Hạn – Mặn kỉ lục sau nhiều năm
Vài năm trở lại đây, miền tây đón nhận nhiều 'kỷ lục' lạ thường của thời tiết và thiên nhiên. Khi vào năm 2016 nơi đây ghi nhận đợt hạn, mặn lịch sử mà 100 năm mới lặp lại thì chính mùa khô năm 2020 đã lại phá vỡ mọi 'kỷ lục' được xác lập trước đó.
Mọi biện pháp trợ giúp chỉ mang yếu tố tình thế và tạm thời, đòi hỏi cần phải có giải pháp sâu rộng, đồng bộ và mang đến lợi ích tập thể lâu dài, đây cùng chính là điều mà vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng nghĩ đến.
Vì thế sau quá trình lắp đặt và chạy thử nghiệm thành công hệ thống lọc nước RO công suất lớn tại công ty Đại Nam, hành trình Chở “Nước ngọt về với miền tây” của đoàn công tác thiện nguyện “Hằng Hữu” chính thức bắt đầu.
Để có nguồn nước sạch cho bà con ông Huỳnh Uy Dũng đã khảo sát và thử nghiệm nhiều lần trước đó |
Hành trình chở nước ngọt về với Miền Tây
Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến hành trình đưa nước ngọt về miền tây là địa bàn xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Nơi ghi nhận tình trạng xâm mặn và thiếu nước ngọt trầm trọng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Thời tiết tháng 3, cái nắng gắt và khô cằn nơi đây tuy khắc nghiệt nhưng không hề làm chậm lại những đôi tay thoăn thoắt của các công nhân đang gấp rút hòa lưới 4km đường ống dẫn nước ngọt từ nhà máy về đến tận nhà dân.
Được nếm trực tiếp dòng nước mát lành ngay tại trụ nước được kết nối trước nhà, bà Võ Thị Trong, ngụ ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông huyện Gò Công Tây tỉnh Tiền Giang không giấu nổi xúc động: “Tôi vui mừng lắm, được biết là vợ chồng ông Dũng và vợ cùng với địa phương lắp đường ống nước về trước nhà, tôi nôn nao mấy nay không ngủ được. Trước đây không có nước phải chạy đi lấy ở cách nhà 10 cây số, nay thì trụ bơm về tới trước cửa, nước ngọt quá trời nên mình rất phấn khởi.”
Bà Võ Thị Trong ngụ ấp Thạnh Phong, xã Yên Luông, Gò Công Tây, Tiền Giang cảm ơn ông Dũng và đoàn đã đem nước ngọt về địa phương mình |
Còn tại địa bàn ấp Bình Khánh, xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang nơi tiếp theo đoàn công tác ghé qua, nhận được sự chào đón nhiệt liệt của bà con từ rất sớm. Lý giải về điều này Ông Đinh Tấn Hoàng – Quyền Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây bộc bạch: “Việc dẫn nước ngọt về sẽ giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm nước của hơn 5 trăm hộ dân tại địa bàn huyện Gò Công Tây, và đặc biệt là ấp Bình Khánh, xã Bình Phú vì đây là địa phương hơn 30 năm qua không có nước sinh hoạt vì thế việc đường ống nước về với bà con lần này trở thành điều hết sức đáng quý và vui mừng”.
Lần đầu có đường ống dẫn nước sạch từ nhà máy về tận thôn ấp, mọi người chả ai bảo ai, họ cứ thế, người góp công, người góp sức chung tay đem nước về xã nhà. Ai bận rộn đồng áng, bưng biềng thì góp 1 ngày công để cùng chính quyền ấp thuê Cobe về đào và dẫn đường ống nước. Ai nông nhàn thì góp sức chung tay, tuy mệt nhọc nhưng trên môi là nụ cười hăng hái vì giờ đây, “nước sạch”... điều tưởng như xa xỉ lại được chảy về đến tận nhà.
