Để lại những hồ sơ có đơn kiện
Sau khi rà soát lại 1.226 hồ sơ đủ điều kiện để công nhận chức danh GS, PGS năm 2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tối 28/2, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đã tạm để lại 97 hồ sơ GS, PGS, trong đó có 21 hồ sơ của ngành Y tế. Đặc biệt, trong số 97 hồ sơ GS, PGS mà Hội đồng Chức danh GS Nhà nước tạm để lại xem xét có hồ sơ GS của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo GS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS ngành Y tế thì chưa có kết quả cụ thể những trường hợp để lại xem xét, nếu có chỉ là dự kiến của tổ công tác chứ chưa phải là kết quả sau khi đã họp với Hội đồng GS ngành.
Trước đó, chiều 27/2, tại Hà Nội, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước đã họp để chốt kết quả rà soát GS, PGS năm 2017 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Hội đồng Chức danh GS Nhà nước gồm 28 người (có các ủy viên là Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành). Nội dung họp tập trung vào kết quả rà soát việc công nhận GS, PGS của các ngành, liên ngành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Cuộc họp kéo dài tới khuya mới kết thúc. Cũng theo một số thành viên Hội đồng chức danh GS Nhà nước, Hội đồng đã rà soát rất kỹ những hồ sơ có đơn kiện. Tuy hầu hết đơn kiện là nặc danh, về mặt nguyên tắc không đủ tính pháp lý để xem xét nhưng trước yêu cầu rà soát của Thủ tướng, Hội đồng chức danh GS Nhà nước và thanh tra Bộ GD-ĐT đã yêu cầu chuyển đơn kiện về cơ quan chủ quản để xem xét và cho ý kiến và trả lời. Hội đồng chức danh GS Nhà nước cho biết, nếu phát hiện hồ sơ thiếu trung thực thì ngay cả khi đã được phong hàm rồi cá nhân đó vẫn sẽ bị tước danh hiệu.
Hồ sơ đã được làm “đẹp” từ đầu?
Và điều khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi lớn đó là mặc dù quy định rất rõ: GS phải là người tham gia giảng dạy đại học với thâm niên được quy định cụ thể nhưng trên thực tế, không ít người được phong GS mà không hề giảng dạy, chỉ làm công tác quản lý ở các bộ, ngành. Với 1.141 ứng viên PGS thì số lượng ứng viên không thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học cũng nhiều hơn rất nhiều. Nếu cả ứng viên GS, PGS không làm việc tại các trường đại học, các viện nghiên cứu (nơi có đào tạo tiến sĩ) thì con số lên tới gần 80 ứng viên. Trong đó có ứng viên ở Ban Chỉ đạo Tây Bắc, có ứng viên ở Huyện ủy Vân Hồ, Sơn La, có ứng viên ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Y tế dự phòng...
Điều đáng nói, với tâm lý hư danh, ở Việt Nam lại đang có tư duy coi chức danh GS, PGS như một phẩm hàm, thậm chí, GS, PGS còn được coi là một tiêu chí để đánh giá tư chất của một con người. Một vị GS thẳng thắn: “Tôi không nói quá, nhưng nếu bây giờ thực hiện việc rà soát theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn như vậy thì phải giảm được hơn nữa người có học hàm GS, PGS trong số hơn 1.200 là PGS, GS trong năm 2017. Nhưng nếu việc rà soát chỉ thực hiện dựa trên hồ sơ như hiện nay thì việc không phát hiện ra ứng viên thiếu chuẩn hoặc chỉ phát hiện một vài người không có gì lạ. Hồ sơ bao giờ cũng được làm đẹp ngay từ đầu, không phải chờ đến lúc rà soát, kiểm tra người ta mới làm”.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT nghi ngại, trong một năm qua, có bao nhiêu ứng viên trong số này có những công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ đặc biệt xuất sắc đã được công bố và đánh giá cao; được tặng giải thưởng lớn ở trong nước hoặc ở nước ngoài? Hơn nữa, chưa chắc cả gần 100 ứng viên đều có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, hay được tặng các giải thưởng lớn. Tuy nhiên, cũng có cái khó cho các hội đồng nếu loại bỏ nhiều người thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hội đồng đó và sẽ có những câu hỏi vì sao ứng cử viên này lại lọt vào được? Nếu kết quả rà soát chỉ loại bỏ được một vài người là không ổn và dư luận cũng không thể yên tâm về chất lượng PGS, GS và việc rà soát dường như chẳng có ý nghĩa gì.
Một GS khối ngành khoa học tự nhiên tại Hà Nội bày tỏ: Nếu kiểm tra lại thì phải là người này kiểm tra của người kia, chứ đằng này họ làm theo cách rất nực cười là hội đồng cấp trên hạ lệnh cho hội đồng cấp dưới tự kiểm tra kết quả của mình rồi báo lên. Tự anh đi kiểm tra chính anh, rõ ràng làm sao có kết quả khác đi được. Phải chọn hội đồng độc lập để rà soát lại kết quả thì mới mang tính khách quan hơn. Thực tế, cách thức phong hàm GS, PGS đã không còn phù hợp với những yêu cầu mới, đặc biệt, do căn bệnh thành tích, ưa hư danh và vì quyền lợi mà ở đâu đó đã có những tiêu cực len lỏi vào quy trình này.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay: "Đúng là nhiều người tỏ ra lo ngại với con số GS, PGS tăng 60% so với những năm trước. Còn cá nhân tôi, tôi cho rằng đó là con số không bình thường. Chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay một bộ phận cán bộ, giảng viên “dùng mọi cách” để được phong hàm GS, PGS. Đó chính là bằng chứng của việc háo danh và giải quyết “khâu oai”.
Tôi nghĩ rằng, Bộ GD-ĐT nên trả việc công nhận GS, PGS cho các trường. Các cơ sở giáo dục tự đặt ra tiêu chuẩn với GS riêng gắn với uy tín riêng của trường. Đương nhiên, để mọi người tâm phục, khẩu phục chắc chắn các trường sẽ đưa ra bộ tiêu chí cao hơn quy định tiêu chuẩn tối thiểu của Bộ GD-ĐT hiện nay. Ngoài ra, chức danh GS hay PGS nên dành những người trực tiếp giảng dạy trên giảng đường, có cống hiến, có biên chế tại cơ sở giáo dục chứ không nên để những vị làm doanh nghiệp hay công tác quản lý cũng được phong GS và PGS thì hơi…buồn cười. Hơn nữa, GS và PGS cũng không nên là học hàm được công nhận vĩnh viễn, suốt đời. Nếu không cống hiến hay không giảng dạy thì người đó không nên nhận chức danh này".