Mức độ ô nhiễm xu hướng tăng
Sở TN&MT cho biết đang triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày trong tháng vào hai thời điểm (7h30 – 8h30 và 15h00 – 16h00). Kết quả quan trắc 9 tháng đầu năm cho ra một số nguyên nhân.
Việc ô nhiễm không khí trên địa bàn TP HCM chủ yếu do bụi lơ lửng và hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn.
Đặc biệt, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc tại Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó vị trí Cát Lái (vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc vượt quy chuẩn cho phép. Nhìn chung mức độ ô nhiễm xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.
Thời gian qua, tình hình ô nhiễm môi trường không khí diễn biến khá phức tạp tại TP HCM, đặc biệt khoảng thời gian từ 18/9 - 25/9/2019 xuất hiện hiện tượng mù quang hóa cản tầm nhìn, ảnh hưởng sức khỏe.
Theo ông Sơn, mù quang hóa là một hiện tượng tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm, đặc biệt các đô thị lớn. Hiện tượng này diễn ra theo chu kỳ vào các thời điểm giao mùa, đặc biệt từ thu sang đông, khoảng tháng 9, 10 hoặc tháng 1 hàng năm, kéo dài 6 – 7 ngày.
Ông Sơn nhận định, trong tháng 10 này, chất lượng môi trường vẫn thấp hơn so với các tháng trước. Sở TN&MT khuyến cáo trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa cần hạn chế ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời.
Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc với sương mù ô nhiễm. Bên cạnh đó tăng cường vệ sinh nhà cửa, đồ vật, vệ sinh cá nhân, hạn chế phơi thực phẩm, hạn chế sử dụng nước mưa…
Quy trình quan trắc “rùa bò”
Thời gian trước đây, thông tin về chất lượng môi trường thường xuyên được cập nhật trên 48 bảng điện tử đặt rải rác trên địa bàn TP. Nhưng gần đây người dân “mỏi mắt” không thấy thông tin nào về các chỉ số môi trường và cảnh báo phòng tránh.
Ông Sơn lý giải: “Trước đây, các bảng điện tử do Sở GTVT phụ trách. Sau đó, Sở TN&MT phối hợp đăng các chỉ số cần thiết về môi trường. Việc quan trắc hiện nay theo phương pháp thủ công gián đoạn, cần có thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu, sau đó Trung tâm quan trắc và trung tâm đường hầm kết hợp với nhau đưa số liệu lên bảng điện tử. Quy trình như thế nên thông tin đến dân chậm trễ, dù Sở đã cố gắng hết sức. Đây là hạn chế mà chúng tôi cần khắc phục thời gian tới”.
Nói cách khác, người dân sẽ tiếp tục chờ đợi được công bố thông tin chậm từ 10 đến hàng chục ngày sau khi ô nhiễm diễn ra, hoặc tiếp tục mò mẫm về thông tin ô nhiễm trên các ứng dụng môi trường mà không biết độ xác thực ra sao.
Về cơ sở vật chất phục vụ quan trắc, ông Sơn chia sẻ, hiện TP đã có đề án phát triển tổng thể mạng lưới quan trắc. Dự kiến năm 2020 TP sẽ đầu tư 9 trạm quan trắc về không khí cũng như nước mặt, nước dưới đất và lún… Sau đó rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện đề án, năm 2030 dự kiến sẽ hoàn thiện với 19 trạm quan trắc, gồm 18 trạm cố định và 1 trạm di động.
Trả lời câu hỏi về độ chính xác của các ứng dụng về chỉ số môi trường từ nước ngoài như Air Visual, ông Sơn cho biết, để thực hiện quan trắc, Bộ TN&MT có ban hành quy trình từ thủ công gián đoạn cho đến phương pháp quan trắc tự động liên tục, phương pháp phân tích mẫu với từng chỉ tiêu cụ thể…
“Hiện Air Visual chỉ đưa ra kết quả chứ chưa đưa ra thông tin về cơ sở dữ liệu, trang thiết bị, quy trình hiệu chuẩn và phương pháp thực hiện, phương pháp lấy mẫu như thế nào? Vì vậy Sở chưa thể đưa ra đánh giá về độ chính xác của các app này, nhưng nhìn chung không tránh khỏi sẽ có sai số vì TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung thời tiết biến đổi thất thường, độ ẩm cao”, ông Sơn nói.
Sáng 9/10, ở hầu hết trang quan trắc như AirVisual, Pam Air, chất lượng không khí Hà Nội ở các điểm đều "xanh", tốt nhất trong nhiều tuần gần đây. Ở trang quan trắc AirVisual, chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) trung bình của Hà Nội là 50, đủ để đạt mức tốt trên thang đo của Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT.
Tương tự, trên trang quan trắc Pam Air, chỉ số AQI cũng ở mức tốt, các điểm thường xuyên ghi nhận AQI cao như Mai Dịch chỉ còn 45, Kim Liên 41.
Theo đại diện của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí cải thiện do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là Hà Nội chịu ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc.
"Thời gian này, Hà Nội nhận được nhiều trận gió to, kết hợp với ảnh hưởng của đợt gió mùa Đông Bắc từ đầu tuần khiến chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không còn lớn như trước, giảm thiểu tình trạng sương mù dày đặc", vị này cho hay.
Theo vị này, thời tiết thuận lợi giúp khuếch tán các chất gây ô nhiễm trong không khí được tốt hơn. Theo đánh giá, chất lượng không khí của Hà Nội sẽ vẫn tiếp tục tốt trong thời gian tới.
Còn theo GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, chất lượng không khí ở Hà Nội tốt chủ yếu do độ ẩm trong không khí tăng đột biến sau các trận mưa.
"Sau các trận mưa lớn vừa qua, thời tiết ẩm thấp hơn, lắng đọng được bụi lơ lửng trong không khí, giảm được nồng độ ô nhiễm. Gió mùa chỉ là nguyên nhân phụ, giúp cho việc vận động không khí dễ dàng hơn", ông Đăng đánh giá.
Theo GS Đăng, không khí ở Hà Nội tốt sẽ chỉ duy trì trong khoảng thời gian giao mùa giữa mùa thu và mùa đông, khi thời tiết chuyển lạnh, người dân nên chuẩn bị cho một đợt không khí kém nữa.
"Thông thường, không khí ở mùa hè tốt hơn so với mùa đông. Mùa đông có nhiều sương mù hơn, sự vận động của không khí lại ít hơn so với mùa hè. Theo tôi, không khí mùa đông năm nay có thể vẫn tiếp tục kém và xấu", ông Đăng nhận định.