Quy định rõ trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến

(PLVN) -Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS). Trong đó đáng chú ý Dự thảo đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục đấu giá bằng hình thức trực tuyến đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên môi trường internet.

Nhiều quy trình vẫn được thực hiện trực tiếp

Luật ĐGTS và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP lần đầu tiên quy định một hình thức đấu giá mới, hiện đại, thông dụng trên thế giới, đó là hình thức đấu giá trực tuyến. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hình thức đấu giá trực tuyến đã được sử dụng rộng rãi tại một số địa phương, nhờ đó vừa đảm bảo việc xử lý tài sản của các cơ quan, tổ chức theo đúng kế hoạch, vừa góp phần hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, "quần xanh, quân đỏ", “xã hội đen", đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Tính đến ngày 15/8/2022, cả nước đã có 08 tổ chức ĐGTS được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện theo hình thức đấu giá trực tuyến.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP đã phát sinh một số bất cập, hạn chế không đảm bảo tính thống nhất trong thực tiễn tổ chức thực hiện. Cụ thể, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP chỉ quy định cuộc đấu giá được tổ chức trực tuyến còn quy trình niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, việc bán hồ sơ, nộp hồ sơ, tiền đặt trước trực tiếp... vẫn được thực hiện trực tiếp như các hình thức đấu giá khác nên các tổ chức ĐGTS lúng túng trong việc áp dụng; mỗi tổ chức ĐGTS thực hiện một cách khác nhau, làm giảm tính hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tế.

Do quy định về hình thức đấu giá trực tuyến chưa đầy đủ nên một số tổ chức ĐGTS đã hướng dẫn người tham gia đấu giá mua hồ sơ, nộp hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá thông qua email hoặc tài khoản website đã được đăng ký; một số thì yêu cầu nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện; việc nộp tiền đặt trước cũng thực hiện không thống nhất, theo đó, một số tổ chức đấu giá yêu cầu người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước thông qua chuyển khoản ngân hàng (banking, chụp chứng từ ủy nhiệm chi), một số lại yêu cầu nộp thông qua tài khoản truy cập của trang đấu giá trực tuyến đã cấp... Điều này phản ánh không đúng bản chất của hình thức đấu giá trực tuyến (toàn bộ quy trình đều được thực hiện môi trường internet).

Bên cạnh đó, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định các tổ chức ĐGTS tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất đã gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá, người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc ĐGTS công, tài sản là quyền sử dụng đất giá trị lớn.

Người tham gia đấu giá được cấp tài khoản truy cập

Để khắc phục các hạn chế, bất cập của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP về hình thức đấu giá trực tuyến và tiếp cận với mô hình đấu giá trực tuyến hiện đại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục đấu giá bằng hình thức trực tuyến đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên môi trường internet. Theo đó, tổ chức ĐGTS đăng ký tham gia hệ thống mạng ĐGTS quốc gia để tổ chức đấu giá trực tuyến. Người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá trên hệ thống mạng ĐGTS quốc gia. Người tham gia đấu giá được cấp tài khoản truy cập để xem tài sản đấu giá, Quy chế cuộc đấu giá, Thông báo công khai việc đấu giá; được hướng dẫn cách sử dụng tài khoản để thực hiện việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước thông qua các hình thức thanh toán trực tuyến, cách thức tham gia đấu giá, trả giá và các nội dung cần thiết khác khi tham gia hệ thống mạng ĐGTS quốc gia. Người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản truy cập thực hiện việc trả giá theo phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá đã công bố và các việc liên quan khác theo Quy chế cuộc đấu giá.

Dự thảo Nghị định quy định tổ chức ĐGTS phân công đấu giá viên, Hội đồng ĐGTS, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công thành viên điều hành cuộc đấu giá trên hệ thống mạng ĐGTS quốc gia theo Quy chế cuộc đấu giá. Để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên hệ thống hệ thống mạng ĐGTS quốc gia và được gửi vào địa chỉ thư điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký với tổ chức ĐGTS, Hội đồng ĐGTS, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ngay sau khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá trên hệ thống mạng ĐGTS quốc gia.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự

Yên Bái thi hành xong gần 1.600 án dân sự
(PLVN) - Trong 6 tháng đầu 2024 toàn tỉnh Yên Bái đã thi hành xong gần 1.600 việc với hơn 73 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,36% về việc, 33,75% về tiền trong số có điều kiện thi hành.

Ghi nhận nhiều ý kiến thực tiễn, có giá trị cao nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đấu giá tài sản sửa đổi

Toàn cảnh Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
(PLVN) -  Ngày 11/4, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì.

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6

Bạc Liêu: Triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6
(PLVN) - Sáng 28/3, Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị trực tiếp và được kết nối trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện, cấp xã triển khai các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5. Ngoài điểm cầu chính, Hội nghị còn kết nối trực tuyến đến 7 điểm cầu cấp huyện và 64 điểm cầu cấp xã.