, nên không hiểu biết pháp luật…”, nữ bị cáo phân bua.
Bị cáo Ly đã ly hôn, hiện sống như vợ chồng với một người đàn ông khác. Hai đứa con của người chồng đầu, bị cáo giao cho bà ngoại nuôi. Đứa con sau với người chồng hờ mới được 2 tuổi, thì do bà nội chăm sóc. Còn cả hai đang thất nghiệp.
Tại tòa, bị cáo nói mình đang có thai. “Bị cáo có biết mình có thai mấy tháng không?”. “Dạ không biết”. “Bị cáo đã sinh ba đứa con, mà không đoán được?”. “Dạ không”. “Sao bị cáo không đi khám thai?”. “Dạ tại không có tiền”. “Tiền khám thai còn không có, vậy sinh con ra, lấy gì để nuôi?”. “Dạ có bà nội nuôi”. Nữ bị cáo trả lời tỉnh bơ.
Bị cáo Ly trước đây làm nghề lái taxi. Nhưng chỉ lái đôi ba bữa lại nghỉ. Sau đó thì ở nhà làm nghề bóc vỏ hạt sen. Nhưng công việc thời vụ này cũng chỉ làm được đôi ba tháng hè, đến ngày mưa lại "treo niêu" như cũ. Bị cáo nói số tiền có được từ việc cầm xe, bị cáo dùng hết vào việc mua sắm áo quần cho chồng và con.
“Bị cáo đã xin được việc làm. Nhưng họ nói đang mùa mưa, hàng chưa có. Phải tháng nữa mới vô hàng tết. Mong tòa xử bị cáo nhẹ nhẹ, để bị cáo ở ngoài đi làm, kiếm tiền nuôi con”, bị cáo Ly nói.
Bị cáo “quen mặt”
Khác với bị cáo Ly lần đầu phạm pháp, bị cáo Phước lại có lý lịch “đen” dài: Cách đây 1 năm, Phước bị TAND thành phố Huế xét xử 8 tháng tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Lần đó, trong khi ngồi chơi với bạn một lúc, Phước hỏi mượn xe máy của bạn đi có việc riêng, sau đó Phước chạy thẳng vào Đà Nẵng chơi suốt 3 ngày liền.
Trên đường quay ra Huế, do hết tiền tiêu xài nên đã nảy sinh ý định không trả xe cho khổ chủ mà mang đi cầm lấy 5 triệu đồng cá độ bóng đá và tiêu xài hết.
Trước đó nữa, vào năm 2011, Phước cũng bị TAND thành phố Huế xử phạt 20 tháng tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Khi đó Phước đến nhà bạn gái chơi. Nhưng do bạn gái đi vắng nên Phước ngồi chơi với em gái người yêu cùng cậu bạn trai của cô này.
Ngồi chơi được một lúc, Phước đề nghị mượn xe của người yêu cô em, hứa chỉ đi đến tiệm giặt ủi lấy áo quần chừng 3 phút rồi về. Tuy nhiên, khi đến tiệm giặt ủi thì quán đóng cửa. Trên đường chạy xe về, Phước nảy sinh ý xấu, đem xe đi cầm lấy 25 triệu đồng rồi tiêu xài, ăn chơi, cá độ hết.
Vào năm 2008, lúc đó Phước chỉ mới 23 tuổi, nhưng đã bị TAND tỉnh Hà Tĩnh phạt 3 năm tù về tội “trộm cắp tài sản”. Thời gian này Phước giúp việc cho đại lý bia Huda của một người phụ nữ ở thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh.
Lợi dụng lúc trời nhá nhem tối, Phước lẻn vào quầy hàng ẩn nấp sau những thùng vỏ chai bia, rình thấy chủ đại lý kiểm tiền giao dịch trong ngày, bỏ vào bao đựng tiền để trên đầu giường cạnh két sắt, đóng cửa ki ốt để về nhà lấy chìa khóa két sắt. Đợi chủ đại lý đi khỏi, Phước đến mở bao đựng tiền, lấy trộm 100 triệu đồng.
Lần này ra tòa, bị cáo khai sau khi có số tiền chiếm đoạt từ chiếc xe, bị cáo lại vào Đà Nẵng chơi. Ăn chơi tiêu xài trong mấy ngày, hết tiền thì lại trở về Huế.“Tiền đó một phần bị cáo xài, một phần là cho người yêu”, Phước khai.
Phước đã có vợ. Nhưng hiện tại lại sống như vợ chồng với một người phụ nữ khác. Tòa hỏi bị cáo sao chưa ly hôn, lại đi sống chung với người phụ nữ khác? Phước ấp úng bảo: “Dạ chắc là ly hôn rồi chứ”. “Đơn ly hôn của bị cáo chỉ mới được gửi đến tòa hồi tháng 8. Tòa đã xử đâu?”. Phước lại bảo, chắc là đã từng ly hôn ở quê vợ.
Vị hội thẩm hỏi bị cáo Phước: “Tại sao có nhà ở Huế lại không ngủ mà đi thuê khách sạn ngủ?”. Phước khai chủ yếu đến thuê khách sạn cho vợ chồng bị cáo Ly ở lại, chứ bị cáo không ở lại. Tòa lại hỏi bị cáo Ly sao đã có chồng con, đêm hôm lại không về nhà? Ly khai, tại hai vợ chồng đang lục đục, chán nên không muốn về nhà.
“Bị cáo ăn trộm xe, không phải để lấy tiền xài. Tại bị cáo thấy hai vợ chồng hắn (ý nói vợ chồng bị cáo Ly) cực khổ quá, không có tiền nên mới lấy trộm xe rồi đưa Ly đi cầm. Tiền cầm xe cũng đưa Ly một phần”, Phước phân trần.
Bị cáo Phước nói, mình và bị cáo Ly chơi rất thân, xem nhau như anh em ruột. Dù là vậy, nhưng từ khi bị tạm giam đến nay, vợ chồng Ly chẳng hề lần nào bới xách vào trại thăm nom. “Tại cực quá. Có tiền đâu mà đi”, Ly phân bua. Phiên tòa hôm ấy, người nhà của bị cáo Phước cũng không một ai đến.
Khi đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù đối với Phước, bị cáo “kêu” mức án nặng quá. “Ba mẹ bị cáo đã bỏ bị cáo rồi, bị cáo chỉ mong được tòa xem xét để sớm làm lại cuộc đời”.
Hội thẩm nhân dân: “Hôm nay đứng ở đây, bị cáo nói lên những lời đó, vậy trong ý thức đã thực sự thấm thía hậu quả của những hành vi vi phạm pháp luật, của lối sống buông thả? Bài bạc, đỏ đen cũng bị nghiện nguy hiểm không khác gì ma túy.
Bao nhiêu lần, hết lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đến trộm cắp tài sản, bao nhiêu lần phải vào tù ra tội, cũng chỉ vì cá độ. Lần nào bị cáo cũng hứa, nhưng rồi lại thất hứa với chính mình. “Dạ không, lần này bị cáo “chốt” rồi”. bị cáo nhất định nói được làm được.
Tòa tuyên phạt bị cáo Phước 2 năm tù giam, bị cáo Ly 1 năm tù giam.
Ly đang chờ ngày đi thi hành án. Cô cùng chồng “hờ” vội vã trở về nhà giữa màn mưa giăng giăng trắng xóa nơi sân tòa. Phía sau lưng họ, Phước lẽ loi bước lên xe tù, không một bóng người thân thăm hỏi, động viên.