Quen thuộc với cái danh “bầu Đức”, lại thêm nổi tiếng với danh xưng một trong những “doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á”, nhưng ông Đoàn Nguyên Đức tôi gặp lần này vẫn chẳng khác bao so với cách đây gần 10 năm trước. Vẫn giản dị, vẫn thẳng thắn đến quyết liệt mỗi khi đụng chuyện bức xúc… Và quý nhất, vẫn là cái cốt cách thô tháp dễ gần mà bạn bè hay gọi vui sau lưng là “người nông dân làm giàu”…
Ông bây giờ đã quá nổi tiếng rồi, mặt báo nào cũng thấy đưa tin hay trích dăm câu phát ngôn, khi thì về thể thao, lúc lại chuyện kinh doanh, làm giàu… Có người bảo “giàu vì gạo, bạo vì tiền”, ông có phát biểu nặng lời đâu đó thì cũng vì cái “thế” riêng ấy mà câu nói thêm phần sức nặng. Nhưng nói thế, tức là chưa biết “bầu Đức” – đi qua biết bao năm tháng vẫn là một anh Ba Đức ham đá banh, yêu cái sự làm giàu và lúc nào cũng vội vã đến mức chẳng có thời gian cho những thú vui thường nhật.
Ông Đức bảo, ngay cả khi ông đã gây dựng Hoàng Anh – Gia Lai, thì cái tên “bầu Đức” vẫn được người ta nhắc đến nhiều hơn cả. Là con trai trong một gia đình đến chục mặt con từ Bình Định “du cư” vào đất Tây Nguyên, thời tuổi thơ đói nghèo là thứ ám ảnh và ảnh hưởng ít nhiều đến đường đời sau này của ông. Nhỏ mê đá banh, thì khi có tiền, ông quay ra “nuôi” đội bóng, gây dựng học viện bóng đá để đào tạo nhân tài, thậm chí cả “chơi trội” đưa thương hiệu Hoàng Anh – Gia Lai đến sân Emirates… Thuở cơ hàn đi làm thuê nhiều, thì khi thành ông chủ, ông biết cách ứng xử “vun đắp” để giữ nhân viên, biết tính chuyện “thuê Tây” về quản lý khách sạn chi phí cao gấp mấy lần “ta” nhưng hiệu quả rõ ràng về kinh doanh và thương hiệu…
Những chuyện ấy đã là câu chuyện của lần gặp xưa. Tôi chỉ nhớ, hôm ấy ông mặc cái áo thun xanh nước biển quá đỗi bình thường, nếu không nói là mờ nhạt giữa những con người sang trọng trong cái khách sạn sang nhất nhì Hà Nội. Bắt đầu cuộc phỏng vấn, ông nói “có gì hỏi hết, nói nhanh, chứ chiều tôi lại bay vào rồi”. Vào chuyện, cái giọng ngang tàng, thẳng tuột rất bộc trực chứ không có kiểu nhỏ nhẹ, chặn trước chặn sau như mấy người làm kinh doanh thường “giữ miếng” khi phát ngôn. Nghĩ vui, dẫu là người thành đạt về kinh doanh, cái gốc rễ chất phác vẫn còn đây…
Ông Đoàn Nguyên Đức. |
Gặp lại lần này, “bầu Đức” cũng lại vừa từ phi trường Tân Sân Nhất về, dù không muốn mà câu chuyện vẫn cứ sa vào cái mô-tip quen thuộc về sự bận rộn. Cái đặc điểm mà dân phóng viên truyền nhau hóa ra đúng, cứ về Sài Gòn là Đoàn Nguyên Đức chỉ tiếp khách ở café khách sạn 5 sao hay ngồi bar, không phải vì đam mê gì, mà chẳng qua thường ngày không có thời gian thư giãn giải trí, nên ngồi đó coi như là một cách “la cà” tiêu khiển.
Được Wall Street Journal bình chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á, rồi lại giành giải thưởng quốc tế Ernst&Young - Bản lĩnh Doanh nhân lập nghiệp… Ông có “ngợp” không?
Làm kinh doanh thì chỉ chăm lo kiếm tiền để doanh nghiệp phát triển, chứ tôi không mấy khi nghĩ tới các cuộc bình chọn. Tất nhiên, nằm trong danh sách bình chọn có uy tín của thế giới thì ai cũng tự hào. Tôi thật sự bất ngờ khi mình lại được thế giới để ý đến.
Vậy ông có cho rằng “nhân hiệu” của mình ảnh hưởng lớn đến thương hiệu Hoàng Anh – Gia Lai không?
Tôi nghĩ là có, và cho là ảnh hưởng rất tốt. Bởi Hoàng Anh – Gia Lai xuất phát điểm là doanh nghiệp tư nhân. Khi người đứng đầu doanh nghiệp có uy tín, tất nhiên sẽ làm tăng thêm niềm tin, sự gắn bó của khách hàng và nhân viên đối với công ty.
Cảm nhận của ông về “quyền lực”?
Tôi nghĩ dùng từ quyền lực là hơi thái quá. Hơn nữa, tôi cho rằng, quyền lực luôn đi cùng với áp lực. Tôi chỉ chấp nhận là người giàu nhất thôi (cười)!
