Trước khi tiến hành thảo luận, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ Công an cấp xã. UBTVQH thấy rằng, Hiến pháp năm 2013, Luật Công an nhân dân và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đã quy định mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; các lực lượng ở cơ sở có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới. (Nguồn ảnh: quochoi.vn) |
Tuy nhiên, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có 3 lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng. Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật.
Tán thành với đề xuất trên, Đại biểu Đào Hồng Vận (Đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, tại Điều 46 Hiến pháp năm 2013, mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ ANTT, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Khoản 1 Điều 14 Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định cơ quan tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cơ quan tổ chức công dân Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm tham gia phối hợp công tác hỗ trợ Công an nhân dân thực hiện chức năng nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định…
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản bảo vệ cơ quan doanh nghiệp bảo vệ chung cư… sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò cũng như là tính chất hoạt động của lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự nguyện, tự quản ở cộng đồng dân cư cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm. (Nguồn ảnh: quochoi.vn) |
Còn Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đánh giá cao sự chỉ đạo của QH, UBTVQH đối với cơ quan chủ trì soạn thảo, các tổ chức hữu quan đã nghiên cứu, tham vấn để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật. Tuy nhiên, Đại biểu chỉ rõ, tại khoản 1, Điều 14 quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của Luật này.
Song, tại các điều khoản, Dự thảo chưa đề cập đến việc quy định việc kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố; không có ưu tiên cho đối tượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng... mà mới chỉ quy định ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở. Đại biểu cho rằng, quy định như trên chưa đảm bảo thống nhất, chưa nhất quán, không đúng theo tinh thần đề ra.
Theo UBTVQH, tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT thì với 84.721 Tổ bảo vệ ANTT thì cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (mỗi Tổ cần ít nhất 3 người) và dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của Dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do Dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số Tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống. Như vậy, với cách dự tính nêu trên, sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay.