Lý giải về con số 581.700 hộ có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện QLT, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ QLT thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, số liệu tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số cơ sở kinh tế cá thể là hơn 4,3 triệu cơ sở. Trong khi ấy, số lượng HKD đang quản lý thường xuyên của CQT năm 2018 là gần 1,7 triệu hộ.
Sở dĩ có sự chênh lệch lớn về số liệu HKD là do có sự khác nhau giữa tiêu chí thống kê và tiêu chí QLT. Cụ thể, mục tiêu của việc thống kê là để nhằm đánh giá sự phát triển về lao động, thu nhập trong dân cư, từ đó xác định mức độ đóng góp vào GDP, cơ cấu, phân bổ địa bàn...
Do đó, bất cứ thành phần dân cư nào có phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ có phát sinh thu nhập, dù là chỉ đủ nuôi sống bản bản thân và gia đình cũng thuộc diện được tính vào điều tra thống kê.
Trong khi đó, tiêu chí quản lý của CQT là những đối tượng thuộc diện chịu thuế theo Luật Thuế. Đặc biệt, trong điều kiện số lượng HKD quá lớn, nhân lực ngành thuế có hạn, thì việc QLT hiện nay chủ yếu tập trung vào các HKD có tính thường xuyên, ổn định, quy mô lớn và vừa, các HKD trong lĩnh vực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp.
“Việc rà soát chỉ nhằm mục đích đưa vào diện quản lý thường xuyên để xác định nếu HKD có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì CQT mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế,” bà Lan cho biết.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, công tác rà soát này là một trong những công việc thường xuyên của CQT, đặc biệt vào những dịp cuối năm dương lịch để chuẩn bị cho mùa lập bộ thuế HKD của năm tiếp theo.
Theo quy định hiện hành, hàng năm CQT có trách nhiệm rà soát thường xuyên tại địa bàn để đưa vào diện quản lý và công khai thông tin, bao gồm cả những HKD chưa đến mức nộp thuế.