Chốt và trả sổ BHXH cho NLĐ
Bạn đọc từ email manh5574@gmail.com hỏi: Tôi đã làm cho công ty (Cty) cũ của tôi được 3 năm, có ký kết HĐLĐ đầy đủ. Vừa qua, Cty khó khăn đã cho 1 số nhân viên nghỉ trong đó có tôi, nhưng phía Cty không có quyết định nghỉ việc và cũng không có thông báo chính thức mà chỉ trao đổi qua quản lý. Đến nay đã được hơn 1 tháng nhưng khi tôi yêu cầu Cty chốt và trả sổ BHXH thì bên phía Cty không phản hồi và cũng không có bất kỳ động thái nào để giải quyết cho chúng tôi. Cty hiện đã hoạt động bình thường chứ không hề tuyên bố giải thể cũng như phá sản. Vậy tôi có thể gửi đơn khiếu nại cho ai và cơ quan nào để giải quyết giúp tôi sự việc trên?
- Giải đáp về vấn đề trên, BHXH TP. Hà Nội cho biết, căn cứ quy định tại khoản 2, 3 Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 thì NSDLĐ có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà NSDLĐ đã giữ lại của NLĐ chậm nhất không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ.
Như vậy, khi nhân viên nghỉ việc thì công ty phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH chốt thời gian đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN trên sổ BHXH và trả sổ BHXH cho NLĐ. Trường hợp sau khi chấm dứt HĐLĐ, Cty không thực hiện nghĩa vụ trả sổ BHXH cho NLĐ thì căn cứ quy định tại Điều 118, 119 Luật BHXH năm 2014, NLĐ có thể thực hiện các biện pháp sau:
Trước hết, NLĐ có thể gửi đơn khiếu nại lần đầu đến Giám đốc của Cty để được giải quyết. Trong trường hợp, Cty không giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết nhưng NLĐ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì NLĐ có thể gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính.
Trong trường hợp NLĐ nhận định rằng không thể thực hiện khiếu nại đối với việc không trả sổ BHXH hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nơi Cty đặt trụ sở chính yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật để can thiệp giúp đỡ quyền lợi chính đáng của mình.
Thủ tục xin cấp lại sổ BHXH
Bạn đọc từ địa chỉ email wuanthehd@gmail.com hỏi: Tôi làm việc tại Cty A và tham gia đóng BHXH từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2012 tại BHXH Quận Hoàng Mai. Sau đó tôi nghỉ việc tại Cty này và chưa thực hiện chốt sổ hay lấy sổ BHXH về. Tháng 3/2016 tôi làm việc tại Cty B và tham gia đóng BHXH tại BHXH quận Thanh Xuân từ đó đến nay. Hiện tôi quay lại Cty A để lấy sổ BHXH, nhưng Cty A nói đã bị thất lạc. Vậy tôi cần phải làm những thủ tục gì, nộp ở đâu để được cấp lại sổ BHXH và được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.
- Về thủ tục gộp sổ BHXH, BHXH TP Hà Nội cho biết, căn cứ tiết c Điểm 1.1 khoản 1 Điều 31 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN, quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định: về thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng, gộp sổ BHXH gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
Căn cứ khoản 33, khoản 34 Điều 1 tại Quyết định 505/QĐ-BHXH ngày 27/3/2020 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung tiết c Điểm 1.1 khoản 1 Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì các trường hợp cấp lại, gộp sổ, điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT; cộng nối thời gian nhưng không phải đóng BHXH: kê khai hồ sơ theo quy định tại Điều 27 và nộp hồ sơ như sau: “Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH”. “Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH: nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc”.
Như vậy, theo quy định trên, trường hợp của bạn bị mất sổ BHXH, thành phần hồ sơ yêu cầu kê khai tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH đề nghị cấp lại sổ BHXH do mất theo quy định.