Nhiều khó khăn trong tiếp nhận yêu cầu THA
Theo khoản 5, Điều 31 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 (Luật THADS) quy định các trường hợp Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án. Theo đó, một trong những tiêu chí để cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án là: Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật THADS.
Người có quyền yêu cầu thi hành án dân sự được xác định bao gồm những người sau đây: Người được thi hành án, người phải THADS; Người được người được thi hành án hoặc người phải thi hành án ủy quyền yêu cầu THADS; Cá nhân, tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ THADS. Do đó, những người không thuộc các đối tượng nêu trên sẽ không có quyền yêu cầu THADS.
Đối với tiêu chí: nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật THADS. Trước đây, khoản 4 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định hướng dẫn đối với trường hợp này như sau: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành.
Tuy nhiên khi áp dụng quy định nêu trên còn gặp phải một số vướng mắc. Thực tiễn cho thấy nhiều vụ việc chỉ cần một tiêu chí “không xác định được người phải thi hành án” hoặc “không xác định được nghĩa vụ phải thi hành án” là đã không tổ chức thi hành án được. Nhưng do Luật quy định đồng thời cả hai điều kiện nói trên dẫn đến các cơ quan THADS gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận hoặc từ chối yêu cầu thi hành án.
Khắc phục hạn chế này, khoản 4 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) đã quy định cụ thể hơn. Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án đối với bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định rõ khoản phải thi hành hoặc không xác định rõ người phải thi hành án, trừ một số trường hợp. Điều luật cũng quy định cụ thể : Nếu có căn cứ từ chối yêu cầu thi hành án thì cơ quan THADS phải thông báo bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.
Nghị định mới quy định rõ hơn về trở ngại khách quan
Về việc yêu cầu thi hành án khi đã hết thời hiệu (thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án; hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án theo quy định của Luật THADS), Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật THADS thì đương sự có quyền đề nghị thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn. Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa. Đối với trở ngại khách quan, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điểm b khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn. Theo đó Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm các đối tượng là tổ chức chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án thay cho trước đây chỉ quy định đối với trường hợp người phải thi hành án là tổ chức thực hiện cổ phần hóa.
Về các tài liệu chứng minh khi thực hiện yêu cầu thi hành án quá hạn, Nghị định số 33/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung Điểm đ khoản 4 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi hình thức, chuyển giao bắt buộc, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp thì phải có văn bản hợp pháp chứng minh thời gian chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án.