Năm 2010 chuẩn bị khép lại, tin vui dồn dập báo về UBND thành phố, nhiều doanh nghiệp như các công ty Sơn Hải Phòng, Ắc quy Tia Sáng, LS Vina Cable… hoàn thành, về đích trước kế hoạch. Có thể nói, năm 2010 là năm các doanh nghiệp phải chịu vô vàn những khó khăn của thời kỳ “hậu khủng hoảng kinh tế thế giới”, các gói cứu trợ, hỗ trợ lãi suất vay vốn đều giảm hoặc hết. Doanh nghiệp phải đối mặt với tỷ giá tăng và khó mua ngoại tệ, lãi suất vay vốn ngân hàng cao, giá cả nguyên vật liệu tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn vượt qua được. Đó là những doanh nghiệp thực sự năng động, sáng tạo.
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp “sống dựa vào cơ chế” và phất lên nhờ “cơ chế”. Chẳng hạn, trước đó, doanh nghiệp được thuê hoặc cấp diện tích đất lớn để thực hiện dự án nhưng chậm trễ trong triển khai và tìm cách bán lại cho doanh nghiệp khác khi giá đất lên cao để kiếm lời. Có doanh nghiệp khi đăng ký thuê đất với mục đích sản xuất, kinh doanh nhưng sau một thời gian lại xin chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng nhà ở để bán… Một số công ty liên doanh sản xuất xe ô tô, xe máy có lãi lớn nhờ bán được ô tô, xe máy cho người Việt
Những kiểu kinh doanh lòng vòng hoặc lợi dụng các cơ chế chưa hoàn thiện, kẽ hở của pháp luật để kiếm lời không tạo ra giá trị vật chất cho xã hội mà chỉ làm giàu cho một số đối tượng, làm cho môi trường kinh doanh méo mó, kém hấp dẫn. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì chịu thiệt thòi.
Như vậy, vấn đề quan trọng là cần rà soát lại cơ chế, xem xét các ưu đãi, khuyến khích hay các rào cản, hạn chế được áp dụng đúng đối tượng, giai đoạn hay chưa để sửa chữa, khắc phục. Có như vậy, mới tạo được sự công bằng xã hội và một môi trường kinh doanh lành mạnh, hấp dẫn, khuyến khích đầu tư.
Hải Đăng