Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh đã nêu lên một số vướng mắc trong thực tế triển khai Nghị định số 23/2015/NĐ-CP. Cụ thể, tại một số địa phương hiện nay có tình trạng lợi dụng quy định tại Điều 24, Nghị định này về việc cho phép chứng thực chữ ký trên giấy uỷ quyền để nhận uỷ quyền của người dân rồi đi kiện thay trong các vụ tranh chấp về đất đai, nhà cửa. Từ đó xuất hiện nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người dân uỷ quyền các vấn đề đơn giản, không phát sinh thù lao (như nhận hộ lương hưu, nộp thay một số giấy tờ hành chính, trông nom nhà cửa, trẻ em...) thì cho phép chứng thực chữ ký trên giấy uỷ quyền.
Về nội dung này, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp băn khoăn vì thực tế nhiều trường hợp việc uỷ quyền trông nhà không có thời hạn rõ ràng hoặc nhà có nhiều tài sản giá trị thì khi đó việc uỷ quyền không còn là vấn đề đơn giản nên chứng thực chữ ký trên giấy uỷ quyền sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Do vậy, dự thảo Thông tư cần quy định rõ những trường hợp được chứng thực chữ ký đối với Giấy uỷ quyền theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Liên quan tới trách nhiệm của UBND cấp xã khi thực hiện hợp đồng, giao dịch, dự thảo Thông tư sẽ quy định và hướng dẫn rõ theo hướng UBND cấp xã phải thực hiện đúng quy định pháp luật về công chứng, chứng thực và pháp luật có liên quan đồng thời tuyên truyền, giải thích cho tổ chức, cá nhân hiểu rõ sự khác nhau và hệ quả pháp lý giữa công chứng và chứng thực. Trường hợp hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp, tiềm ẩn rủi ro cho các bên thì UBND cấp xã hướng dẫn người yêu cầu lựa chọn công chứng hợp đồng, giao dịch tại tổ chức hành nghề công chứng. Cho ý kiến về vấn đề này, hầu hết đại diện các đơn vị tham dự cuộc họp đều bày tỏ đồng tình song vẫn tỏ ra băn khoăn về khả năng nắm bắt thông tin biến động về đất đai của UBND cấp xã vì hệ thống thông tin về đất đai của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập.
Một nội dung khác nhận được nhiều sự quan tâm tại cuộc họp đó là việc hợp pháp hoá giấy tờ, văn bản trước khi yêu cầu chứng thực bản sao hoặc dịch để chứng thực chữ ký người dịch được quy định tại Điều 20, Nghị định 23/2015/NĐ-CP. Thông tư số 20/2015/TT-BTP chỉ mở rộng việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự đối với một số giấy tờ, trong đó có văn bằng, chứng chỉ, bảng điểm. Tuy nhiên thực tế hiện nay xu thế học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài theo diện tự túc ngày càng lớn, kéo theo không ít văn bằng, chứng chỉ bị giả mạo để thực hiện xin việc làm, gây khó khăn cho cơ quan thực hiện chứng thực khi xác định có phải bản chính hợp lệ hay không. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Thông tư sẽ quy định theo hướng không mở rộng việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự đối với bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp nữa.
Ủng hộ quan điểm này song đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế lưu ý dự thảo Thông tư cần đảm bảo phù hợp với Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu cần rà soát kỹ các quy định hướng dẫn Nghị định số 23/2015/NĐ-CP để đảm bảo dự thảo Thông tư được phù hợp và đồng bộ. Thứ trưởng nhấn mạnh chứng thực là vấn đề quan trọng, liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người dân nên khó có thể quy định mới mà chỉ có thể hướng dẫn cụ thể để áp dụng tốt hơn. Theo đó, dự thảo Thông tư cần có các quy định để khắc phục tình trạng lạm dụng bản sao; coi trọng ý chí của người uỷ quyền từ đó có hướng giải quyết bất cập trong việc chứng thực chữ ký trên giấy uỷ quyền; rà lại các quy định về hợp đồng, giao dịch, đặc biệt trong lĩnh vực nhiều biến động như đất đai để có hướng dẫn phù hợp...