Khái niệm quyền con người không xa lạ trong dòng chảy của lịch sử pháp luật thế giới. Ngày 10/12/1948, Tuyên ngôn quốc tế về Quyền con người (The Universal Declaration of Human Rights) đã được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua, tại Điều 1 Bản Tuyên ngôn đã thừa nhận như một lẽ rất tự nhiên rằng: “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền” (All human beings are born free and equal in dignity and rights). Theo đó, quyền con người là quyền tự nhiên của nhân loại, được thừa nhận trên bình diện quốc tế.
Cần phải khẳng định rằng, quyền con người và quyền công dân là hai khái niệm khác nhau. Hiến pháp 1992 quy định “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” tại Chương V, trong đó xác định những quyền và nghĩa vụ cụ thể về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Những quyền này của công dân là các quyền hiến định (được quy định cụ thể trong Hiến pháp) và chỉ có thực thể gọi là “công dân” – con người đặt trong vị trí pháp lý về quốc tịch của họ với Nhà nước - mới thuộc đối tượng được Hiến pháp quy định (Điều 17 Hiến pháp 2013: Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam), trong khi đó quyền con người, như đã nói ở trên, là một món quà của tự nhiên, phát sinh ngay khi cá nhân được sinh ra và vẫn tồn tại ngay cả khi bị tước quyền công dân theo quy định của pháp luật (bị tước quyền tự do đi lại và cư trú…).
Trong Bản Tuyên ngôn độc lập được đọc vào ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tuyên bố trước cả thế giới rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Điều 19 Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Quyền con người, theo lẽ tự nhiên đó, có thể cô đọng lại là quyền được sống và được hưởng tự do, hạnh phúc của mỗi cá nhân và “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 14 Hiến pháp 2013).
Như vậy có thể khẳng định rằng, quy định về quyền con người trong Hiến pháp 2013, đặt trong sự so sánh nhất định với Hiến pháp 1992, là một bước phát triển mới trong lịch sử lập pháp của nước ta. Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường (Viện Nghiên cứu lập pháp, Chuyên gia cao cấp Văn phòng Quốc hội) đã nhận định rằng, sự đổi mới này “không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức, về nội dung và hình thức trên cơ sở đổi mới tư duy pháp lý”.
Tuy nhiên, cần nhận thức một cách rõ ràng rằng, quy định về quyền con người trong Hiến pháp 2013 là sự khẳng định lại – thông qua đạo luật gốc của quốc gia - quyền con người, một quyền tuyệt đối tự nhiên và cơ bản đã được khẳng định xuyên suốt trong lịch sử đấu tranh, xây dựng và phát triển của đất nước ta. Hay nói cách khác, sự công nhận quyền con người trong Hiến pháp 2013 không phải là quy định mới, mà thực ra là sự khẳng định lại những thành quả trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà chúng ta đã đạt được trong suốt chiều dài lịch sử.
Một lần nữa, dưới ánh sáng của Hiến pháp 2013, chúng ta, nhân dân của một nước độc lập, tự do, hạnh phúc, tự hào mà tuyên bố rằng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14 Hiến pháp 2013).
* Bài dự thi Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam 2013