Quy hoạch Thủ Đô: Mở ra giai đoạn phát triển mới

Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. (Ảnh: Quochoi.vn)
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. (Ảnh: Quochoi.vn)
(PLVN) - Để thực hiện được các mục tiêu phát triển rất cao đề ra, bản thân Quy hoạch Thủ đô đã xác định rõ những nguồn lực trong thời gian tới, như đất đai, văn hóa, con người, nguồn lực về tài nguyên số.

Kỳ vọng giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết

Hiện nay, TP Hà Nội có 2 quy hoạch đang được lập đồng thời, đó là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) được thực hiện theo Luật Quy hoạch và Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô) thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị. Đây là 2 Quy hoạch quan trọng, mở ra giai đoạn mới phát triển Thủ đô. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Tại Kết luận này, Bộ Chính trị giao cho TP Hà Nội lập các quy hoạch với “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.

Theo quy định, chỉ có Quy hoạch của Thủ đô Hà Nội cần Quốc hội (QH) cho ý kiến trước khi Thủ tướng phê duyệt. Vừa qua, QH đã cho ý kiến về 2 Quy hoạch. Qua thảo luận, nhìn chung, các đại biểu QH đánh giá cao cách lập quy hoạch và chất lượng của 2 Quy hoạch. Nhiều đại biểu cho biết rất ấn tượng với 2 Quy hoạch này. Các đại biểu thống nhất 2 Quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô cả trước mắt và lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Quy hoạch Thủ đô có nhiều đổi mới với tư duy hết sức đột phá, như quan điểm định hướng phát triển TP quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết các vấn đề về môi trường nước. “Quy hoạch đã cơ bản xem xét từ các vấn đề gọi là “điểm nghẽn” lớn hiện nay của TP như ngập úng hay môi trường, giao thông, đô thị, an ninh nguồn nước…”, Bộ trưởng khẳng định.

Một số điểm khác biệt của Quy hoạch so với các quy hoạch khác được chỉ ra là đã chú trọng đến các vấn đề về văn hóa, về di sản; đã thể hiện được định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội là TP kết nối toàn cầu, ngang tầm với thủ đô của các nước phát triển trong khu vực và thế giới về mọi lĩnh vực; tiếp cận với các xu hướng mới về phát triển xanh hay kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. (Ảnh minh họa: VGP)

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại. (Ảnh minh họa: VGP)

Về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, nêu bật một số nội dung mới của Đồ án, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho hay, nội dung Đồ án đã xác định rõ các chương trình, dự án trọng tâm, đột phá. Đó là, tập trung làm rõ mối liên hệ, vai trò, vị trí mối liên kết vùng của Hà Nội để tập trung, chia sẻ chức năng của Thủ đô Hà Nội đối với các địa phương trong vùng để bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong vùng. Đồng thời, phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để cải tạo, tái thiết đô thị, tập trung xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, khai thác hạ tầng giao thông công cộng và đầu tư tập trung. Về hạ tầng, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, Đồ án đã xác định phát triển Cảng hàng không thứ 2 trong vùng Thủ đô; thể hiện tập trung cải thiện môi trường cho Thủ đô Hà Nội…

Lập Quy hoạch đã khó, thực hiện còn khó hơn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra rằng, vấn đề tổ chức thực hiện Quy hoạch là rất quan trọng, “lập ra có thể khó nhưng thực hiện được còn khó hơn rất nhiều”. Nêu cụ thể về vấn đề nguồn lực, Bộ trưởng cho biết, theo tính toán, cần khoảng 40 tỷ USD để xây dựng hệ thống đường sắt của Hà Nội. “Chúng ta huy động và thực hiện tính cả năm nay nữa thì có 11 năm. Vậy, cơ chế nào, nguồn lực nào, tổ chức thực hiện như thế nào để chúng ta làm được? Nếu không thì Quy hoạch chỉ là định hướng về tương lai, là kỳ vọng chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được. Đây là vấn đề lớn, là vấn đề khó”, Bộ trưởng khẳng định.

