Mayer Amschel Rothschild là người gây dựng nên đế chế tài chính - ngân hàng khổng lồ của gia tộc Rothschild trước khi qua đời đã đặt ra hàng loạt nội quy, buộc các thành viên trong gia đình phải tuân thủ nhằm đảm bảo về huyết thống và giữ gìn tài sản.
Nghiêm cấm phụ nữ tham gia kinh doanh
Trong di chúc cuối cùng của mình (1812), Mayer Amschel Rothschild đã để lại vợ và các con ông một nội quy bắt buộc của gia tộc. Trong đó ông không cho phép các thành viên nữ trong gia đình mình tham gia vào công việc kinh doanh, ngay cả người con gái của ông là Henrietta (1791-1866), đã từng làm thu ngân cũng không ngoại lệ.
“Tôi sẽ và ra lệnh rằng các con gái và con rể của tôi và những người thừa kế của họ không có cổ phần nào trong việc kinh doanh buôn bán hiện có dưới công ty của Mayer Amschel Rothschild and Sons... Việc kinh doanh của công ty sẽ thuộc về các con trai của tôi. Do đó, không ai trong số các con gái, con rể của tôi và những người thừa kế của họ được quyền yêu cầu nhìn thấy các giao dịch kinh doanh... Tôi sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho bất kỳ đứa con nào của tôi nếu trái với những mong muốn của cha chúng. Con gái chỉ có thể tham gia nếu xảy ra sự việc các con trai của tôi đã không còn mong muốn kinh doanh và bị truy tố vì lợi ích kinh doanh của họ...”.
Tuy nhiên, 24 năm sau, con trai cả của Mayer Amschel là Nathan Mayer (1777-1836), đã để lại một di chúc rất khác biệt cho các con trai của mình: “Người vợ thân yêu của tôi, Hannah... sẽ hợp tác với các con trai của tôi trong tất cả các dịp quan trọng và có một cuộc bỏ phiếu dựa trên tất cả các cuộc tham vấn. Tôi bày tỏ mong muốn rằng họ sẽ không tham gia vào bất kỳ giao dịch quan trọng nào mà trước đó chưa nhận được lời khuyên từ cô ấy.
Và tất cả các con tôi, con trai và con gái của tôi, phải đối xử với cô ấy bằng tình yêu thương thực sự, tình cảm tử tế và mọi sự tôn trọng. Cô ấy xứng đáng ở được như vậy bởi Hannah đã chia sẻ với tôi niềm vui và nỗi buồn trong suốt nhiều năm tuyệt vời, như một người vợ chung thủy, chân thật và giàu tình cảm”.
Tại sao Nathan Mayer lại dám làm trái lời của cha khi cho phép vợ mình tham gia vào kinh doanh và yêu cầu các con của mình phải tuân thủ điều đó? Điều này có lẽ xuất phát từ việc, vợ ông - Hannah Rothschild (1783-1850) được biết đến là một phụ nữ xinh đẹp, đĩnh đạc và quyến rũ. Đặc biệt, bà còn là một người rất thông minh, bộc trực, thẳng thắn và rất nhạy bén trong việc kinh doanh.
Người ta nói rằng, có một lần Đệ nhất Nam tước Moses Haim Montefiore (1784-1885) và Nathan đã thảo luận rất lâu về chủ đề tự do của người Do Thái. Hannah tham gia và nói rằng Nathan nên tham khảo ý kiến của Thủ tướng về vấn đề này. Nếu ông không làm thế và tự mình quyết định thì bà sẽ là người đến tìm Thủ tướng để xin lời khuyên.
Ngày nay, trong một vài lá thư của bà Hannah Rothschild còn sót lại cho thấy được việc bà đã tham gia tích cực vào công việc kinh doanh của gia đình, bất chấp quy tắc mà cha chồng đã đặt ra. Những nội dung trong thư của bà thường có 3-4 chủ đề. Đầu tiên, bà sẽ nói chuyện về sức khỏe của trẻ em và các hoạt động hàng ngày của gia đình và hỏi thăm bạn bè; Thứ hai là tin tức và đánh giá của bà về các vấn đề chính trị và quân sự; Thứ ba, bà sẽ đưa ra những lời khuyên về đầu tư và kinh doanh, và cuối cùng có thể là một vài thông tin về những xáo trộn tài chính của gia đình.
Trong gia tộc Rothschilds đàn ông là những người chủ chốt điều hành công việc kinh doanh. |
Tuy nhiên, từ những năm 1940 trở đi, vị trí của những người phụ nữ trong gia tộc Rothschild đã có nhiều thay đổi. Nhiều người phụ nữ trong gia tộc tham gia mạnh mẽ vào việc kinh doanh và đạt được những thành công nhất định.
