Tổng kết 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an cho rằng bộ luật này có hai lĩnh vực chính với mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau gồm: Đảm bảo an ninh, hành vi con người và bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông.
Do vậy, cơ quan này đã đề xuất tách Luật giao thông đường bộ 2008 thành 2 bộ luật tương ứng. Đồng thời, Bộ Công an cũng nhận nhiệm vụ xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự luật có nhiều nội dung mới, xoay quanh việc quản lý hành vi của người tham gia giao thông.
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu rõ: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tổ chức thực hiện quản lý đào tạo, sát hạch; cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe; quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ sau khi được cấp giấy phép lái xe.
Hiện nay, nội dung này do Bộ GTVT quản lý và thực hiện.
Dự luật mới quy định giấy phép lái xe gồm 11 hạng thay vì 13 hạng như hiện nay.
Cụ thể, sẽ loại bỏ hạng A4 cấp cho người điều khiển máy kéo có trọng tải dưới 1.000 kg, hạng B1 và B2 sẽ được thay thế bằng hạng B. Đổi tên các hạng: A1, D, E, FB2, FC, FD, FE thành A01, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Theo Cục CSGT, đây là nội dung được nội luật hóa từ các quy định về phân hạng giấy phép lái xe tại Công ước Vienna năm 1968. Từ đó, tạo điều kiện cho việc sử dụng bằng lái xe của Việt Nam ở nước ngoài và bằng lái xe nước ngoài tại Việt Nam. Đây cũng là nghĩa vụ của Việt Nam ký kết, gia nhập công ước này.
Việc cấp giấy phép lái xe theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những giấy phép lái xe thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.
Giấy phép lái xe gồm các thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh trong đó có họ, tên, ngày sinh, số định danh cá nhân, ngày cấp, ngày hết hạn.
Trừ điểm bằng lái
Theo Bộ Công an, đây là biện pháp quản lý hành chính Nhà nước, không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm tương ứng với 12 tháng. Đây là mức điểm được lấy theo kinh nghiệm của một số nước đã áp dụng cách làm này.
Bộ Công an sẽ không thể hiện trực tiếp số điểm trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy sẽ biết tài xế còn bao nhiêu điểm.
Mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm cho mỗi năm, số điểm bị trừ tương ứng với hành vi vi phạm. Ảnh:Hoàng Hà. |
Mức điểm trừ sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Khi quy định này được thực thi, chỉ với các lỗi nghiêm trọng tài xế mới bị tước bằng, còn lại sẽ trừ điểm vào bằng lái.
Nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được phục hồi 12 điểm cho năm kế tiếp. Khi bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe sau ít nhất 6 tháng.
Cục CSGT (Bộ Công an), nhận định đây là phương án quản lý văn minh, có tác động nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.