Về nội dung này, theo TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội, với tâm thế xác định việc lập quy hoạch là quy hoạch cho Thủ đô của một nước Việt Nam phát triển nên nội dung của Quy hoạch Thủ đô đã thể hiện khát vọng phát triển của Thủ đô, của chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Quy hoạch xác định rõ, trong giai đoạn tới, TP Hà Nội sẽ phát triển trở thành TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, TP toàn cầu. Do đó, các mục tiêu phát triển của Hà Nội cũng rất cao. Cụ thể, Quy hoạch Thủ đô xác định, trong giai đoạn 2021 - 2030, GRDP bình quân dự kiến khoảng 8,5 - 9,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 13.500 - 14.000 USD/người.

Để đạt được mục tiêu này, Quy hoạch Thủ đô dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư của toàn TP giai đoạn 2021 - 2030 là từ khoảng 8,8 đến 9,5 triệu tỷ đồng, trong đó chia phân kỳ giai đoạn đến năm 2025 là khoảng 3,2 triệu tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 5,69 đến 6,24 triệu tỷ đồng. Trước những ý kiến băn khoăn về vấn đề nguồn lực để triển khai thực hiện Quy hoạch, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng nhấn mạnh: “Với mục tiêu, khát vọng như đề ra thì xác định cần đầu tư rất nhiều. Đây là con số rất lớn nhưng phải như vậy thì mới phát triển được Thủ đô theo mong muốn”.

Nhiều nguồn lực có thể khai thác

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội cho hay, trong Quy hoạch Thủ đô, TP Hà Nội đã xác định rằng, để thực hiện được Quy hoạch cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, ngay trong Quy hoạch cũng đã xác định Quy hoạch sẽ tạo ra những nguồn lực để phát triển. “Bên cạnh những nguồn lực truyền thống như đất đai, vốn thì trong Quy hoạch Thủ đô đã xác định một số nguồn lực dù không phải là mới nhưng sẽ được làm mới như nguồn lực về văn hóa. Trước đây, chúng ta mới chú trọng vấn đề bảo tồn thì trong giai đoạn tới, chúng ta sẽ chú trọng đến văn hóa, đây sẽ là nguồn lực rất mới để phát triển. Đặc biệt, TP Hà Nội đã có Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa”, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay.

TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội. (Ảnh: PV)

TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội. (Ảnh: PV)

Các nguồn lực khác được chỉ ra là nguồn lực về con người. Theo đó, Thủ đô là nơi hội tụ nhân tài, đây cũng là nguồn lực trong giai đoạn tới chúng ta sẽ khai thác. Hoặc nguồn lực về tài nguyên số, hiện nay, TP Hà Nội đang đi đầu trong phát triển hạ tầng số, ứng dụng số trong hoạt động phát triển. Bên cạnh đó là các nguồn lực về đất đai, vốn sẽ tiếp tục được khai thác. “Đặc biệt, khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua sẽ có nhiều cơ chế, thể chế mới để TP Hà Nội có thể khai thác như khai thác tiền thu từ đất đai, thuế phí theo quy định mới, hay như quy hoạch đô thị theo mô hình TOD cũng sẽ tạo ra những nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội chỉ ra.

Theo TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng, dự kiến, 2 Quy hoạch sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 7 này. Trong giai đoạn tới, ngay sau khi trình Thủ tướng, TP Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch rất cụ thể để triển khai 2 Quy hoạch này, phân công rõ trách nhiệm, rõ công việc cho từng đơn vị, cơ quan; đồng thời cũng xác định rõ nội dung ưu tiên để phát triển và những giải pháp cụ thể cho từng nội dung đó để có thể thu hút được đầu tư, phát triển trong thời gian tới.

“Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng với Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đã tạo ra nền tảng pháp lý và kế hoạch phát triển đồng bộ, giúp thúc đẩy phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của Thủ đô. Điều này sẽ thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; quản lý và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội; định hướng phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và các dịch vụ công cộng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô và cải thiện chất lượng sống của người dân… tạo nên một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới. Đó cũng là giấc mơ của không chỉ riêng tôi, các đại biểu QH Hà Nội, người dân Thủ đô, mà còn cả Nhân dân cả nước!”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...