Ra đồng gặp một người

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng

Sáng sớm. Định đi vo gạo nhóm củi nấu cháo cho mẹ. Đêm qua mẹ Định kêu đau bụng suốt đêm. Chắc lại đau dạ dày.

Trong nhà có tiếng anh Dự tru tréo, cô Định đâu, thế có giết người ta không cơ chứ? Định giật mình, cuống quýt chạy lên. Dự chìa cái áo ra gí vào tận mắt Định, cô có mù không đấy, đồ vô tích sự! Có mỗi cái áo sơ-mi trắng giặt đem ngâm chung với lũ áo phông mầu bây giờ nó ra mầu cháo lòng. Nghe con trai mắng, bà chóng tít cả mặt, phải tựa xuống bậu cửa để ngồi xuống. Định vẫn đứng như trời trồng.

Trong bếp, mùi khét bay lên. Định bừng tỉnh chạy vào. Nồi cháo đã cháy. Định sang quán nhà Thự mua cháo lòng cho mẹ.

Quán nhà Thự lợp lá dừa, vách đan tre nứa, trông rất thoáng mát, đã có mấy người đàn ông ngồi xí chỗ trong quán. Thự ngồi thái lòng, cỗ lòng còn bốc hơi, tay Thự bị nóng thỉnh thoảng lại bỏ cỗ lòng sờ lên tai như phù phép. Vợ Thự đang bê nước chấm ra các bàn. Mấy người đàn ông thấy bóng Định bê bát to bước vào thì cất tiếng trêu, sáng nay cô Định đi mua lòng thì trời bão to. Định nghe thấy nóng ran ở mặt. Họ đang tỏ ý coi thường. Nhà Định nghèo, chẳng mấy khi ra quán mua đồ ăn sáng nên họ coi thường. Định vẫn cúi đầu không nói, không nhìn.

Vợ Thự bê từng đĩa lòng bốc khói ra bàn. Mùi lòng thơm ngậy. Định quay ra cửa lần túi quần. Tờ hai mươi nghìn hôm trước chị Đoài về chơi cho vẫn còn, đã định để dành mua áo lót. Cánh đàn ông tợp chén rượu, mặt mũi ai nấy đều tưng bừng, cô Định mua gì thì vào đi chứ, không là chúng anh mồm cá ngão, chén sạch đồ đấy. Thự múc bát cháo đầy có ngọn, rồi thái lòng cho Định. Lúc đưa túi lòng, cúi vào sát người Định thì thào, anh ưu tiên cho thêm miếng gan với lá lách, lần sau ăn ngon lại đến nhé. Thự nháy mắt. Định lơ đi.

***

Đồng Cuội.

Cánh đồng hình tam giác. Ruộng nhà Định là đỉnh chóp của tam giác. Lúc cần nước thì không có, lúc không cần thì nước cứ đổ về. Cách đó hai ao cá là nhà máy xử lý rác Xanh Mãi của xã bên cạnh, ống khói tuôn cuồn cuộn lên trời, gió nam thổi, mùi khói tạt về đồng Cuội, Định chun mũi lại, khó chịu.

Mầm Định gieo hôm trước, đang ngóc lên, gặp khói, nắng, đầu mầm đã ve lại. Máng hơi bé để mắc gầu sòng. Định đành dạng chân gầu cho thật choãi, chân phải bước xuống ruộng bên cạnh đứng nhờ mới múc được nước lên.

Phía trên đầu mương, hai cái máy bơm nhà ai chặn dòng nước chảy xuống, Định vừa tát vừa chờ nước. Ruộng khô, được gầu nước nào chảy vào ngấm hết ngay. Lũ mầm lúa dần hồi trở lại.

Thự đi đến, bảo Định tháo gầu sòng xuống, để Thự tát. Thự còn bảo rồi cũng phải mua lấy cái máy bơm, điện thì cắm vào ổ điện Thự đã làm sẵn trên cột kia, chỉ việc cắm là sẽ có nước vào ruộng.

Thự lội xuống mương khơi bùn cho nước chảy về, bắt được con cá chuối to bằng cổ tay, giục Định cởi xà cạp ra đựng con chuối về bồi bổ cho bà Thân. Sao biết mẹ Định ốm? Định ấp úng hỏi Thự. Thự cười, bà không ốm thì sao em lại đi mua cháo lòng chứ. Định cởi xà cạp ở chân ra. Thự nhìn bắp chân Định, khen, chân trắng như ngó cần. Định nhìn Thự, thấy mắt Thự mầu cháo lòng, tay Thự thả con chuối vào buộc chặt trong xà cạp, rồi bất ngờ túm lấy cổ chân Định, cho anh mượn làm cọc để trèo lên. Tay Thự to khỏe bao gọn cổ chân Định, cô thấy rần rật khắp người. Má Định hâm hấp nóng. Chưa ai chạm vào người cô bao giờ cả. Cô gỡ tay Thự ra, vội chạy ra vòi nước rửa chân.

