Những phát ngôn gây hoang mang
Thời gian qua, diễn viên Angela Phương Trinh khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc khi tuyên truyền, nhồi nhét thông tin "giun đất chữa COVID-19". Những chia sẻ của nữ diễn viên bị cho là thiếu căn cứ khoa học, không đúng đắn, gây hoang mang dư luận. Bởi chưa có bất cứ bằng chứng hay nghiên cứu y học nào khẳng định giun đất có khả năng chữa khỏi COVID-19.
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân, Sở TT-TT TP HCM đã yêu cầu Angela Phương Trinh phải gỡ toàn bộ bài viết liên quan đến việc lan truyền giun đất có khả năng chữa bệnh trên mạng xã hội thời gian qua. Về phía nữ diễn viên, cô cũng nhận sai và rút kinh nghiệm.
Facebook Nguyen Duy Manh - trang chính chủ của ca sĩ Duy Mạnh được cho là có những phát ngôn lệch lạc về chủ quyền, biển đảo quê hương. Điều này dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Trước đó, ca sĩ này từng bị cộng đồng mạng phẫn nộ khi nói chuyện bằng tiếng Việt với một người đàn ông nước ngoài về phụ nữ Việt với những từ ngữ rất phản cảm. Sau khi bị xử phạt, Duy Mạnh khẳng định từ nay sẽ không phát ngôn tùy tiện nữa.
Sở TT-TT TP HCM cũng từng công bố việc xử phạt với những nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng, Hòa Minzy do đưa tin sai về dịch bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự xã hội. Thậm chí, nghệ sĩ Đức Hải còn bị miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn vì phát ngôn không phù hợp trên mạng xã hội.
Quy chế áp dụng cho cả nghệ sĩ tự do
Việc các nghệ sĩ phát ngôn tùy tiện, phản cảm xảy ra đã lâu và nhiều chuyên gia âm lý, văn hóa xã hội đã có ý kiến đóng góp. Luật sư Hồ Thị Diễm Phúc - Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: “Mạng xã hội - nơi nghệ sĩ có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu, lượt theo dõi, càng cần thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội bằng việc kiểm chứng các thông tin trước khi đăng tải. Không được tùy tiện chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến xã hội, càng không được cố tình phát ngôn, đưa thông tin để gây hoang mang cho người khác".
Theo nhà văn Hoài Hương, phát ngôn hay bút đàm trên mạng xã hội đối với cộng đồng phải là một thước đo văn minh, văn hóa của nghệ sĩ. Người của công chúng phải thận trọng và cẩn thận từng chữ từng lời. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”, một lời nói ra thì xem như không có gì có thể lấy lại được. Nhất là thời 4.0 này, mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh như chớp, thì càng phải “uốn lưỡi” không chỉ 7 lần”, nhà văn Hoài Hương nói.
Hiện, Bộ VH-TT&DL đang tổ chức hoàn thiện dự thảo Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ sau khi lấy ý kiến của các Bộ, ngành. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông, Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ là cái khung để nghệ sĩ biết tiết chế, ứng xử có văn hóa với nhau và với khán giả. Quy chế này dành cho cả các nghệ sĩ thuộc các nhà hát của nhà nước lẫn nghệ sĩ tự do. Khái niệm nghệ sĩ tự do ở đây có thể được hiểu là nghệ sĩ không thuộc nhà hát công lập. Họ có thể là thành viên của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác…
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, Quy tắc là khung ứng xử, không phải quy phạm pháp luật. Trong đó, không có điều khoản xử phạt, cấm sóng. Tuy nhiên đây là cơ sở để các bộ, ban, ngành xây dựng những quy tắc riêng cũng như ban hành các định chế riêng để áp dụng với thành viên, hội viên trực thuộc.
Dự thảo Quy tắc ứng xử chung của nghệ sĩ được áp dụng với các hành vi ứng xử của nghệ sĩ trong hoạt động nghề nghiệp, trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội và hoạt động cộng đồng khác. Nội dung bao gồm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp; Quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng; Quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội; Quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.