Bất cập
Hiện nay Việt Nam đang có hàng chục quỹ BLTD được thành lập với mục tiêu là cầu nối giữa ngân hàng (NH) và các DN. Tuy nhiên, đánh giá về các quỹ BLTD DNNVV thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hoạt động hỗ trợ của các quỹ còn nhiều hạn chế. TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, mục tiêu giúp DNNVV, nhất là các DN không có tài sản bảo đảm (TSBĐ), tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn đến nay chưa đạt được.
Đặc biệt, theo quy định tại Điều 23 Quyết định 58/2013/QĐ-TTg (Quyết định 58) ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ BLTD cho DNNVV, bên được bảo lãnh phải sử dụng tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai thuộc quyền sở hữu của mình mà pháp luật không cấm giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn tại bên bảo lãnh theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
“Quy định này tạo ra khó khăn lớn đối với DN, bởi TSBĐ như một điều kiện tiên quyết để DN được vay vốn. Nhưng có thực tế là khi DN có TSBĐ thì sẽ đến trực tiếp NH để vay vốn” - ông Đức Anh nhận xét. Khảo sát tại tỉnh Bắc Ninh cho thấy, từ khi Quyết định 58 được ban hành, mới chỉ có 2 DN được BLTD và hiện nay quỹ này đã phải nhập vào quỹ đầu tư phát triển của địa phương.
Trên thực tế phát sinh nhiều vướng mắc khiến mục tiêu hoạt động của các quỹ BLTD không đạt được. Đơn cử như việc phối hợp giữa quỹ BLTD và ngân hàng thương mại (NHTM) còn kém hiệu quả, mức độ tin tưởng vào khả năng thẩm định khách hàng của các quỹ còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn một số yếu tố chi phối hiệu quả hoạt động của các quỹ BLTD như: quy định cơ chế trách nhiệm không rõ ràng; mức độ “thân thiết” trong mối quan hệ của DNNVV với cán bộ tín dụng…
Đề xuất tháo gỡ
Để các quỹ BLTD thực sự phát huy được đúng mục tiêu kỳ vọng, nhất là khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực vào đầu năm 2018, các chuyên gia kinh tế cho rằng không ít khó khăn cần phải tháo gỡ. Về mô hình BLTD, TS.Đức Anh cho rằng, Chính phủ có thể tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ, hoạt động dưới hình thức hiệp hội.
Mô hình này giải quyết được vấn đề bất đối xứng thông tin giữa NH và DN trong quá trình đánh giá rủi ro khách hàng vay, do các hiệp hội có thể có thông tin cụ thể về hoạt động của DN thành viên khi họ muốn BLTD. Cơ chế này cũng khắc phục được những vấn đề khó khăn trong công tác thẩm định của các quỹ BLTD khi cán bộ không đủ năng lực.
Một số chuyên gia cho rằng, các chương trình bảo lãnh chỉ đạt được hiệu quả khi DN có phương án kinh doanh tốt, NH kinh doanh tốt, nhân viên chuyên nghiệp và có khả năng thẩm định khi người vay không đủ tài sản thế chấp. Trong khi đó, có một thực trạng là sự phối hợp giữa quỹ BLTD và NHTM tại Việt Nam còn kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do sự thiếu tin tưởng vào khả năng thẩm định khách hàng của các quỹ, thậm chí một số NH từ chối bảo lãnh để tránh rủi ro. Do đó, để tăng cường sự phối hợp từ hai phía, rất cần phải tạo niềm tin từ phía NH đối với các quỹ này.
Theo TS.Đức Anh, các NHTM cũng có lợi ích nhất định từ việc tham gia cho vay các DN được bảo lãnh. Kinh nghiệm của Nhật Bản trong vấn đề này cũng cho thấy, họ thiết lập cơ chế trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả quỹ BLTD và các NHTM với tỷ lệ tương ứng 80% và 20%.
Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các NHTM sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ. Để tăng khả năng thẩm định khách hàng có thể bắt đầu từ việc thay đổi mô hình bảo lãnh, bao gồm: cấp vốn bổ sung từ ngân sách trung ương, cơ chế bảo hiểm bảo lãnh, tạo ra cơ chế tương trợ với sự tham gia của các hiệp hội...
Các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp đang phải “ngồi chơi”?
Hầu hết các DNVVN đều rất khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng NH do không có tài sản thế chấp. Quỹ BLTD ra đời được xem là cầu nối giữa NH với các DNVVN không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo đảm tiền vay nhưng có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi. Thế nhưng, vai trò cầu nối này đã không thể phát huy do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các NH không tin tưởng vào các quỹ bảo lãnh.
Qua khoảng 15 năm, hiện có hơn 20 quỹ BLTD cho DNVVN được thành lập ở các địa phương nhưng chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ đối tượng này tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh như mục tiêu đề ra. Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều bất cập về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực, dẫn đến tình trạng hầu hết các quỹ BLTD DNVVN chỉ có thể hoạt động cầm chừng.
Ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Quỹ BLTD TP HCM cho biết, hiện cả nước có 27 quỹ BLTD ở các tỉnh, thành, nhưng đang trong cơn bĩ cực, và nhiều quỹ này đang trong tình trạng phải “ngồi chơi”. Một số ít quỹ được đánh giá làm tốt nhiệm vụ như ở Cần Thơ thì hiện cũng đang hoạt động một cách dè chừng do chính sách đang “bó tay, bó chân”. Nhiều người làm việc tại các quỹ này hiện cũng đã suy giảm tinh thần.
Vừa qua, tại hội thảo “Mô hình và giải pháp phát triển quỹ BLTDDNNVV TPHCM”, các ý kiến chỉ ra rằng hàng loạt khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách khiến hoạt động của nhiều quỹ BLTD DNVVN trên cả nước rơi vào tình trạng “rảnh tay” bởi các quỹ này đang hoạt động theo mô hình làm tín dụng “giả” nhưng trách nhiệm thật vì thực chất các quỹ không cho vay đồng nào, không thu lãi nhưng phải chịu trách nhiệm nhiều mặt.
Cụ thể, có ba đối tượng trong hoạt động bảo lãnh là DN, NH và quỹ BLTD. Theo ông Long, phải nghiên cứu xem là ai thiệt, ai hơn trong mối quan hệ này, bởi nếu cho vay xảy ra sự cố, quỹ BLTD phải gánh hết nhưng lại không được hưởng lợi gì. Trong khi đó, NH thì được hưởng lãi suất toàn bộ, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm gì.“Vậy thì mô hình này làm sao tồn tại?”-ông Long đặt câu hỏi. Còn với đề xuất là quỹ BLTD nên trích lập dự phòng, nhưng lấy đâu ra tiền để trích lập?
Mặt khác, một số NH cũng muốn cho DN vay nhưng lại sợ rủi ro bởi trên thực tế quỹ BLTD thường phải tiếp nhận nhiều hợp đồng bảo lãnh tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến việc phát triển hoạt động bảo lãnh cho DNVVN vay vốn tại hệ thống NHTM đang gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế khi khảo sát DN, đa số cũng cho rằng họ đến với quỹ là do không đủ điều kiện để tiếp cận NH.
Ngay cả TPHCM được xem là địa phương có quỹ này hoạt động khá hơn so với những tỉnh, thành khác thì tỷ lệ bảo lãnh cho vay cũng đạt rất thấp. Theo ông Hoàng Đình Thắng, Giám đốc quỹ BLTDDNNVV TPHCM, sau gần 10 năm thành lập, số lượng DN tiếp cận được hình thức bảo lãnh này còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của DN trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cho rằng, Đại hội XII đặt vấn đề coi trọng vai trò của DN tư nhân và đa số là DNVVN. Tuy nhiên, hiện chưa có đánh giá cụ thể nào về việc hỗ trợ cho đối tượng này về vốn. Và quỹ BLTD ra đời được xem là hỗ trợ thiết thực với DN trong việc tiếp cận vốn.
Hiện nay NH không an tâm với quỹ vì sợ rủi ro lớn do khó đòi tiền khi DN rủi ro. Ông Hưng thấy rằng, việc bảo lãnh dù sao vẫn có giá trị hơn so với cho vay tín chấp nhưng các NH vẫn không dám cho vay khi có sự bảo lãnh của quỹ.
Để quỹ BLTD cho DNVVN phát huy được vai trò, đáp ứng nhu cầu DN, ông Hưng kiến nghị cần có cơ chế chính sách hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao tiềm lực tài chính, uy tín cho các quỹ bảo lãnh. Đó là phải “cởi trói” cho các quỹ này khỏi những quy định khắt khe, cải thiện nguồn vốn từ NSNN nâng cao trình độ đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp hơn...