Điển hình trong số đó phải kể tới bà Ariane de Rothschild (56 tuổi), phu nhân ông Benjamin de Rothschild - Chủ tịch đương nhiệm kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Edmond de Rothschild Group, một trong số những tập đoàn tài chính - ngân hàng tư nhân lâu đời nhất, có tiếng tăm nhất của Thụy Sỹ.
Từ quá khứ cho thấy việc Edmond de Rothschild bổ nhiệm bà Ariane de Rothschild vào chức CEO lại được coi là hiện tượng phá lệ lớn rất đáng chú ý. Trước hết, Ariane de Rothschild là người không phải gốc Do Thái đầu tiên lãnh đạo một ngân hàng Do Thái thuần chủng. Phá lệ thứ hai cũng là lần đầu tiên, dòng họ Rothschild (6 đời làm chủ ngân hàng) có 1 CEO nữ.
Hôn nhân cận huyết
Với sự lo lắng về việc tài sản có thể bị cướp mất hoặc suy yếu bởi người ngoài gia tộc, Mayer Amschel Rothschild còn sắp xếp, mai mối những cuộc hôn nhân cận huyết cho các con trai và cháu của mình. Dần dần, điều này trở thành một quy tắc nằm lòng của gia tộc Rothschild, giúp tài sản của họ không bị phân tán cho người ngoài.
Trên thực tế, từ năm 1824 đến năm 1877, trong số 36 nam hậu duệ của Rothschild đã có tới 30 người kết hôn với anh em họ của họ, với ưu tiên đầu tiên là dành cho những người có cha là đối tác trong các chi nhánh khác nhau của ngân hàng. Trong đó, việc kết hôn giữa người con thứ năm của Mayer Amschel là James Mayer Rothschild (1792-1868) và cháu gái ruột Betty Rothschild (1805-1886). Betty là con gái của Salomon Mayer Rothschild (1774-1855) là con trai thứ hai của Mayer Amschel và là anh trai ruột của James Mayer.
Việc gia tộc Rothschild cổ vũ và duy trì các cuộc hôn nhân cận huyết có lẽ đã giúp cho các chi nhánh khác nhau của đế chế tài chính Rothschild luôn có sự liên kết vô cùng mật thiết và chặt chẽ. Điều này cũng giúp cho gia tộc của họ ngày càng vững mạnh.
Gia tộc Rothschilds có nhiều cuộc hôn nhân cận huyết. |
Nhà sử học Oxford Niall Ferguson, trong cuốn sách “Ngôi nhà của Rothschild”, đã suy đoán rằng có thể có “gen Rothschild” cho sự nhạy bén về tài chính, vì vậy các cuộc hôn nhân giữa các thành viên trong gia tộc đã giúp duy trì. Có lẽ chính điều đó đã làm cho nhà Rothschild thực sự đặc biệt.
Tuy nhiên, trên thực tế mối quan hệ hôn nhân cận huyết của gia tộc Rothschild không phải lúc nào cũng mang lại những điều tốt đẹp. Năm 1836, Nam tước Lionel de Rothschild của London (Anh) và Charlotte von Rothschild của Frankfurt (Đức) là hai anh em họ đã kết hôn với nhau. Họ đã trở thành cặp vợ chồng giàu nhất nước Anh thời đó vì gia thế hiển hách và giàu có của cả hai bên. Dù vậy, cuộc sống của họ cũng phải gánh chịu nỗi đau khi con gái thứ hai của cặp vợ chồng, Evelina, đột ngột qua đời.
Trên thực tế, việc kết hôn cận huyết không phải là chuyện lạ trong các gia tộc châu Âu ở nhiều thế kỷ trước. Theo nhiều cách, những cuộc hôn nhân đó là sản phẩm của tâm lý vòng vây phòng thủ; người giàu sẽ giữ nguyên tài sản và các giá trị văn hóa của họ. Điều này sẽ giúp các gia tộc ngày càng củng cố quyền lực và của cải.
Cùng với đó, việc lấy những người vợ trong gia tộc sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè. Bởi câu chuyện môn đăng hộ đối vẫn luôn là rào cản hôn nhân trong các gia đình quyền quý xưa nay. Để công nhận tất cả những điều này, hôn nhân cận huyết giữa những người anh em họ đầu tiên đã được hợp pháp hóa ở Pháp và Ý vào năm 1804, theo Bộ luật Napoléon. Từ thực tế xã hội tới tâm lý của những gia tộc quyền quý như Rothschild ta có thể phần nào hiểu được lý do giúp những cuộc hôn nhân cận huyết vẫn được duy trì trong đại gia đình này.