Tiếp tục đà tăng trưởng
Kết quả kinh tế - xã hội (KT-XH) khá ấn tượng trong năm 2018 tiếp tục được duy trì trong quý đầu của năm 2019 khi GDP quý I đạt 6,79%. Theo Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, mức tăng trưởng này thấp hơn so với quý I/2018 và kịch bản ban đầu của Chính phủ, song vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009-2017.
Trong “bức tranh” sáng màu đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá (2,68%); tuy vẫn bị hạn chế bởi dịch tả lợn châu Phi; và xuất khẩu thủy sản đối mặt với cạnh tranh lớn hơn từ các quốc gia khác. Khu vực công nghiệp - xây dựng đạt tăng trưởng giá trị gia tăng ở mức 8,63%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,5%.
Một loạt các chỉ tiêu KT-XH cũng góp phần điểm tô cho “bức tranh” kinh tế quý đầu tiên của năm như: CPI bình quân tăng 2,63%; Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay được giữ ổn định; Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%; Tổng giá trị xuất khẩu tăng 5,3%; Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 381 nghìn tỷ đồng, bằng 27,0% dự toán cả năm 2019, tương đương 34,1% GDP…
“Kết quả cập nhật dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88% Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%...”- Báo cáo của CIEM đưa ra dự báo.
Tuy nhiên, theo ông Dương, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong các quý II-IV để đạt mục tiêu cả năm 2019. “Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tiềm năng – thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP – vẫn tiếp tục suy giảm. Đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh (MTKD) nói riêng…” - Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM nhận định.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, sau những kết quả KT-XH khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019, hướng tới hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả giai đoạn 2016-2020. “Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhận diện không ít khó khăn, thách thức để hiện thực hóa kỳ vọng ấy, đặt trong bối cảnh kinh tế quốc tế ngày càng bất định và dư địa cho chính sách kinh tế vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không còn nhiều…”.
Cải cách… làm khó thêm (!?)
Nhận định tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 có nguyên nhân quan trọng từ cải cách thể chế, MTKD và đà tăng trưởng này được nối tiếp sang quý I/2019, song bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban MTKD và năng lực cạnh tranh, CIEM, tỏ ra lo ngại khi trong quý I chưa có cải cách nào đáng kể.
Cụ thể, về cải các điều kiện kinh doanh (ĐKKD), danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư đề xuất bãi bỏ 22 ngành nghề, sửa đổi 4 ngành nghề và bổ sung 3 ngành nghề (để thống nhất với Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Báo chí) nhưng hầu hết các Bộ chưa có đánh giá về mức độ chuyển biến thực chất và hiệu quả thực thi các cải cách về ĐKKD cũng như chưa có kế hoạch rà soát, cắt giảm ĐKKD (ngoại trừ Bộ Tài chính, nhưng mới chỉ dừng lại ở kế hoạch), một số Nghị định về ĐKKD sửa riêng từng Nghị định chưa được ban hành (Bộ GTVT, Bộ Tài chính…).
Trưởng ban Ban MTKD và năng lực cạnh tranh, cũng tỏ ra hoài nghi liệu các cải cách có thực chất và có hay không bệnh thành tích trong các số liệu báo cáo? “Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện. Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển KT-XH phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và thực hiện đầy đủ” - bà Thảo lo ngại.