Tăng cao kỷ lục…
Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,7%. Đây đều là những mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây của từng ngành. Theo Tổng cục trưởng TCTK ông Nguyễn Bích Lâm,, chính những điểm sáng này đã làm nên bức tranh kinh tế quý I đầy khởi sắc.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng cao, ông Lâm cho rằng đó là việc tiếp tục đà tăng của 6 tháng cuối năm 2017 và điều quan trọng, quý I/2018, yếu tố mùa vụ không ảnh hưởng đến kết quả kinh tế đầu năm.
Ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Bộ KH&ĐT) phân tích: Quý I của các năm trước đây, kinh tế Việt Nam luôn bị ảnh hưởng mạnh bởi sản xuất nông nghiệp (vì mức tăng rất thấp) nhưng năm 2018, sau 13 năm khu vực nông lâm thủy sản lại đạt con số tăng trưởng trên 4%,. Ngoài ra, tăng trưởng GDP quý I còn được đóng góp của ngành Công nghiệp Chế biến chế tạo với mức tăng 13,56% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây) và khu vực du lịch, tuy không ấn tượng nhưng mức độ lan tỏa rất cao...
Một yếu tố cũng cần phải nhắc đến là ngành Công nghiệp Khai khoáng, sau năm 2017 tăng trưởng âm 8% đã bật lên tăng trưởng 0,4%; Tiêu dùng dân cư cũng tăng trưởng tốt khi có 30 tỉnh, TP báo cáo mức tiêu dùng được cải thiện, 31 tỉnh, TP đánh giá đời sống ổn định, chỉ có 2 tỉnh báo cáo xu hướng tiêu dùng giảm nhẹ. Trong đó, tình hình sử dụng điện tăng cao, các ngành nông nghiệp, công nghiệp và thương mại khách sạn đều tăng trên 10%, tiêu dùng dân cư tăng 6%.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Bộ KH&ĐT) khẳng định, đóng góp của DN FDI vào GDP là không thể bàn cãi khi quý I năm nay đạt 13,9% (trong khi năm 2017 chỉ đạt 7,8%). Ông cho biết thêm, năm 2010 khối FDI chỉ đóng góp khoảng 9% nhưng năm 2018 đã tăng lên hơn 17%...
… nhưng sẽ giảm dần trong các quý sau?
Dù mức tăng trưởng quý I cao kỷ lục nhưng Tổng cục trưởng TCTK vẫn cảnh báo “để đạt được mức tăng trưởng 6,7% như Chính phủ kỳ vọng vẫn đầy thách thức”. Bởi các năm trước, số liệu thống kê cho thấy, GDP quý sau đều cao hơn quý trước nhưng năm 2018 yếu tố mùa vụ không còn ảnh hưởng nhiều nên chắc chắc câu chuyện quý sau cao hơn quý trước sẽ khó có thể đạt được nếu Chính phủ, các bộ ngành không nỗ lực, không chỉ đạo các giải pháp kiên quyết, cụ thể.
Thêm một lý do nữa khiến cho GDP năm 2018 sẽ không dễ đạt được dù kết quả quý I rất khả quan, theo ông Phạm Ngọc Thúy chính là kim ngạch xuất khẩu. Trong đóng góp lớn của giá trị công nghiệp chế biến chế tạo vào GDP quý I, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng linh kiện và điện thoại tăng 58,8% so với năm trước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tỷ trọng xuất khẩu của quý I với mức xuất siêu 1,3 tỷ USD. Do đó, dư địa tăng trưởng của các quý sau sẽ nhỏ hơn, dự đoán quý 2 sẽ tiếp tục tăng nhẹ nhưng quý 3,4 sẽ chậm lại.
Ngoài những lý do chủ quan của nền kinh tế Việt Nam như đã dẫn, theo TCTK, năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong đó đáng lo ngại nhất là chính sách cải cách và giảm thuế của Mỹ sẽ tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đây được đánh giá là đợt cắt giảm thuế lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay, điều này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước Mỹ nhưng sẽ tác động không thuận đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, khiến cho những thách thức để đạt được GDP như Quốc hội đã giao càng trở nên khó khăn hơn.