Quy định mới về cấp giấy chứng nhận lương y

Hội viên Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên bốc thuốc cho người bệnh. (Ảnh: baothainguyen.vn)
Hội viên Hội Đông y tỉnh Thái Nguyên bốc thuốc cho người bệnh. (Ảnh: baothainguyen.vn)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định cấp giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền, giấy chứng nhận người có phương pháp chữa bệnh gia truyền và kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối tượng đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y

Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định những đối tượng được quyền đề nghị cấp giấy chứng nhận lương y bao gồm: Đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT trước ngày 30/6/2004 nhưng chưa được kiểm tra sát hạch. Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30/6/2004.

Đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) trước ngày 30/6/2004.

Đối tượng đã được cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân có phạm vi hành nghề khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền nhưng không phải là bác sỹ, y sỹ y học cổ truyền và chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

Đối tượng đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên. Đối tượng có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư 13/1999/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Hành nghề y, dược tư nhân thuộc lĩnh vực hành nghề y, dược cổ truyền trước ngày 14/2/2004 nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

Đồng thời, Thông tư 02/2024/TT-BYT cũng quy định về thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BYT.

Người đứng đầu cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng quy định tại khoản 1, 4, 5 và khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2024/TT-BYT.

Điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y

Bên cạnh đó, về điều kiện cấp giấy chứng nhận lương y đối với đối tượng đã được chuẩn hóa lương y có đủ các chứng chỉ học phần trước ngày 30/6/2004 nhưng chưa được kiểm tra sát hạch, Thông tư 02/2024/TT-BYT quy định như sau:

Có đủ 10 chứng chỉ học phần do cơ sở đào tạo y, dược hoặc Trung ương Hội Đông y Việt Nam hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền (viện, bệnh viện y học cổ truyền) phối hợp với trường trung cấp hoặc cao đẳng y tế, Hội Đông y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hội Đông y tỉnh) tổ chức bồi dưỡng chuẩn hóa và cấp trước ngày 30/6/2004.

Các chứng chỉ học phần bao gồm: Lý luận cơ bản về y học cổ truyền; Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nội khoa; Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngoại khoa; Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh nhi khoa; Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh phụ khoa; Chứng chỉ về bệnh học và điều trị các bệnh ngũ quan; Chứng chỉ điều trị bằng những phương pháp không dùng thuốc; Chứng chỉ dược liệu học; Chứng chỉ về bào chế; Chứng chỉ về các bài thuốc cổ phương.

Về trình độ học vấn, đối với người sinh trước ngày 1/1/1960 và dân tộc ít người phải đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ; người sinh từ ngày 1/1/1960 trở về sau phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Có kết quả đạt tại kỳ kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư 02/2024/TT-BYT.

Với đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp giấy chứng nhận lương y chuyên sâu trước ngày 30/6/2004, phải có giấy chứng nhận lương y chuyên sâu do Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp trước ngày 30/6/2004. Đồng thời phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT.

Với đối tượng đã được Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam bồi dưỡng và được Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên, phải có giấy chứng nhận đạt trình độ y sỹ cấp 2 trở lên (theo phân loại của Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam) do Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ cư sỹ Phật hội Việt Nam cấp trước ngày 30/6/2004 và phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2024/TT-BYT.

Đối với đối tượng đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ đủ 30 năm trở lên, phải có thời gian khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hợp pháp từ đủ 30 năm trở lên. Trường hợp người khám bệnh, chữa bệnh tại Trạm y tế cấp xã thì phải được Trưởng Trạm y tế xác nhận bằng văn bản; căn cứ để xác nhận dựa vào hợp đồng lao động hoặc giấy tờ khác chứng minh đã tham gia khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, không có sai sót về chuyên môn và được người bệnh tín nhiệm. Nếu người khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì phải được người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó xác nhận; người xác nhận quy định tại điểm này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận của mình.

Đối tượng còn lại phải đạt kết quả kiểm tra sát hạch theo quy định tại Thông tư 13/1999/TT-BYT nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận lương y.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/3/2024.

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.