Theo Nghị quyết, tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỷ đồng; diện tích đất thu hồi là 5.399,35ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.
Tại buổi họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét, tại kỳ họp này, ngoài việc thảo luận, QH đã tăng cường tranh luận để giúp ĐBQH và thành viên Chính phủ trao đổi sâu, tập trung vào những vấn đề cần trao đổi trong số các nội dung của phiên họp. Việc tranh luận không chỉ là giữa ĐB với các thành viên Chính phủ mà còn giữa các ĐBQH với nhau. Đánh giá đây là việc rất tốt, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết QH sẽ phát huy tại các kỳ họp tới để các phiên chất vấn, thảo luận ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Về câu hỏi QH sẽ giám sát ra sao để Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đảm bảo tiến độ thi công và không đội vốn, Tổng Thư ký QH cho rằng nguồn vốn 23.000 tỉ đồng cho dự án là khả thi. “Quan trọng nhất là tiến độ, phải cuốn chiếu làm sao để đảm bảo giải phóng đến đâu gọn đến đấy, giải phóng được rồi thì quản lý được đất đai, mặt bằng. Cái này rất quan trọng và các cơ quan của QH sẽ giám sát việc này”, ông Phúc nhấn mạnh.
Nghị quyết của QH giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập trên cơ sở bảo đảm hài hòa với các dự án đã thực hiện trên địa bàn.
Về bố trí vốn, ngoài nguồn vốn 5.000 tỷ đồng đã được QH bố trí theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của QH, bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong tổng số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của QH; 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu, trường hợp không thu đủ từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định từ nguồn nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày QH thông qua.
Cũng trong ngày 24/11, Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh cũng đã được QH thông qua với 460/465 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (bằng 93,69% tổng số ĐBQH).
Theo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh được quyền quyết định bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của TP do HĐND TP quy định. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.
Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV cũng đã được QH thông qua chiều 24/11. Tại phiên họp buổi sáng, với 433/455 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, bằng 92,67% tổng số ĐBQH, QH đã thông qua Dự án Luật Quy hoạch. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Các quy định về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo được thể hiện rõ tại kỳ họp
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét như vậy trong phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV diễn ra chiều 24/11.
Theo Chủ tịch QH, chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, góp phần bảo đảm hoàn thành tốt tất cả các nội dung. Việc đổi mới cách thức thảo luận về kinh tế - xã hội - ngân sách nhà nước, tăng thời gian thảo luận tại hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là việc thảo luận về các báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân… đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của QH với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.
Ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các ĐBQH; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp, Chủ tịch QH đề nghị các ĐBQH sau kỳ họp tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.