Quyết định bất ngờ của ông Trump - 'quà đặc biệt' với những phần tử khủng bố?

Một đoàn xe quân sự Mỹ tại Syria
Một đoàn xe quân sự Mỹ tại Syria
(PLO) - Nhiều nhà quan sát và cả các quan chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả do quyết định rút quân khỏi Syria và Afghanistan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng đã quyết định rời khỏi bộ máy vì những khác biệt không thể hòa giải với tổng thống.

Quyết định bất ngờ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/12 bất ngờ tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và ra lệnh rút quân khỏi Syria. “Chúng ta đã chiến thắng trước IS. Chúng ta đã tiêu diệt chúng. Chúng ta đã giành lại các vùng đất và giờ là lúc binh sỹ của chúng ta trở về nhà”, Tổng thống Mỹ nói trong một video được đăng tải trên mạng xã hội Twitter. 

Theo một quan chức Mỹ, quyết định của ông Trump được hoàn tất hôm 19/12. Trong tuyên bố tiếp theo được đưa ra vào ngày 20/12, ông Trump nhấn mạnh Mỹ sẽ không còn là “cảnh sát của khu vực Trung Đông”, không nhận được gì mà còn phải đánh đổi những sinh mạng và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ những người.

“Đã đến lúc để cho những người khác chiến đấu”, ông Trump tuyên bố. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ xây dựng một quân đội hùng mạnh nhất trên thế giới và IS sẽ bị tiêu diệt nếu tấn công nước này. 

Mỹ hiện có khoảng 2.000 binh lính ở Syria, hầu hết tham gia nhiệm vụ huấn luyện và tư vấn cho các lực lượng sở tại trong cuộc chiến chống IS. Hầu hết binh sỹ Mỹ đang đóng quân ở phía bắc Syria, một số ít đang ở Al-Tanaf, nằm ở biên giới với Jordan và Iraq.

Trước đó, ông Trump đã bày tỏ hoài nghi về sự hiện diện của Mỹ ở nước này. Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ cho biết muốn đưa binh lính về nước “sớm”. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ông lại tỏ những dấu hiệu cho thấy ông sẵn sàng tiếp tục duy trì binh lính ở Syria trước khi ra tuyên bố cuối cùng vào ngày 19/12.

Giới chức Anh đã lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ, cảnh báo rằng cuộc chiến chống các chiến binh thánh chiến ở Syria chưa kết thúc và IS hiện vẫn là một mối đe dọa dù lực lượng này có thể không chiếm giữ bất kỳ phần lãnh thổ nào.

Theo truyền thông Anh, nước này không được thông báo về quyết định của Mỹ trước khi ông Trump tự công bố. Giới chức Đức ngày 20/12 cũng cảnh báo rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria có thể khiến cuộc chiến chống IS bị tụt lùi, đe dọa những thành quả đạt được ở mặt trận này. 

“Với Taliban, Giáng sinh đã đến sớm” 

Cùng với việc rút toàn bộ quân khỏi Syria, các quan chức giấu tên của Mỹ trong tuần qua tiết lộ rằng ông Trump cũng đang cân nhắc rút số lượng lớn, có thể là một nửa, binh lính khỏi Afghanistan. Động thái này đã khiến các nhà ngoại giao và giới chức Afghanistan bất ngờ.

“Với Taliban, Giáng sinh đã đến sớm. Ai còn nghĩ đến việc đình chiến khi đối thủ chính đã rút đi một nửa số binh sỹ”, một quan chức cấp cao của một phái đoàn ngoại giao nước ngoài ở Afghanistan nói. 

Theo một quan chức Mỹ, việc rút bớt quân khỏi Afghanistan đã được ông Trump “chốt” vào ngày 18/12, cùng ngày với việc ông thông báo với Bộ Quốc phòng về ý muốn rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Syria.

Quyết định của ông Trump có vẻ như được đưa ra sau khi Đặc phái viên hòa bình của Mỹ Zalmay Khalilzad đã có cuộc gặp với đại diện Taliban ở Abu Dhabi hôm tuần qua nhằm thúc đẩy Taliban tham gia đàm phán với Chính phủ Afghanistan. Các nguồn tin cho biết, tại cuộc gặp, 2 bên đã thảo luận về một số vấn đề, trong đó có yêu cầu rút binh lính nước ngoài và ngừng bắn của Taliban.

Các nhà quan sát cho rằng đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump đã không còn đủ kiên nhẫn đối với cuộc chiến kéo dài 17 năm qua của Mỹ cũng như sự giảm dần quy mô can thiệp quân sự của nước này ở nước ngoài.

Mỹ hiện có khoảng 14.000 binh lính ở Afghanistan, bao gồm cả những người làm việc trong phái đoàn của NATO đang hỗ trợ các lực lượng của Afghanistan và những người đang tham gia các chiến dịch chống khủng bố riêng rẽ. Theo thống kê, hơn 2.400 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến tại Afghanistan.

