Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn tại các xã của huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La dù được đầu tư với chi phí lên đến hàng tỷ đồng, nhưng nằm “đắp chiếu”, bỏ hoang, không phát huy tác dụng, gây lãng phí; trong khi người dân vẫn thiếu nước sử dụng.
Huyện Quỳnh Nhai có 132 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn, nhưng 60 công trình không còn hoạt động, 51 công trình hoạt động kém hiệu quả. |
Dân khát nước bên công trình nước sạch
Những năm qua, một số địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai đã được tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng các công trình nước sinh hoạt nhằm giúp chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, trái với sự mong đợi, hiện nhiều công trình cấp nước trên địa bàn huyện đang bị bỏ hoang hoặc hoạt động không hiệu quả, trong khi người dân thiếu nước sử dụng, lãng phí tài sản… Tình trạng này xảy ra tại các xã Cà Nàng, Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn…
Tại bản Lò Củ (xã Cà Nàng) hiện đang có 2 công trình bể nước quy mô khá lớn được xây dựng cách đây khoảng 10 năm đã bị bỏ hoang phế, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Được biết, 2 công trình này được xây dựng từ nguồn vốn di dân tái định cư (TĐC) thủy điện Sơn La và Chương trình 135.
Người dân phản ánh, ban đầu khi có thông tin bản được đầu tư xây dựng công trình nước sạch, hơn 80 hộ dân đều rất vui mừng, phấn khởi. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa đầy một năm thì bị hỏng, cạn khô, từ đó đến nay bỏ hoang giữa đồng không mông quạnh.
Còn công trình bể nước tại xóm Mới, thuộc bản Bon (xã Mường Chiên) được xây dựng từ những năm 2016 - 2017 trên một quả đồi gần xóm, có sức chứa gần 30m3 nước. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi công trình xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng đã không có nước, rồi ngừng hoạt động. Kể từ đó đến nay, bể nước bị bỏ hoang, cỏ dại mọc phủ kín, hệ thống ống dẫn hoen gỉ, tường bể bị đục khoét hư hỏng nghiêm trọng; trong khi hàng chục hộ dân tại đây sống cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Tại bản Khoang (xã Pá Ma Pha Khinh) được Nhà nước đầu tư xây bể nước tập trung cách đây hơn 10 năm cho các hộ di dời từ vùng ngập lòng hồ chuyển về theo dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Hiện hầu hết các công trình đã xuống cấp không còn hoạt động, một số bể nước bị bỏ hoang từ nhiều năm.
Bên trong bể, mực nước chưa đầy gang tay, màu đen sì, trở thành nơi trú ngụ của bọ gậy. Trong khi người dân phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô, khan hiếm nước một số hộ phải dùng can, xô xuống lấy nước từ sông Đà về sử dụng. Còn những việc như trồng rau, nuôi gà, lợn… thì không thể làm được vì không có nước.
Tương tự, công trình nước sạch ở bản Huổi Ná (xã Chiềng Ơn) được xây dựng theo dự án cấp nước sinh hoạt điểm tái định cư. Dự án do UBND huyện Quỳnh Nhai làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Được xây dựng từ 2008, chỉ được một thời gian công trình lại ngừng hoạt động. Đến 2015, các bể được tiếp tục sửa chữa, xây mới và cũng từng đó thời gian, xây xong rồi bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, người dân phải tự sắm máy bơm tìm nơi có nước bơm về sử dụng.
Hàng loạt công trình nước sinh hoạt tại Quỳnh Nhai bị bỏ hoang nhiều năm, lãng phí. |
Xã NTM cũng rơi vào cảnh thiếu nước
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, hiện trên địa bàn huyện có 132 công trình nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, có 60 công trình không còn hoạt động, 51 công trình hoạt động kém hiệu quả. Tại những nơi có công trình cấp nước bỏ hoang, để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, người dân phải tự đầu tư mua ống dẫn bắt nước từ các khe núi về dùng. Do không được lắng, lọc nên những ngày mưa nước đục không sử dụng được. Dẫu biết rằng nguồn nước này không đảm bảo chất lượng nhưng bà con không còn sự lựa chọn nào khác.
Người dân phải tự bỏ tiền mua ống dẫn nước từ các khe núi về sử dụng. |
Được biết, các xã Mường Chiên, Pá Ma Pha Khinh, Chiềng Ơn… là những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) của huyện Quỳnh Nhai. Việc thiếu nước sinh hoạt nhiều năm qua được cử tri phản ánh thường xuyên nhưng chưa được giải quyết.
Theo quy định của Bộ tiêu chí Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, để đạt tiêu chí môi trường, mỗi địa phương phải có ít nhất 60% dân số được sử dụng nước sạch. Do đó, việc thiếu nước sạch sinh hoạt không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân; mà còn ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng NTM.
Trong khi hàng trăm hộ dân phải sử dụng nước từ mó, khe suối, nước mưa thì nhiều công trình cấp nước sạch có chi phí hàng tỷ đồng được dựng lên rồi “đắp chiếu”, không phát huy được tác dụng. Điều này không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước, mà còn mất đi mục đích và ý nghĩa của Chương trình Mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện Quỳnh Nhai về đích huyện NTM. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng huyện Quỳnh Nhai và tỉnh Sơn La cần nhanh chóng vào cuộc, tìm phương án khắc phục các nguyên nhân, tu sửa các công trình để đưa vào hoạt động; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan trong việc để công trình bị bỏ hoang, xuống cấp.