Chiều 18/6, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đối với dự án Luật Dược, một trong những nội dung mới của dự thảo Luật là quy định kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm.
Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ cho phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử các thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cần bổ sung quy định biện pháp để bảo đảm chất lượng thuốc và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục rà soát để thống nhất với pháp luật về giao dịch điện tử.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ chiều 18/6. (Ảnh: H.Thái) |
Tán thành phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, Đại biểu (ĐB) Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn Ninh Bình) nêu rõ, đây là điều cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tạo hành lang pháp lý cho việc điều chỉnh, giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh. Theo ĐB, bán thuốc qua nền tảng điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thuốc dễ dàng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo an toàn sức khỏe, phải có đơn của bác sỹ đối với thuốc kê đơn, người mua được tư vấn và theo dõi các phản ứng có hại của thuốc… ĐB nhận thấy, dự thảo Luật hiện chưa có quy định thật cụ thể về điều kiện đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh dược, chưa rõ về cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc…
ĐB cũng nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Do đó, việc cho phép bán thuốc qua nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động cụ thể, đầy đủ. ĐB đề nghị, dự thảo Luật cần xem xét để quy định cụ thể, chặt chẽ về phương thức kinh doanh mới này, cân nhắc kỹ dựa trên cơ sở đánh giá lợi ích và rủi ro, hậu quả đối với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước và nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới.
Nhất trí với việc sửa đổi Luật Dược, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) đề nghị quy định trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc thuốc bán online gây nguy hại đến sức khỏe, những sản phẩm quảng cáo là thuốc nhưng không phải là thuốc. ĐB chia sẻ, bản thân là bác sĩ, "không có ngày nào không có người dân gọi đến hỏi thuốc này có phải do anh quảng cáo không, anh dùng không". ĐB phản ánh, người bán sử dụng hình ảnh bác sĩ và bán trên mạng cho người dân, gây tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Qua đó, ĐB cho rằng, Luật cần quy định trách nhiệm của Bộ Y tế, cần có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng điều tra, công khai cho người dân biết trên các trang web, app của Bộ Y tế.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Phó ban Dân nguyện) lo ngại, thời gian qua có thực trạng một số mặt hàng như thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh được quảng bá, rao bán trên một số sàn thương mại điện tử như Shoppee, TikTok shop. Trong đó, có một số loại thuốc gây nhiều tác dụng phụ như chảy máu, dị ứng. Vì vậy, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo quản lý chặt chẽ việc quảng cáo, rao bán các loại thuốc trên sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, ĐB Hà cũng đặt ra câu hỏi tại sao thuốc trên các sàn thương mại điện tử lúc nào cũng rẻ hơn giá bán buôn của các cơ sở kinh doanh thuốc truyền thống. “Chúng ta phải đặt vấn đề về chất lượng, nguồn gốc của sản phẩm, đề nghị ban soạn thảo đưa ra quy định để quản lý thuốc chặt chẽ”, ĐB nêu rõ.