Phát biểu tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Văn Tuấn cho biết: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025) đã bỏ điều kiện về thời gian làm việc trong lĩnh vực được đào tạo từ 03 năm trở lên mới được tham gia khóa đào tạo nghề đấu giá; bỏ quy định về miễn đào tạo nghề đấu giá tài sản và một số biểu mẫu cũng không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai Thông tư số 06/2017/TT-BTP ngày 16/5/2017 quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá và biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản và Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản có hiệu quả, kịp thời, đồng bộ và khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư số 06/2017/TT-BTP và Thông tư số 02/2022/TT-BTP thì việc xây dựng Thông tư quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá; tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá; chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên; hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản là cần thiết. Thông tư này được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 06/2017/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTP.
Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Văn Tuấn trình bày về sự cần thiết xây dựng dự thảo Thông tư. |
Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của Tổ soạn thảo là việc đánh giá tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (Điều 33). Hiện dự thảo Thông tư thu hẹp các hành vi vi phạm bị trừ điểm khi tổ chức hành nghề đấu giá nộp hồ sơ tham gia lựa chọn. Theo đó, chỉ chọn lọc các hành vi liên quan trực tiếp đến năng lực, kinh nghiệm, tính liêm chính và đạo đức hành nghề của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên thuộc trường hợp cố ý, tính chất nghiêm trọng trong hoạt động hành nghề, ví dụ như công bố không đúng người trúng đấu giá, thông đồng, dìm giá...nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề.
Về nội dung này, các đại biểu cho rằng trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức hành nghề đấu giá tài sản có người đại diện theo pháp luật hoặc đấu giá viên của tổ chức bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản do thực hiện hành vi nhân danh, vì lợi ích hoặc có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đó thì chỉ trừ 20% tổng số điểm của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thay vì 50% tổng số điểm như dự thảo hiện nay.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định “Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thuộc trường hợp đã bị từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ quy định tại khoản 7 Điều này hoặc đã bị hủy bỏ kết quả lựa chọn quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư này thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản đó bị trừ 70% tổng số điểm” do việc trừ 70% số điểm là rất lớn, ảnh hưởng đến tổ chức hành nghề đấu giá; đồng thời việc quy định người có tài sản có quyền từ chối, xem xét, đánh giá hồ sơ cũng dễ gây ra tiêu cực trong lựa chọn hồ sơ đấu giá.
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng ghi nhận, tiếp thu các ý kiến. |
Tại Khoản 1, Điều 35 dự thảo Thông tư quy định người có tài sản đấu giá từ chối đánh giá hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong các trường hợp sau đây: “Người sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền bán đấu giá tài sản, người có quyền đưa tài sản ra bán đấu giá theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản là vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người đứng đầu Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh của doanh nghiệp đấu giá tài sản”.
Đại diện một số công ty đấu giá tài sản quy định như trên có phạm vi quá rộng, trong khi đó Luật Đấu giá tài sản đã bỏ bớt nhóm đối tượng “anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”. Do vậy Thông tư cần quy định phạm vi tương xứng với Luật. Đồng thời đề xuất bỏ quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ quản của người có tài sản đấu giá tại khoản 2 Điều 36 bởi trong một số trường hợp không thể xác định được cơ quan chủ quản cấp trên và người có tài sản phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với tài sản.
Sau khi nghe các ý kiến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết Tổ soạn thảo, Tổ biên tập sẽ ghi nhận và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đồng thời Cục sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Thông tư trình lãnh đạo Bộ để kịp tiến độ có hiệu lực với Luật Đấu giá tài sản.
Đại diện một số tổ chức đấu giá tài sản góp ý tại cuộc họp: