Cách đây mấy ngày, chính xác ngày 24/12, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội có Văn bản số 2943/TB-BDT về công tác phân luồng và lưu trữ rác tạm thời của các địa bàn đang vận chuyển về bãi rác Nam Sơn. Đây là phương án xử lý tạm thời việc tồn đọng rác gây ô nhiễm môi trường tại các quận/huyện trong những ngày qua, khi người dân chặn không cho xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn.
Tạm thời đến bao giờ? Đây không phải là lần đầu dân khu vực bãi rác Nam Sơn “lập chốt” chặn xe rác đâu. Nhiều lần lắm rồi. Rác, Hà Nội đang đối mặt với nguy cơ lớn. Theo con số của ngành Tài nguyên và Môi trường địa phương, trung bình mỗi ngày toàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn rác sinh hoạt.
Hai bãi rác lớn nhất là bãi Nam Sơn và bãi Xuân Sơn tiếp nhận khoảng 90% lượng rác này, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện. Hai bãi rác lớn nói trên đang phải hoạt động hết công suất và nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ buộc phải đóng bãi vào cuối năm 2020. Hà Nội đang “hóc” với vấn đề này, các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện đã lạc hậu, thường xuyên xảy ra hư hỏng...
Không nói thì ai cũng biết, rác là một phần “tất yếu” của cuộc sống. Sự gia tăng dân số đô thị (và cả nông thôn) cũng như sự phát triển kinh tế dẫn theo sự gia tăng các loại rác thải tại Việt Nam. Điều này dẫn đến môi trường ngày càng ô nhiễm làm giảm chất lượng sống của con người cũng như mất mỹ quan. Vì vậy, việc xử lý rác thải là vấn đề cấp bách của toàn xã hội, nỗi lo toan của Chính phủ chứ không riêng địa phương nào. Tuy nhiên, đô thị, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cấp bách hơn nhiều.
Rác không chỉ là rác, mà thực sự rác đang trở thành vấn đề an ninh xã hội. Nhìn người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn, nhìn thành phố ùn ứ rác thì thấy rõ.
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế... của cả nước. Nên rác Hà Nội không còn là vấn đề của địa phương này. Chính vì thế, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 609/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, Hà Nội không thể là một “công tử”, Chính phủ “xắn tay áo” làm thay chính quyền địa phương.
Về tổ chức thực hiện, điểm đầu tiên của Quyết định xác định trách nhiệm của UBND thành phố. Đó là, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch nói trên. Tuy nhiên, chính quyền thành phố đang tỏ ra lúng túng. Bên cạnh áp lực về xử lý rác thải rắn sinh hoạt, việc quy hoạch các dự án xây dựng khu xử lý rác thải sao cho hợp lý đang là thách thức lớn với Hà Nội, đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng, tránh phá vỡ quy hoạch chung. Rác không chỉ là rác. Xử lý rác đòi hỏi tầm nhìn.