Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động chưa đến 50% số lượng đăng ký
Theo công bố này, số lao động bình quân trên một đơn vị kinh tế thay đổi không đáng kể so với năm 2012 và có sự khác biệt giữa các đơn vị kinh tế và khối hành chính, sự nghiệp. Lao động bình quân một DN giảm từ 32 người xuống 27 người, trong đó DN nhà nước, DN ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/DN. Riêng các DN FDI tăng bình quân 15 người/DN so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ.
Trong khi đó, lao động bình quân của các đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp có sự biến động khác nhau. Cơ quan hành chính thay đổi không đáng kể so với năm 2012, lao động bình quân của các tổ chức chính trị, đoàn thể hiệp hội giảm 2,4% (từ 7 người xuống 6,8 người/đơn vị) trong khi của một đơn vị sự nghiệp tăng 12% (từ 31 người lên 34,7 người/đơn vị). Các cơ sở y tế và đơn vị sự nghiệp hoạt động về kinh tế, môi trường, khoa học công nghệ và sự nghiệp khác có mức tăng cao hơn với lần lượt là 19,5% và 22,3%.
Một điều đáng lo ngại chính là số lượng DN đang hoạt động thấp đến mức đáng lo ngại. Theo công bố, năm 2015 có 94.754 DN mới thành lập, năm 2016 con số này là 110.100, nhưng theo số liệu của TCTK, tính đến 01/01/2017, chỉ có 518.000 DN đang tồn tại và có các hoạt động phát triển kinh tế. Trong số này, lại có 12,8 nghìn DN đang trong giai đoạn đầu tư, chỉ có 505 nghìn DN thực tế đang hoạt động, tăng 55,6% so với Tổng điều tra năm 2012.
Cũng theo số liệu công bố này, khu vực DN ngoài nhà nước có số lượng DN lớn nhất với 500.000 DN, số lượng DN FDI là 14,6 nghìn (tăng với 54,2% so với thời điểm 01/01/2012 và là lượng tăng mạnh nhất trong các loại hình DN).
Xét theo qui mô lao động, tại thời điểm 01/01/2017 cả nước có hơn 10 nghìn DN lớn (chiếm 1,9% tổng số DN). DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số DN. Đáng chú ý là tỷ trọng các DN vừa và nhỏ tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012 trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy qui mô DN đang nhỏ dần.
Quy mô doanh nghiệp giảm dần có đáng lo ngại?
Lý giải về tình trạng quy mô DN có xu hướng nhỏ dần, ông Tạ Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp cho rằng, DN nhỏ và vừa (DNNVV) tăng, DN quy mô có xu hướng nhỏ dần, số lượng DN lớn giảm là do đất nước mới thoát khỏi nghèo vài năm, vẫn đang trong quá trình phát triển nên xu hướng này là bình thường.
Ông Thúy khẳng định: “Hiện nay nguồn lực về con người, vốn, khoa học kỹ thuật cũng như trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh thấp, năng suất chất lượng lao động của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực, thấp hơn cả Lào, Campuchia và trên thế giới. Tuy nhiên, trong tương lai xu hướng này vẫn phù hợp vì chúng ta không thể phát triển vượt bậc được do không đủ mọi nguồn lực để có thể đuổi theo được các DN có quy mô chuỗi toàn cầu”.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cũng đồng tình với quan điểm của ông Thúy khi cho biết, quy mô DN giảm là hiện tượng khách quan của mọi nền kinh tế đang phát triển. Hiện nay, số lượng DNNVV đăng ký lên đến trên 1 triệu nhưng số lượng hoạt động chỉ vào khoảng 577 nghìn. Ông Cương cho rằng, nếu so sánh số lượng DNNVV của Việt Nam với các nền kinh tế phát triển thì số lượng DNNVV vẫn còn quá thấp, ví như ở nước Mỹ, trong 29 triệu DN thì có hơn 22 triệu DN chỉ 1 chủ.
Ông Cương khẳng định, nếu chia trung bình, quy mô DN sẽ tiếp tục giảm nhưng phù hợp với xu thế khách quan. Vấn đề đáng lưu ý ở Việt Nam chính là số lượng DN bình quân trên dân số khá thấp, với chỉ khoảng 490 dân/DN, trong khi đó số trung bình này ở các nước APEC là 30 người/DN; thậm chí có nước số trung bình ở mức 20 người/DN.
Kinh tế phi pháp đã xuất hiện trong GDP?
Cũng trong buổi công bố sơ bộ số liệu tổng điều tra kinh tế 2012-2017, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện Chính phủ đặt vấn đề cần phải đánh giá tính toán đóng góp của khu vực kinh tế phi chính thức và TCTK cũng đã hoàn thành một số nội dung trong nhiệm vụ này.
Ông Lâm thông tin, khu vực kinh tế phi chính thức chỉ là một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát, bao gồm: kinh tế ngầm, phi pháp, phi chính thức, hộ gia đình tự sản tự tiêu và khu vực bị bỏ sót. Trong 5 thành tố này, TCTK đã thu thập xử lý 3 thành tố: phi chính thức (là các hoạt động không đăng ký kinh doanh hoặc xe ôm, bán hàng online…); hộ gia đình tự sản tự tiêu và các khu vực bị bỏ sót do hoạt động thống kê.
Riêng hoạt động kinh tế ngầm và phi pháp không thể thu thập được nhưng sẽ phải trao đổi với các bộ, ngành xem các hoạt động nào có thể thu thập. Tuy nhiên, dù các hoạt động kinh tế ngầm, phi pháp không thể quan sát được ở khu vực sản xuất nhưng cũng đã đóng góp cho GDP vì thu nhập được từ nguồn này cũng đã được mang ra cho các hoạt động như đầu tư, tiêu dùng, dịch vụ, tích lũy...