Trời nổi mây đen, gió thổi vù vù. Sấm sét đì đùng. Tiếng mưa ầm ầm đổ xuống mái tôn nhà máy Xanh Mãi. Chưa đầy năm phút sau thì mưa sầm sập đổ về đồng Cuội. Thự bảo vác gầu nhanh, lên xe máy anh lai về kẻo mưa bão, Định lắc đầu quầy quậy. Mưa trút xuống càng to. Thự mắng, em có lên không hay đứng giữa đồng muốn đón sét hả? Thự kéo Định lên xe máy ngồi bằng được. Máy bơm đặt khung trước, vòi ống quấn quanh người và cầm tay, một tay Thự nhấn ga phóng về làng, Định ngồi sau, một tay vác gầu, một tay ôm bụng Thự. Mưa mù trắng nước.

Định muốn tắm mưa. Cô xòe tay hứng. Nước mưa trơn trượt thi nhau ngã sõng soài trên cánh tay. Định bước ra sân. Nước mưa quật vào mặt, vào mắt, rát, buốt. Quần áo dính chặt vào người, tóc dính bết đầu. Định vuốt nước trên mặt, nước lại chảy đầy, má Định hồng ửng. Định vuốt nước trên ngực, ngực cô phập phồng… Đêm đó Định mơ. Có người bước xuống từ trăng, lách người qua cửa sổ, vén màn chui vào giường ôm lấy Định. Chiếc vỏ chăn bùng nhùng. Người Định quẫy đạp, rồi nhũn ra, mê đi.

***

Sáng nay Dự mặc chiếc áo mầu cháo lòng ăn sáng. Để giải thích sự ngạc nhiên của Định, Dự bảo, từ nay, thỉnh thoảng sẽ đổi món cơm nguội cho cả nhà. Dự móc ví, chìa xấp tiền ra. Đây cho cô Định ba trăm để mua thức ăn bồi dưỡng cho mẹ. Có tiền mai cô ra chợ mua xương ninh nấu cháo chứ ăn mãi cháo lòng chẳng có mấy chất gì đâu. Dự lật gối, đưa cho Định gói giấy, mấy năm nay cô Định chưa có áo mới, tấm vải hồng này tôi mua tặng cô, may đi để đi đâu còn mặc. Người mẹ hỏi:

- Tiền ở đâu ra mà tiêu xài hoang phí thế?

- Hôm qua, con đi gặp anh Tin. Bác Tứ cho anh Tin vay một trăm triệu để mở công ty, mỗi tháng lãi được năm triệu. Công ty của anh Tin ăn nên làm ra thì còn được nhiều hơn nữa. Anh Tin bảo con cứ về gặp anh Thự, là đầu mối của anh Tin ở làng ta. Tối qua Thự vừa nhận hai mươi triệu con gửi đã gửi lại ngay cho con tiền lãi tính luôn cho đẫy cả tháng này. Mẹ không biết chứ ở làng mình, nhiều nhà cũng gửi mấy trăm triệu.

***

Định lại vác gầu lên đồng.

Đồng Cuội nước ngập tũm, may mà còn nhìn thấy bờ. Bờ cao, bờ thấp mấp mé. Cỏ xanh, cỏ vàng, cỏ cháy do thuốc diệt cỏ, nước đùng đục, lờ nhờ. Mấy cái máy bơm chạy xình xịch, nước trong ruộng đã rút nhiều. Nước máng lại dềnh lên cao. Định phải moi thêm bùn đắp bờ lên cao cho nước không đổ vào ruộng.

Mồ hôi vã ra như tắm mưa. Cánh tay cô đã mỏi rã rời.

Nắng sau mưa gay gắt, rát rạt lưng. Đầu đã bắt đầu ong ong. Định chạy vội ra gốc đa ở mé sông ngồi nghỉ. Mắt cô hoa tít lên nhìn cánh đồng vẫn một mầu cháo lòng. Định nhìn thấy có bóng người đang cởi gầu sòng, lắp máy bơm vào bơm nước chống úng cho ruộng nhà cô. Hay là anh Dự đã mua máy bơm về cho Định chăng?