Song, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo rằng việc Mỹ rút số lượng lớn binh lính khỏi Afghanistan sẽ tạo ra những nguy cơ đối với an ninh nước Mỹ, như vụ tấn công ngày 11/9/2001. Cuộc chiến ở Afghanistan được Mỹ khởi động sau vụ tấn công ngày 11/9/2001, đến nay cũng là cuộc chiến ở nước ngoài lâu nhất mà Mỹ can dự.

Các nhà phê bình cho rằng 2 quyết định liên quan đến chính sách đối ngoại được đưa ra cùng lúc của ông Trump về Syria và Afghanistan có thể dẫn tới một loạt những sự kiện khó có thể đoán định trên khắp Trung Đông và Afghanistan thời gian tới. Một số ý kiến cho rằng động thái của ông Trump sẽ khiến Taliban có được chiến thắng về tuyên truyền và chiến thuật lớn mà không phải đưa ra bất cứ nhượng bộ nào.

Những người chỉ trích quyết định của ông Trump cũng lưu ý việc IS đã bùng lên ở Iraq sau khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama rút quân khỏi nước này nhằm chấm dứt việc can thiệp ở nước ngoài do người tiền nhiệm phát động.

Ông Ilan Goldenberg – từng là nhà ngoại giao của Mỹ hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới – cảnh báo về khả năng một nhóm “kế nhiệm” của IS có thể cũng sẽ trỗi dậy trong thời gian tới, buộc Mỹ lại phải thực hiện một vụ can thiệp mới. “Chúng ta sẽ lại phạm phải sai lầm tương tự ở Trung Đông mà chúng ta đã tái đi tái lại trong 20 năm qua”, ông nói.

“Cánh tay mặt” ra đi

Đỉnh điểm của sự bất đồng đối với những quyết định của ông Trump chính là việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis – một trong số ít các quan chức đã phục vụ trong nội các của ông Trump từ khi ông nhậm chức cho đến nay còn tại vị - cũng đã quyết định dứt áo ra đi với lý do quan điểm của ông không còn có thể hòa hợp được với quan điểm của tổng thống.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và các cố vấn quân sự hàng đầu của Mỹ hồi năm ngoái đã thuyết phục ông Trump đưa hàng nghìn binh lính mới tới Afghanistan, nơi số lượng binh lính địa phương bị Taliban sát hại đã lên đến con số kỷ lục và nhóm này  cũng đang giành được quyền kiểm soát nhiều địa bàn lớn. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm đó, ông Trump đã khẳng định ông muốn rút quân khỏi Afghanistan.

Trong bức thư đặc biệt gửi tới Tổng thống, Bộ trưởng Mattis nói rằng ông Trump “có quyền có một Bộ trưởng quốc phòng có quan điểm đồng điệu với quan điểm của ông hơn”, vì vậy, đã đến lúc ông nên rời khỏi vị trí.

Trong thư, ông Mattis ca ngợi vai trò của liên minh chống IS và NATO. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho rằng, nếu không duy trì được các liên minh đó, Mỹ sẽ không thể bảo vệ được các lợi ích của mình hay tiếp tục duy trì được vị thế một đất nước có vai trò không thể thiếu trong thế giới tự do.

“Quan điểm của tôi về đối xử với các đồng minh một cách tôn trọng cũng như việc phải có chính sách rõ ràng với các đối thủ cạnh tranh chiến lược đã được giữ vững và nêu rõ trong 4 thập kỷ qua”, ông nói. Theo Tổng thống Mỹ, ông Mattis sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 2/2019.

Ông Mattis là một tướng quân đội có sự nghiệp lẫy lừng kéo dài suốt 4 thập kỷ qua. Trước khi gia nhập nội các của ông Trump, viên tướng 4 sao này từng là người đứng đầu Bộ chỉ huy trung tâm chỉ đạo các chiến dịch quân sự của Mỹ cũng như giám sát các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Ông đã giữ chức bộ trưởng quốc phòng Mỹ từ khi ông Trump nhậm chức.

Ông này thường được xem là nhân tố có ảnh hưởng đáng kể trong Nhà Trắng. Thái độ và tư duy chiến lược giúp ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sỹ ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trong thời gian trước và cả khi làm việc ở Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ông Mattis bất đồng với ông Trump về hàng loạt các vấn đề, từ Nga tới Iran hay nhận binh lính đồng giới. Hồi tháng 10 vừa qua, ông Trump đã úp mở về khả năng ông Mattis sẽ sớm rời bộ máy của ông. 

Các nghị sỹ Mỹ đã lên tiếng cảnh báo về việc ông Mattis rời Chính phủ Mỹ. Thượng nghị sỹ Marco Rubio – một thành viên của đảng Cộng hòa của ông Trump – tán thành với ý kiến của ông Mattis trong thư từ chức cho rằng rõ ràng Mỹ đang hướng tới một loạt những sai lầm nghiêm trọng về chính sách có thể gây nguy hiểm tới nước Mỹ, làm tổn hại các mối quan hệ liên minh và khiến kẻ thù mạnh lên.  

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.