Ông có thể “bật mí” tài sản của ông đến thời điểm này?
Khoảng 55% cổ phần, với tổng giá trị tài sản ước khoảng 8.000 tỷ đồng trong tổng giá trị tài sản của Hoàng Anh – Gia Lai (tính đến quý II /2011 trị giá hơn 23.000 tỷ).
Có thể gọi là một gia sản khổng lồ. Khi tiền bạc dư dả, cơ nghiệp vững vàng, ông có nghĩ đến một lúc nào đó “rẽ bước” như những doanh nhân khác: ứng cử đại biểu Quốc hội, hay một chính trị gia…?
Có thể, nhưng bây giờ thì chưa. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, vì thế khát vọng làm giàu vẫn là mục tiêu, hướng đi về phía trước của tôi. Nhắm mắt, mở mắt, trong đầu chỉ nhìn thấy công việc kinh doanh, bởi không chỉ cho tôi mà còn lo cho khách hàng, các nhà đầu tư, gia đình, người thân của hàng ngàn nhân viên…
Thời gian gần đây, người ta đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí cho rằng chính các đại gia cũng khó khăn nợ nần? Ông nói gì về điều này?
Đó là khó khăn chung của toàn cầu. Nhưng mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược, chiến thuật kinh doanh riêng. Ở Hoàng Anh – Gia Lai, ngành bất động sản chiếm đến 50%, nhưng chúng tôi không vì bất động sản đang “bất động” mà gặp khó. Chúng tôi không khó về vốn, chỉ sản phẩm bán chậm mà thôi. Còn các ngành khác vẫn phát triển tốt. Riêng chứng chỉ GDR tại sàn chứng khoán London có tổng tài sản lên đến 25 ngàn tỷ đồng (tính đến 31/8/2011), tương đương với 1,25 tỷ USD đã cho thấy tiềm lực tài chính vững mạnh của Hoàng Anh – Gia Lai.
Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, ông đã có lúc nào rơi vào tình trạng “khủng hoảng” khi đối mặt với các khó khăn chưa?
Khủng hoảng thì không, nhưng hoang mang thì có. Với tôi, đó là giai đoạn cuối 2008, đầu 2009, nền kinh tế thế giới suy thoái… Còn nhớ khi đó, hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của thế giới tuyên bố phá sản, cứ mỗi sáng đọc báo lại thấy tin có 1, 2 doanh nghiệp của Mỹ tuyên bố phá sản hoặc có đơn xin bảo hộ. Còn tại Việt Nam, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh điêu đứng: Thị trường chứng khoán tụt dốc, bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thua lỗ hàng loạt...
Đã có lúc tôi ngồi tưởng tượng những “kịch bản” khác nhau cho Hoàng Anh - Gia Lai. Rồi thì điều chỉnh hàng loạt kế hoạch kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận, thay đổi cơ cấu đầu tư… Nhờ sớm được đặt vào “tình trạng khẩn cấp” mà Hoàng Anh - Gia Lai đứng vững là một trong số những doanh nghiệp sớm thoát ra khỏi khủng hoảng.
Vậy hiện nay, trong khi 50% bất động sản nhắc đến ở trên đang chậm bán, thì Hoàng Anh – Gia Lai tập trung vào lĩnh vực nào, thưa ông?
Có những hướng kinh doanh mới, nhưng gần đây nhất thì chúng tôi tập trung vào hoạt động đầu tư tại Lào. Trong hội nghị Hợp tác đầu tư Việt – Lào mới đây, Chính phủ Lào và Hoàng Anh – Gia Lai đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) 4 dự án lớn với tổng vốn đầu tư của các dự án gần 1 tỷ USD và trao giấy Chứng nhận đầu tư cho dự án thủy điện Nậm Công 2 – 3 tại tỉnh Attapeu.
Ông có thể đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư tại Lào trong thời gian qua?
Tập đoàn Hoàng Anh – Gia Lai đầu tư vào Lào từ năm 2008 đã trở thành một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn nhất và hiệu quả nhất tại Lào. Tháng 11 tới, Hoàng Anh – Gia Lai sẽ tổ chức khánh thành khách sạn 4 sao với 120 phòng; khánh thành và bàn giao bệnh viện 200 giường; bàn giao 1.000 căn nhà và khởi công một số dự án vừa được ký kết tại hội nghị.
Với những dự án đang và sẽ thực hiện tại Lào, Hoàng Anh - Gia Lai góp phần giải quyết việc làm cho người dân hai tỉnh Attapeu và Xê Kông cùng các tỉnh lân cận lên đến 20.000 người trong tương lai (hiện tại khoảng 6.000 người đang làm việc thường xuyên). Dự kiến, khi kết thúc các dự án đầu tư vào năm 2014 thì Hoàng Anh – Gia Lai sẽ tạo ra giá trị kim ngạch xuất khẩu lên đến 400 triệu USD/năm cho hai tỉnh nói trên và đóng góp một nguồn ngân sách mỗi năm lên đến 50 triệu USD.
Xin cảm ơn ông!
Minh Hương (thực hiện)