Định đứng dậy, thì người đó chạy đến bên cạnh, người sực lên mùi cháo lòng, mắt chăm chắm mầu cháo lòng. Là Thự. Sao anh lại bơm nước cho tôi? Cô ấp úng.

Anh thương em vất vả quá. Anh đã bắc máy bơm chống úng cho em rồi, cứ ở đây nghỉ kẻo say nắng! Thự bảo Định ngồi sâu vào bên trong hốc đa cho râm mát. Định biết không, cái cây đa đồng Cuội này quý nhất là bộ rễ. Rễ vừa dài, vừa to, tạo những hang hốc, hèn nào mà chú Cuội lại bám rễ đa mà bay lên trời được. Có ngồi ẩn cả hai người trong đây vẫn vừa, đây này. Thự ôm vai Định chui lọt vào trong khe vách. Mặt Thự đã sát mặt cô. Mùi mồ hôi, mùi thuốc lào, mùi rượu, mùi lòng quấn lấy tóc Định. Cô chỉ kịp nhìn thấy chùm rễ đa rung rinh trước mắt rồi tất cả mầu sắc đều tiêu biến. Cô run rẩy đê mê quấn theo bóng một người bước ra từ trăng. Những chiếc rễ đa dưới lưng cô quằn quại theo người.

***

Hai mẹ con đi xuống đồng Cuội tỉa vãi. Lúa đang lên xanh mướt, bùn mềm dưới chân. Định bước xuống ruộng chợt xiêu vẹo, giẫm cả vào cây lúa. Cúi xuống tỉa được mấy cây, cô ngửi thấy nồng nặc mùi cháo, đưa ngón tay trỏ lên miệng nếm chỉ thấy mùi bùn ngai ngái, nhổ một cây lúa non lên miệng nhấm nháp, nõn lúa ngọt như mùi cháo lòng. Định cứ đứng mà nhai mãi, vừa nuốt nước vào bụng thì nôn khan một tràng. Bà Thân kéo con lên bờ, cô ngồi bệt xuống cỏ, thở dốc. Sao lại ăn lúa? Lúa ngon ngọt lắm!

- Dở người à! Có phải con chửa rồi đúng không?

Gió bỗng thổi mạnh, ống khói của nhà máy Xanh Mãi như vòi rồng nhả đầy khói về đồng Cuội. Cô ho sặc sụa. Bà Thân cởi vội cái khăn bông bắt Định quàng chặt vào.

- Con không biết!

- Ngu thế là cùng, có chửa cũng không biết. Thằng nào ngủ với con?

Định lắc đầu. Bà Thân khóc. Định khóc theo.

Bà Thân đành vỗ về, đừng buồn nữa kẻo đứa trẻ nó tủi. Về nhà nghỉ đi, để mai mẹ lên làm nốt ruộng này.

Hai mẹ con đi qua ruộng lúa nhà dì Mây. Dì Mây kéo bà Thân lại thì thào, bà đã biết chuyện gì chưa? Chuyện gì? Nhà Thự bị vỡ nợ rồi!

- Cái gì? Bà Thân thốt lên.

Hóa ra bà chị chưa biết gì à? Nhà Thự bị vỡ nợ, đêm qua cả nhà cuốn gói bỏ trốn rồi. Sáng nay, cánh đàn ông đi ăn sáng châng hẩng ra, thấy nhà Quân đến bắt gà, bắt lợn siết nợ. Mất năm trăm triệu, nhà Quân đang đau hơn hoạn. Làng mình còn mấy nhà tham tiền đều chết hết, cả làng sơ sơ tới ba tỷ chứ chẳng ít. Có nhà mất chẳng dám kêu ca, sợ bị chửi tội tham thì thâm.

Định thần người ra, lắp bắp, nhưng sao lại như thế?

- Như thế là như thế chứ còn sao trăng gì nữa. Nhà Thự đứng lên gom tiền của người làng, rồi đưa cho thằng Tin nào đó bên làng Đào vay để ăn hoa hồng, nay thằng Tin vỡ nợ, trốn biệt tích, nhà Thự phải giơ đầu chịu báng chứ sao? Không chạy sớm thì mất mạng chứ chẳng chơi. Thế nhà chị có dính không mà trông hai mẹ con thất sắc vậy?

- Tôi… ăn còn đói làm gì có tiền dính chứ. Thôi, tôi về trước nhé.

Bà Thân te tái kéo Định về. Chân Định rã rời.

Tới nhà, thấy Dự đang ngồi thu lu một góc giường, mặt mày nhợt nhạt, người bốc mùi rượu. Nhìn thấy mẹ, Dự òa khóc, mất sạch rồi, bao nhiêu công lao đóng gạch của con, mẹ ơi! Bà Thân giằng chai rượu, đổ xuống sân, rồi động viên con, của đi thay người, còn người còn của con ạ, chứ con mà nghiện ngữ thổ tả này thì mẹ mới lo là mất hết đấy! Hạn của cả làng này chứ riêng gì nhà mình đâu. Ngửi mùi rượu, Định lại nôn khan. Con chó ve vẩy đuôi chạy theo ra vườn. Dự hỏi, nó bị ốm à? Bà Thân bảo, không phải, nó có chửa đấy.

Dự im lặng khá lâu. Đoạn thở dài nói, có còn hơn không, cho nó đỡ buồn. Bà Thân gật đầu.

Nắng hắt một vạt vàng xuống sân. Dự khoác áo lên vai, nói với bà Thân, con đi ra lò gạch đây.

Bóng Dự vắt vẻo trên chiếc xe đạp cà tàng rồi khuất dần đầu ngõ.

Tin cùng chuyên mục

Dẫu cho cuộc sống có đổi thay thế nào, vị trí, vai trò của một người thầy trong xã hội, trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ là không thay thế được. (Nguồn: ĐN)

Suốt đời học làm thầy

(PLVN) - Những lúc không bận bịu lên lớp hay bài vở, giáo án, anh vẫn thường miệt mài xem gì đó trên điện thoại, soạn gì đó trên máy tính, lúi húi ghi chép gì đó trong quyển sổ tay nhỏ mang bên người. Bạn bè hỏi, anh bảo anh đang học. Bạn bè đôi khi đùa, sao đi làm thầy giáo rồi mà cứ học học nữa học mãi vậy, định học đến giáo sư à? Thì anh chỉ cười thủng thẳng: Sự học là sự nghiệp suốt đời mà.

Đọc thêm

Sài Gòn trong cơn mưa…

Những cơn mưa Sài Gòn thường chọn cho mình giờ rơi khắc nghiệt nhất, ấy là buổi tan tầm.
(PLVN) - Nhiều người hay bảo thích ngắm mưa rơi. Vì nhìn mưa rơi sao mà tươi mát, mà dịu dàng đến thế, như một bản nhạc của đất trời.

Xuyên bão

Tranh minh họa của Văn Học
(PLVN) - Trận bão về sớm hơn thường lệ. Gió ầm ào gào rít như muốn tàn phá tất cả. Ngoài kia, cây cối bị vặn ngả nghiêng, rõa rượi, lá bị bứt xáo xác, bay chíu chít.

Về nhé bạn ơi!

Ảnh minh họa. (Nguồn: N.T)
(PLVN) - Cứ sáng sớm hơn 4 giờ bố sẽ gọi tôi dậy. Vệ sinh cá nhân xong là đi học. Nhà tôi cách trường hơn 10 cây số. Cả làng chỉ có mình tôi đi bộ nên sáng nào cũng vậy, bố đều đi cùng cho tới khi gặp được người đi chợ thì ông mới quay về.

Miền thơ ấu

Ảnh minh họa. (Nguồn: B.T)
(PLVN) - Sáng đi học, chiều vừa chăn bò, cắt cỏ. Nếu không cắt cỏ thì phải vơ lá. Thôi thì đủ các loại lá, lá tre, lá vải, gốc cây ngô, dây bù lào già (cây bí đỏ)… để về làm củi đun.

Báu vật của người già

Ảnh minh họa
(PLVN) - Có một lần, một người bạn của tôi đăng lên mạng thông tin “Tìm bố lạc”. Trong bài viết ấy, bạn nói rằng bố bạn đã bỏ nhà đi mấy hôm nay. Kèm theo thông tin ấy là tấm ảnh một người đàn ông hơn 65 tuổi, trông còn minh mẫn, nét mặt sáng sủa, hiền lành.

Thám tử

Ảnh minh họa - Nguồn: ST
(PLVN) - Gã thích đội mũ nỉ đen, mặc áo ba đờ xuy đen và đeo kính râm mỗi khi ra đường mà không cần biết đó là mùa đông hay mùa hạ.

Gánh hàng rong

Hàng rong gây thương nhớ. (Ảnh: Pinterest)
(PLVN) - Đó là lúc canh khuya sương lạnh, trên con đường vắng tanh, có người mẹ, người chị kẽo kẹt gánh hàng rong ra chợ. Ánh lửa bập bùng từ bếp lò than sáng lên màu hồng tươi trong đêm đen, chuyển động nhịp nhàng theo bước chân chạy lúp xúp, rong ruổi, đánh thức sự sống ngày mới.