Việc có nước ngọt rồi đây sẽ giúp bà con đảm bảo sức khỏe, vệ sinh và phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt cũng như đời sống và sản xuất được thuận lợi hơn. Đoàn công tác do ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng dẫn đầu cũng đã có lời động viên và khuyến khích bà con tăng gia sản xuất, ổn định đời sống lâu dài.
Chiều cùng ngày, đoàn đã có chuyến nghiệm thu và ghi nhận thực tế tại nhà máy lọc nước tại ấp Bình Phú, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre - điạ phương chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt hạn mặn năm nay trên địa bàn tỉnh.
Nếu như năm 2016 - đợt hạn mặn lịch sử, nước mặn "âm thầm" xâm nhập vào những ngày người dân đang đón Tết Nguyên đán thì năm nay chúng đến sớm hơn khoảng 1 tháng gây nên nhiều khó khăn cho người dân trong cả sinh hoạt và sản xuất.
Việc lắp đặt máy lọc nước mặn công suất lớn, với hơn 20m3/1h lắp đặt tại nguồn đã nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt một cách tối ưu hơn. Người dân không còn tình cảnh ngồi chờ đợi từng đoàn cứu trợ về đây chở theo nước sạch... điều này khiến bà con vô cùng phấn khởi. Địa phương cũng đã giải quyết được nhiều mối lo hơn cho bà con để tập trung nguồn lực chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Để kịp thời lắp đặt và đưa vào hoạt động dàn máy lọc nước mặn thành nước ngọt có công suất khoảng hơn 500m3/ngày đêm, đội ngũ kĩ sư và chuyên gia đã làm việc hết công xuất, để hòa cùng niềm vui của bà con tại huyện Giồng Trôm trong ngày mở hệ thống lọc nước sạch.
“Thiết kế, mua vật tư và lắp đặt được thực hiện song song, làm liên tục trong 5 ngày. Xuống dưới này lắp ráp vận hành trong 3 ngày nữa. Nói chung là anh em đã huy động toàn bộ lực lượng, ngưng hết tất cả những công trình xung quanh để tập trung toàn bộ nguồn lực để thành công như ngày hôm nay. Máy này dùng cơ chế khử mặn RO thẩm thấu ngược để khử mặn được với hiệu xuất xử lí là hơn 93% đến 95%. Dùng nước thủy cục của nhà máy này, bơm qua hệ lọc tinh qua con bơm tăng áp nén lên màng RO này, nước sẽ qua dàn này vào bồn chứa để bà con có thể sử dụng ngay”, ông Phan Trọng Tấn – Quản lí, thiết kế kĩ thuật của nhà máy xử lí nước cho biết.
Phát biểu tại buổi ghi nhận thực tế và nghiệm thu hệ thống lọc nước sạch, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết, tham vọng của ông trong thời gian tới là tiếp tục hỗ trợ thêm được nhiều tỉnh thành miền Tây bị ảnh hưởng trong đợt hạn mặn này. Bên cạnh đó tìm ra nhiều giải pháp tối ưu hơn giúp bà con có nhiều nguồn nước sạch chất lượng và an toàn như lọc nước sạch trực tiếp từ đường ống của các nhà máy bị nhiễm mặn, hay nâng cao công suất các hệ thông máy lọc hiện tại để phục vụ tối đa nhu cầu về nước sạch của bà con, không chỉ trong mùa khô hạn.
Hành trình vẫn chưa dừng lại, như ông Dũng và bà Hằng đã nhiều lần chia sẻ trong suốt chuyến đi: “Nơi đâu cần thì Đại Nam tiếp tục” hay như câu nói nổi tiếng của CEO Nguyễn Phương Hằng, chủ tịch quỹ từ thiện Hằng Hữu “Ở đâu có hạn mặn thì ở đó có Bà, có công ty Đại Nam, có Quỹ từ thiện Hằng Hữu”...
"Tôi mua lấy 1 nụ cười
Từ tâm, từ cả tấm lòng thiện lương..."