Quy trình vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Xem xét phê duyệt sau 1 - 2 năm vận hành thương mại

Quy trình vận hành Dự án chỉ được xem xét, phê duyệt sau khi được theo dõi, cập nhật.
Quy trình vận hành Dự án chỉ được xem xét, phê duyệt sau khi được theo dõi, cập nhật.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo cáo Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, UBND TP Hà Nội cho biết, quy trình vận hành khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được xem xét phê duyệt sau khi được thực hiện, theo dõi, cập nhật và có đề xuất điều chỉnh bổ sung trong thời gian khai thác thương mại 1 đến 2 năm.

Bộ GTVT đề nghị chấp thuận kết quả nghiệm thu

Liên quan đến việc đưa vào vận hành khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông (Dự án), báo cáo Hội đồng Kiểm tra Nhà nước (KTNN), tại Văn bản số 5295 /BGTVT-CQLXD ngày 7/6/2021, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Công trình đã được nghiệm thu hoàn thành tuân thủ theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, vận hành thử đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Dự án và nội dung quy định tại Điều 23 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.

Cũng theo Bộ GTVT, một số vấn đề còn tồn tại về chất lượng nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình và đảm bảo công trình đủ điều kiện khai thác an toàn đã được Ban Quản lý dự án đường sắt (QLDA ĐS) xác nhận trong biên bản và kèm theo các giải pháp khắc phục trong thời gian bảo hành công trình.

“Công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, đảm bảo theo đúng công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn Dự án; toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng KTNN theo quy định” - Bộ GTVT nhấn mạnh.

Về kết quả đánh giá an toàn hệ thống, văn bản gửi Hội đồng KTNN, Bộ GTVT giải thích thêm: Tư vấn ACT đã tiến hành đánh giá an toàn hệ thống cho Dự án từ năm 2018 và đã hoàn thiện 13 báo cáo đánh giá, cấp Chứng nhận an toàn hệ thống ngày 05/5/2021. Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Hội đồng KTNN về kết quả đánh giá kèm theo Chứng nhận an toàn do Tư vấn ACT cấp và khẳng định Dự án đủ điều kiện an toàn đưa vào vận hành khai thác.

Báo cáo Hội đồng KTNN, Bộ GTVT lạc quan: Dự án được xác định đã hoàn thành đáp ứng được các tiêu chuẩn, thiết kế, quy định quản lý chất lượng hiện hành. Đồng thời, được đánh giá, cấp Chứng nhận an toàn hệ thống của Tư vấn ACT; đã đủ điều kiện an toàn cho vận tải hành khách theo xác nhận của Tư vấn Ricardo; đã đáp ứng được các yêu cầu theo quy định hiện hành về an toàn phòng cháy chữa cháy, môi trường, đăng kiểm phương tiện, huấn luyện đào tạo.

“Toàn bộ dự án đã được nghiệm thu tổng thể hoàn thành và báo cáo Hội đồng KTNN về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Hội đồng KTNN xem xét, chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư đối với Dự án làm cơ sở tiến hành bàn giao công trình đưa vào vận hành khai thác” - Bộ GTVT kiến nghị.

Hà Nội chưa phê duyệt quy trình vận hành?

Được biết, theo Hợp đồng EPC và quy định áp dụng thì Dự án phải triển khai công tác vận hành thử toàn hệ thống để nghiệm thu hoàn thành theo Tiêu chuẩn GB/T 30013- 2013 (phần quy định về vận hành thử) trước khi đưa vào vận hành khai thác. Và tùy thuộc vào mức độ nghiệm thu nếu còn tồn tại nhỏ không ảnh hưởng đến an toàn chịu lực công trình có thể đưa vào khai thác có điều kiện (giảm một số chỉ tiêu) theo quy định hiện hành.

Trong văn bản báo cáo Hội đồng KTNN nói trên, Bộ GTVT thông tin: Hiện tại Dự án được nghiệm thu hoàn thành và kết quả vận hành thử đã đảm bảo các chỉ tiêu vận hành khai thác theo đúng thiết kế. Theo Bộ GTVT, năng lực tối đa toàn tuyến theo thiết kế là 24 đoàn tàu cùng hoạt động với giãn cách tối thiểu 2,3 phút. Trong khi thiết kế vận hành giai đoạn ban đầu như hiện nay (đầu tư 13 đoàn tàu) với tối đa 10 đoàn tàu hoạt động trên tuyến với giãn cách 6 phút. Điều này đồng nghĩa với việc khi đưa vào khai thác hiện nay cũng chỉ khai thác chưa đến 50% năng lực tối đa theo thiết kế.

Vì vậy, Bộ này khẳng định có thể đưa công trình vào khai thác mà không cần giảm chỉ tiêu nào cho dù vẫn còn một số tồn tại và một số phát hiện được Tư vấn ACT khuyến cáo cải tiến nâng cao trong quá trình khai thác.

Đáng chú ý, ngày 7/7/2021, trong Báo cáo số 2138/UBND-ĐT gửi Hội đồng KTNN về giải pháp khắc phục các khuyến cáo của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống Dự án, UBND TP Hà Nội cho biết: Quy trình vận hành, khai thác (gồm 166 quy trình) đã được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội thống nhất tại Văn bản số 281/TB-VB-BGTVT-VPUBND ngày 30/6/2021.

Cụ thể, theo Hà Nội, quy trình vận hành khai thác Dự án thuộc thẩm quyền của UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, do đây là Dự án thí điểm do Bộ GTVT/Ban QLDA ĐS làm chủ đầu tư, Dự án được thực hiện công nghệ mới theo tiêu chuẩn Trung Quốc, lần đầu tiên được đưa vào vận hành khai thác, chưa được đánh giá một cách toàn diện, quy trình liên quan đến nhiều lĩnh vực, các đơn vị thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt chưa nhiều kinh nghiệm.

Liên quan đến việc phê duyệt quy trình vận hành, văn bản của UBND TP Hà Nội cho biết: UBND TP Hà Nội là đơn vị sử dụng, khai thác, vận hành (giao Metro Hà Nội, trên cơ sở quy trình vận hành khai thác do Tổng thầu EPC lập, Bộ GTVT cũng có văn bản thống nhất chấp thuận 166 quy trình vận hành, khai thác và tiếp tục giao Ban QLDA ĐS, Tổng thầu EPC và Metro Hà Nội, Tư vấn vận hành Metro Bắc Kinh thực hiện, theo dõi, cập nhật, đề xuất điều chỉnh bổ sung trong thời gian 1 đến 2 năm (song song với thời gian bảo hành). Vì thế, sau thời gian này quy trình mới được Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội phối hợp xem xét, phê duyệt.

Trước đó, Tư vấn độc lập ACT (Pháp) đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho Dự án. Tuy nhiên, đi kèm chứng nhận này là 16 khuyến cáo có thể ảnh hưởng tới an toàn khai thác, do khác nhau về tiêu chuẩn giữa châu Âu và Trung Quốc. Hồ sơ dự án cũng đã được chuyển Hội đồng KTNN để kiểm tra, đánh giá. Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể chạy thương mại được hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Hội đồng KTNN về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.