Quy hoạch vùng cần tạo không gian sáng tạo, kết nối giữa các địa phương

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ 2.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ lần thứ 2.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ lần thứ 2 với chủ đề Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra tại Đà Nẵng ngày 11/10.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với vai trò Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan lập quy hoạch vùng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển; giúp “mở đường”, tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.

Để làm được điều đó, quy hoạch cần có cách xác định để lựa chọn các địa phương có điều kiện tự nhiên tương đồng, có thể hỗ trợ và phát huy thế mạnh lẫn nhau. Vì vậy, việc xác định các tiểu vùng là yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng cần xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch lần lượt, ví dụ như ưu tiên các dự án có tính động lực của vùng, tạo ra sự lan tỏa và kết nối thay vì đầu tư dàn trải như hiện nay.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thảo luận và cho ý kiến về nội dung quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thảo luận và cho ý kiến về nội dung quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "khúc ruột" của Tổ quốc, là "cửa ngõ" ra biển cả và "bệ đỡ" cho các tỉnh Tây Nguyên. Với chiều dài bờ biển gần 1.800 km, chiếm hơn 55% bờ biển cả nước và nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn, nên vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, đây là vùng đất có truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, rất anh hùng, vẻ vang, nơi sản sinh ra biết bao các anh hùng, hào kiệt, đã làm rạng danh lịch sử nước nhà.

Trong giai đoạn vừa qua, toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2020 bình quân 7,3%/năm, cao hơn tốc độ tăng cả nước cùng giai đoạn (6,36%/năm). Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 đạt 1.157 nghìn tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tuy thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít để phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đó là: có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn, sáng tạo, bền vững và bao trùm; các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch chuỗi cung ứng tới Việt Nam; tiềm năng đón khách du lịch quốc nội và quốc tế ngày càng tăng sau đại dịch COVID-19; cũng như cơ chế, chính sách từ TW giúp thúc đẩy các nền tảng hạ tầng cho phát triển.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tham vấn, lấy ý kiến của các thành viên, ủy viên của Hội đồng điều phối vùng, các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản dự thảo Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, quy hoạch sẽ tạo động lực phát triển nếu được định hướng đúng và đủ nhưng ngược lại kìm hãm sự phát triển nếu làm vội vàng. Theo ông Thanh, dự thảo quy hoạch này cần nêu bật được những đột phá để thu hút được các nguồn lực cho vùng. Ví dụ, tại Quảng Nam đã hình thành khu công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và các ngành phụ trợ liên quan, quy hoạch cần nêu rõ định hướng phát triển, liên kết, tính lan tỏa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu...

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, trong 3 năm qua, các địa phương đã dành rất nhiều thời gian cho quy hoạch, vì nếu không có quy hoạch thì sẽ không thể triển khai các công việc tiếp theo, vì làm mà chưa có quy hoạch thì vi phạm quy định.

Đối với dự thảo lần 2 quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tư vấn chưa làm việc với địa phương nên quy hoạch khó đảm bảo tính khả thi.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, để hoàn thành quy hoạch vùng phải lấy ý kiến của 28 Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong quy hoạch. Nếu quy hoạch không cập nhật quy hoạch tỉnh thì khi quy hoạch vùng được phê duyệt, quy hoạch tỉnh - quy hoạch cấp thấp hơn phải điều chỉnh lại. Lúc đó tỉnh lại quay lại điều chỉnh thì rất mất thời gian. “Đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật đầy đủ quy hoạch tỉnh đã và đang chờ phê duyệt”, ông Minh nói.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận các ý kiến thẳng thắn, cụ thể cũng như những kiến nghị về cơ chế, chính sách, ưu tiên đầu tư phát triển cho từng địa phương, tiểu vùng cả trước mắt và lâu dài.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về quy hoạch vùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về quy hoạch vùng.

Theo Phó Thủ tướng, quy hoạch vùng không phải là phép cộng của các tỉnh mà phải đưa ra những thông tin mang tính phương pháp luận một cách rõ ràng, nêu bật được tầm quan trọng của vùng. Quy hoạch vùng phải lựa chọn những vấn đề các địa phương trong vùng quan tâm, lựa chọn. Đồng thời, quy hoạch cần xác định rõ nhiệm vụ lâu dài, linh hoạt và sáng tạo, tạo ra sự phát triển, không gian sáng tạo, kết nối giữa các địa phương, cả vùng và liên vùng. Các tiêu chí để quy hoạch vùng cần dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các địa phương.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, đây là vùng trọng yếu do vậy kinh tế là ưu tiên nhưng vấn đề quốc phòng – an ninh cũng cần được quan tâm. Đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đơn vị tư vấn tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch vùng.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.