Sốt nhẹ

Ảnh minh họa: PV
(PLVN) - Rồi thì trong họ cũng không biết được rằng tình cảm ai nặng hơn: một người vốn luôn vui vẻ, chân thành lại vì một người chỉ cần nhắc đến tên là rơi lệ; và một người vốn lúc nào cũng lạnh nhạt, hờ hững với đời lại trở thành một người lãng mạn, biết quan tâm. Tình yêu muôn loại, ta sẽ không thể nào biết được toàn tâm, toàn ý vì một người hay thay đổi vì một người, cái nào sâu nặng hơn.

Giọt thu

Tranh minh họa: Nguyễn Văn Học
(PLVN) - An đến khi những cơn mưa mùa thu vẫn lất phất gõ đều trên mái hiên gỗ. Quán nằm trong con hẻm nhỏ. Giàn hoa phong sương vẫn biêng biếc lá. Bao năm rồi, quán vẫn cũ kỹ nằm nghe tàu lửa chạy sầm sập qua. Những bản tình ca cũng da diết như ngày nào. Chỉ có người ta sẽ trôi vào guồng quay bất tận của thời gian rồi dần dà thay đổi, chứ cái quán này muôn đời vẫn vậy, trừ khi ông lão họa sĩ mất đi mà thôi.

Ngắm 'năm cửa ô Hà Nội' qua 3D

Không gian “Hà Nội vùng đứng lên” trong triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”. (Nguồn: BTC)
(PLVN) - Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức triển lãm 3D trực tuyến “Hỡi đồng bào Thủ đô!”.

Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”

Khi mạng xã hội thành “sàn diễn”
(PLVN) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội không chỉ là nơi kết nối và chia sẻ, mà còn trở thành “sân khấu” để nhiều người phô diễn. Sống ảo, "phông bạt" trên mạng đang dần trở thành một hiện tượng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại.

Vùng trời tím biếc

Vùng trời tím biếc
(PLVN) - Nghe tiếng, tôi biết ông Đúc đến tìm bố, nên hờ hững bảo “họa sĩ ở trong phòng”. Tôi phụng phịu quay lại bức tranh đang vẽ dở. Cây khế lúc lỉu quả và hoa với lích chích tiếng chim kêu chẳng làm tôi tĩnh tâm được, có lẽ vì thế các bức vẽ chẳng bao giờ ra hồn. Chiều qua bố trúng gió nên có hơi sốt, tôi chỉ mua thuốc rồi đặt lên bàn mà không nói gì. Suốt bao năm qua tôi cứ tự đẩy bố xa khỏi mình.

Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước

Triển lãm thầy trò 3 miền đất nước
(PLVN) - “Gặp gỡ mùa thu” là triển lãm của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp và 4 học trò Đoàn Tuyên, Hà Văn Chúc, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Trần Trọng Đạt với những điều khác biệt, không chỉ về sắc màu, thời gian mà còn cả không gian.

Những cuộc chia ly

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Nỗi buồn nhỏ giọt từng chút một trong đêm, cứ tựa như những giọt sương đang nấp đâu đó trên mái nhà vắng, rồi rơi tõm vào lòng người cô tịch. Miệng mở ra nói câu đầy kiêu hãnh: “Người như tôi đau rồi sẽ chừa” nhưng rồi cuối cùng mọi thứ lại lặp lại, cứ như chưa từng có bài học nào, chưa từng có kí ức buồn thương nào lưu lại. Tôi, rồi lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của chính tôi.

Triệu chứng kẹt xe

Tranh minh họa: V. Học
(PLVN) - Sẽ không có gì đáng nói nếu như ông bố không rút “lệnh cho nhà”. Quân sẽ ngoan ngoãn nghe lời ông và không có gì oán thán. Đằng này ông cụ lại quay ngoắt một trăm tám mươi độ làm anh cay cú. Ngôi nhà cũ anh sẽ đầu tư xây mới, biến thành biệt thự tân thời. Một mình sở hữu hai căn, vậy coi như ổn với gã đàn ông một vợ, hai con.

Triển lãm “Non nước biên thùy” của Họa sĩ Đỗ Đức

Tác phẩm "Trên nương" của họa sĩ Đỗ Đức.
(PLVN) -  Ngày 11/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra Lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật "Non nước biên thùy" của họa sĩ Đỗ Đức. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 7 của họa sĩ Đỗ Đức ở Hà Nội, sau triển lãm "Ngựa trên núi" cách đây đúng 10 năm (2014).

Buông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nếu mà bà không thương ổng thì buông tha cho người ta để người ta còn đi lấy vợ nữa chứ?