Ngay sau khi nắm được thông tin từ dư luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã kịp thời cử cán bộ tiến hành kiểm tra và buổi làm việc nói trên là bước tiếp theo trong quy trình kiểm tra. Tuy nhiên, tính chất của buổi làm việc chỉ là một cuộc trao đổi nội bộ giữa các chuyên gia và những người có trách nhiệm về nội dung chuyên môn của văn bản này để Cục Kiểm tra văn bản có thể lắng nghe các chiều ý kiến khác nhau đối với quy định đang gây xôn xao của UBND TP Hà Nội.
Trước đó, ngày 3/1/2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân TP, trong đó có quy định “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Quy định này áp dụng đối với công dân khi đến làm việc tại trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội lập tức nhận được sự phản ứng rất khác nhau từ dư luận.
Trao đổi với các phóng viên báo chí, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng khác nhau. Cụ thể, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ: Từ lâu, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành quy định “không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, cán bộ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân”.
Trước thắc mắc việc khi quay phim, chụp ảnh phải “xin phép” khiến quyền giám sát của người dân bị ảnh hưởng, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương nhấn mạnh, quy chế không cấm mà quy định trước khi làm việc đó phải xin phép và được sự đồng ý từ người có thẩm quyền.
Theo ông Điệp, điều quan trọng nhất là thái độ của cán bộ, công chức khi làm việc với người dân. Qua tiếp xúc, người dân nhận thấy cán bộ cư xử đúng mực sẽ cảm thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết.
Ông Điệp nhấn mạnh một lần nữa mục đích của hoạt động tiếp dân là cùng nhau hợp tác để giải quyết công việc chứ không phải “cứ đến trụ sở tiếp dân, gặp cán bộ tiếp dân là lập tức đưa máy lên quay hết mọi thứ mà không tập trung vào mục đích chính trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh”.
Ảnh minh họa: Trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội |
Bên cạnh ý kiến tán thành, cũng có ý kiến cho rằng đây là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Nghĩa là người dân chỉ được thực hiện quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm của mình khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Trong khi đó, Quyết định số 12/QĐ-UBND của Hà Nội là văn bản hành chính cá biệt lại đưa các quy phạm pháp luật vào, có nội dung mang tính chất cấm đoán công dân, vừa trùng lắp với luật vừa trái thẩm quyền.
Có chuyên gia thẳng thắn cho rằng, quy định này gây phản cảm về mặt xã hội và ngược với tinh thần của Luật Tiếp công dân và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy định công dân muốn ghi hình, ghi âm phải có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân cũng tương tự vụ cấm công dân quay phim chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ gây ồn ào trước đây.
Theo Đại biểu Quốc hội khóa XIII Nguyễn Ngọc Bảo, hoạt động tiếp dân rất bình thường, không có gì nên cấm. Cấm ghi âm, ghi hình là không đúng.
“Khi tiếp dân cần hết sức rộng rãi, cởi mở và cho phép thông tin đại chúng, báo chí, truyền hình phát thanh đưa tin như buổi tiếp xúc cử tri. Người dân phản ánh điều bức xúc, đương nhiên là không hạn chế, còn quản lý thông tin ấy như thế nào là việc khác. Tiếp dân nên theo hướng mở và tất cả nên công khai minh bạch để người tiếp và người được tiếp làm hết trọng trách của mình” – ông Bảo nêu quan điểm.
Chính vì vậy, theo Cục trưởng Đồng Ngọc Ba, sau cuộc họp này, Cục sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng các quy định pháp luật liên quan, tất cả các ý kiến phát biểu trong cuộc họp, trình văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp để xin ý kiến chỉ đạo và sẽ thông tin chính thức cho báo chí trong thời gian sớm nhất.